Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022 vừa bế mạc sau 4 ngày tổ chức (từ 19 - 22.5). Kỳ vọng về một “con đường làng nghề miền Trung - Tây Nguyên” lại được mở ra...
Hội tụ bản sắc
Một cảm xúc rất khác cho những người trong cuộc và cả cộng đồng, du khách khi đặt chân vào không gian Festival Nghề truyền thống vùng miền, tổ chức tại Vườn tượng An Hội (TP.Hội An).
Sự kiện lần này mở ra những kỳ vọng, chờ đợi ngay từ khi chưa bắt đầu. Ban tổ chức đã cân nhắc rất nhiều về thời điểm tổ chức, sẵn sàng lùi thời gian để mọi thứ chỉn chu nhất có thể.
Đã rất lâu rồi, những người yêu nghề truyền thống mới có dịp để hội ngộ, tri ân bách nghệ tổ nghề và chia sẻ những ngọt bùi, cay đắng trong hành trình cần mẫn níu giữ bản sắc.
Gần 100 gian nhà gỗ, nhà tre của sự kiện như dẫn dắt mọi người trở về với ngày cũ. Chạm từng góc nhỏ của festival, đâu đâu cũng có thể cảm nhận được hương làng, vị quê với nhiều dược liệu, vật dụng, gia vị từng len lỏi trong ký ức thời thơ ấu của mọi người.
Ở đó, họ cũng thấy đâu đó hình bóng ông bà mình miệt mài đưa thoi trên khung dệt, hay tỉ mẫn chuốt từng sợi gốm. Những hình ảnh dần dà phai dấu trong cuộc sống thường nhật bởi các tiện nghi của bối cảnh xã hội hiện nay.
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam chia sẻ, qua thành công của sự kiện lần này Quảng Nam có thể nghiên cứu định kỳ 2 năm một lần tổ chức festival làng nghề hoặc hội chợ làng nghề.
Những chương trình như thế này rất hữu ích trong việc kết nối, tạo động lực cho các làng nghề. Ở đó, chúng tôi nhận thấy vỉa tầng văn hóa, “ngọn lửa” yêu nghề từ các làng nghề vẫn lắng đọng với nhiều tâm huyết, trăn trở và rất cần nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ để làng nghề tồn tại, hưng thịnh trở lại.
Cơ hội cho người làm nghề
Khá nhiều gian hàng có chủ nhân là những nghệ nhân. Nghệ nhân Lê Đức Hạ với sản phẩm đất nung để lại nhiều dấu ấn tại các hội chợ triển lãm trên toàn quốc cho biết, ông không ngại ngần cải tiến mẫu mã sản phẩm từng ngày.
Sản phẩm “Đất nung của Hạ” có mặt gần như hầu hết cuộc trưng bày. Cũng như vậy, các gian hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của nghệ nhân Quảng Nam để lại rất nhiều ấn tượng tại festival.
Trong khuôn khổ những ngày hội của người làm nghề, lần đầu tiên, người dân và du khách đến Hội An dễ dàng tìm mua những sản phẩm truyền thống “hàng thật” từ Đắk Lắk, Gia Lai, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế đến cả... Đồng Tháp.
Gây ấn tượng với các sản phẩm ứng dụng từ sợi chiếu cói Nga Sơn, gian hàng sản phẩm tiêu biểu xứ Thanh lúc nào cũng nhộn nhịp.
Ông Lê Bá Đạt - Phó Trưởng phòng Kế hoạch - tổng hợp Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết, khi đến với TP.Hội An, lãnh đạo tỉnh và các nghệ nhân mong muốn kết nối, quảng bá thương hiệu cho làng nghề truyền thống của Thanh Hóa và giao lưu và học hỏi kinh nghiệm với các địa phương.
Điều này cũng chính là mục đích chính quyền Quảng Nam đặt ra khi tổ chức sự kiện khá quy mô này. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất là sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động của Năm du lịch quốc gia, thể hiện nỗ lực vượt qua khó khăn, phục hồi phát triển kinh tế Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung.
“Chúng tôi muốn qua đây tạo cơ hội cho các làng nghề, các nghệ nhân, thợ giỏi, các chủ thể sản phẩm nghề được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối cung cầu cũng như tôn vinh sự đóng góp, cống hiến của các nghệ nhân, thợ giỏi.
