Đừng hiểu học chữ Hán là học tiếng Trung Quốc!

THỤY BẤT NHI 07/06/2020 14:06

Rất nhiều bạn trẻ đang nhầm tưởng việc học chữ Hán là học tiếng Trung Quốc, nên cứ nghe đến các lớp chữ Hán mở ra là dè bỉu. Song nếu ai đó bảo họ phân tích sự khác biệt giữa những chữ viết trên câu đối chùa chiền, với văn bản hiện tại ở Bắc Kinh, thì họ không làm được. Tại sao?

Bốn trang đầu của sách “Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca” dùng chữ Nôm để học chữ Nho.
Bốn trang đầu của sách “Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca” dùng chữ Nôm để học chữ Nho.

1. Một cách đơn giản, mọi người cần hiểu, ngôn ngữ nào cũng có lịch sử phát triển, và tiếng Trung Quốc cũng thế. Người Trung Quốc nhiều đời trước thống nhất dùng văn tự chữ Hán (phồn thể) để viết và dùng ngữ pháp chữ Hán để hiểu. Lối hành văn ấy thường gọi là văn chương bát cổ, sử dụng ở các triều đại phong kiến. Đến nay, Chính phủ Trung Quốc thống nhất dùng chữ viết tiết giản các nét (giản thể) và ngữ pháp vùng Bắc Kinh cho đất nước này, từ đó trở thành tiếng phổ thông Trung Hoa (Trung văn) hay còn gọi là tiếng Quan thoại, tiếng Bắc Kinh.

Với người Việt Nam, chữ Hán được du nhập cùng bước chân xâm lược và chế độ đô hộ của Trung Quốc trước đây. Giới nghiên cứu cho rằng chữ Hán được vận dụng chính từ thời Hán, với âm đọc của thời đó, lưu giữ cho đến nay. Chữ Hán, được người Việt dùng, nhưng với âm đọc Hán - Việt, tức là phát âm theo tiếng của người Việt Nam.

Trải qua nhiều triều đại, cùng với lối văn chương bát cổ được sử dụng, từ vựng chữ Hán đã dần trở thành “vốn từ” đa số trong ngôn ngữ Việt Nam. Những chữ Hán này, tức các từ Hán - Việt, đọc lên hoàn toàn bằng âm Việt, người Trung Quốc nghe không hiểu. Nghĩa dùng, ngữ pháp chữ Hán - Việt cũng tuân thủ theo văn chương cũ ở các triều đại phong kiến, nên người Trung Quốc hiện đại cũng không thể hiểu được.

Áng văn Nôm Truyện Kiều bản Chiêm Vân Thị dưới tựa “Thúy Kiều Truyện tường chú”.
Áng văn Nôm Truyện Kiều bản Chiêm Vân Thị dưới tựa “Thúy Kiều Truyện tường chú”.

Thậm chí qua thời gian, chữ Hán còn được người Việt biến cải, sử dụng với nhiều nghĩa khác, từ đó tạo ra nhiều chữ Hán “thuần Việt”, không còn chữ Hán nguyên thủy. Sự khác biệt này, nếu so sánh với tiếng phổ thông Trung Quốc hiện nay, sẽ rất rõ nét.

Ví dụ, người Trung Quốc dùng chữ “chúng cư” (眾 居) theo nghĩa nơi ở tập trung nhiều người, nhưng người Việt đổi âm là “chung cư”. Người Trung Quốc dùng chữ “khốn nạn” (困 難) để chỉ sự khó khăn, còn người Việt lại trỏ vào một đặc tính hành xử của con người. Người Trung Quốc dùng chữ sinh sản (生 產) với nghĩa “sản xuất”, còn người Việt lại dùng chữ sinh sản để chỉ vào việc sinh nở của phụ nữ. Đại gia (大 家), với tiếng Trung Quốc hiện đại, nghĩa là mọi người, nhưng người Việt lại dùng nghĩa “người giàu có tiền bạc”.