Họ là những người luôn giữ lửa và phát triển nghề truyền thống của các địa phương. Đây cũng là cơ hội tốt để cho khách hàng, đối tác và các doanh nghiệp tìm hiểu sâu sắc hơn về sản phẩm OCOP của mỗi địa phương” - ông Hồ Quang Bửu nói.
Cùng với kỳ vọng sẽ dựng lại được hình hài của một con đường làng nghề miền Trung - Tây Nguyên, festival mở ra cơ hội lớn cho các đơn vị, doanh nghiệp làng nghề truyền thống tăng cường hoạt động liên kết hợp tác, nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững làng nghề gắn với việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống.
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho hay, có thể nói Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất đã mang lại được một không gian hội tụ hiếm có cho những làng nghề, sản phẩm bản địa và những người thợ, nghệ nhân yêu nghề. Ở đó, mọi người nhận thấy sản phẩm của mình, của mọi làng nghề vẫn còn có chỗ đứng, từ đó có thêm động lực để cống hiến, gìn giữ nghề của mình, của làng mình...
Hướng đi nào cho làng nghề truyền thống
Từ sự kiện festival làng nghề, vấn đề bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống càng trở nên nóng bỏng, mặc dù đây không phải là câu chuyện mới mẻ mà đã được đặt ra từ nhiều năm trước.
Theo ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương, thời gian qua bên cạnh định hướng phát triển, tìm kiếm thị trường… rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ làng nghề đã được Quảng Nam ban hành, triển khai. Do vậy vấn đề cốt yếu chính là nội tại các chủ thể, bản thân mỗi cơ sở làng nghề phải tự nỗ lực, vận động.
Đặc biệt, phải nâng tầm sản phẩm làng nghề phát triển theo hướng hàng hóa. Để làm được điều này việc kết hợp giữa truyền thống (kỹ thuật) và hiện đại (máy móc, mẫu mã…) không thể tách rời, chỉ khi làng nghề sống được mới có thể nói đến bảo tồn, phát triển.
Không phủ nhận, bảo tồn làng nghề truyền thống dù quan trọng và cần thiết, nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận, làng nghề phải thích ứng với sự thay đổi của xã hội, sản phẩm làng nghề phải đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
Đã đến lúc cần phân định rõ giữa bảo tồn và phát triển, không gian nào dành cho bảo tồn (trình diễn, phục vụ du lịch, nghiên cứu… ), không gian nào dành cho phát triển (sản xuất hàng hóa, cạnh tranh thị trường…).
Một số nghề ở Quảng Nam như Làng lụa Hội An, gỗ Âu Lạc… đã thực hiện khá tốt điều này. Trong đó, Khu du lịch Làng lụa Hội An (Silk Village) là hình mẫu thành công khi đưa giá trị làng nghề vào du lịch.
Thông qua trình diễn, du khách có thể hiểu được quy trình trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, từ đó kích thích sự ngưỡng mộ, thích thú và hiểu biết hơn về một sản phẩm lụa tơ tằm địa phương trước khi bỏ tiền ra mua sản phẩm mang về (mặc dù những sản phẩm này chưa hẳn được sản xuất bằng phương pháp thủ công truyền thống như đã trình diễn).
Thực tế cho thấy, để làng nghề sống được đầu tiên người làm nghề phải sống được với nghề hay dễ hiểu hơn sản phẩm làm ra phải có thị trường tiêu thụ. Đây là điều tiên quyết để thu hút lao động, thế hệ kế cận tham gia duy trì, phát triển làng nghề.
Một số ý kiến cho rằng, bảo tồn không có nghĩa bắt làng nghề phải sản xuất theo phương pháp và thói quen truyền thống hàng chục, hàng trăm năm về trước, nhất là trong tình hình cạnh tranh về mẫu mã và sự đa dạng sản phẩm hiện nay.
Thay vì bỏ một ngày để dệt một chiếc chiếu theo phương pháp truyền thống, người thợ chỉ cần một giờ đồng hồ có thể dệt được chiếc chiếu tương tự, thậm chí đẹp hơn, bền hơn nhưng chi phí rẻ hơn và giá bán cũng không thấp hơn nhiều, nếu biết áp dụng máy móc, thiết bị hiện đại. (VĨNH LỘC)