Hơn nữa, trong lịch sử ngôn ngữ, người Việt còn sử dụng chữ Hán để ký âm đọc tiếng Việt, từ đó tạo nên những từ tiếng Việt thuần túy nhưng viết bằng chữ Hán, gọi là chữ Nôm. Lối chữ này, hoàn toàn không phải là chữ Hán của người Trung Quốc nữa, và đã từng được người Việt sử dụng như là một thứ chữ viết riêng cho tiếng Việt.

Do đó, chữ Hán - Việt chính là nền tảng quan trọng để ký âm chữ Nôm cho người Việt, và trong lịch sử phát triển của ngôn ngữ Việt Nam, chữ Hán là thành phần không thể thiếu được khi người Việt muốn nắm rõ, giảng nghĩa các từ dùng của mình. Nền văn hóa, văn học Việt Nam, ngôn ngữ cha ông chúng ta vì thế không tách rời với chữ Hán và chữ Nôm, cần phải được bảo tồn, nắm bắt đúng nguyên nghĩa giá trị và tinh thần trong đó.

2. Học chữ Hán, với người Việt hiện nay, chính là một thách thức không đơn giản, khi cả dân tộc đã hơn 100 năm chuyển đổi qua hệ ký âm Latinh tiếng Việt, sử dụng chữ Quốc ngữ trong mọi hoạt động văn hóa và giao tiếp. Chữ viết hiện nay của người Việt hoàn toàn không còn dấu vết gì của chữ Hán, chữ Nôm.

Có điều, thực chất nghĩa ẩn chứa bên trong từ tiếng Việt, lại là nghĩa của từ Hán - Việt. Do đó, để hiểu đúng hiểu đủ bản sắc phong phú, độc đáo của ngôn ngữ tiếng Việt, chúng ta không thể bỏ qua “kênh dịch nghĩa” là từ Hán - Việt. Thậm chí, khi bỏ nghĩa Hán - Việt, nhiều từ tiếng Việt sẽ bị đứt gãy nghĩa, trở nên tối nghĩa và sai lệch. Khối lượng từ tiếng Việt của chúng ta sẽ giảm đi rất nhiều và méo mó một cách thảm hại.

Ví dụ, với câu nói “đêm qua, đại ca Hùng đã dùng ca sắt đánh vào đầu ca sĩ Hồng”, rất nhiều người hiện nay không thể phân biệt đúng và đầy đủ nghĩa của 3 từ “ca” được sử dụng. Nếu không nắm vững được các từ Hán - Việt với nghĩa dùng ở đây, cùng các từ tiếng Việt, chữ Nôm tương ứng, chắc chắn người Việt Nam không thể giảng rõ được từ dùng của mình.

Đây là lý do để gần đây, một trào lưu “học chữ Hán” khá sôi nổi đa dạng được khuấy động ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, được nhiều bạn trẻ quan tâm theo học. Tuy nhiên, do không hiểu được bản chất sự việc, nhiều bạn trẻ đang cổ súy bài xích hoạt động đó, cho rằng các bạn học chữ Hán là học tiếng Trung Quốc, dẫn đến những ngộ nhận sai lầm khi ứng xử.

Thậm chí ngay ở một số nhà sách, nhà xuất bản, một số từ điển, tự điển chữ Hán cũng bị hiểu nhầm là từ điển, tự điển tiếng Trung, và ngược lại. Có rất nhiều từ điển tiếng Trung Quốc hiện đại, khi được dịch qua tiếng Việt, đã ghi thành từ điển Hán - Việt, rất là sai lệch.

Học và hiểu ngôn ngữ là cả một vấn đề lớn, không đơn giản, nhất là khi các ngôn ngữ ấy đã có một lịch sử giao thoa cả ngàn năm. Cho nên, nhận chân vấn đề, hiểu đúng bản thể sự việc là rất quan trọng. Học chữ Hán, vì thế rất mong các bạn trẻ và cộng đồng đừng nhầm lẫn cho là học tiếng phổ thông Trung Quốc.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đừng hiểu học chữ Hán là học tiếng Trung Quốc!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO