Vùng đông xứ Quảng, một vùng đất cát mênh mông, nơi mà đất và người từng hứng chịu biết bao bom đạn trong thời chiến, trải bao gian khổ, người dân nơi đây vẫn đoàn kết một lòng xây dựng quê hương. Và hôm nay, nhìn lại những chặng đường đã qua, mỗi câu chuyện như những thước phim, được dựng lên từ cát.
Từ vùng đất cát khô khốc, Điện Ngọc hôm nay đã mang dáng dấp đô thị. Ảnh: LÊ QUỐC |
VIẾT TRANG SỬ THỜI BÌNH
1. Những con đường nắng rát bỏng chân. Mùa này, dẫu chưa gọi là hè, đã thấy người đổ xô về phía biển. Vùng biển của vệt đô thị mà người Điện Bàn đang ao ước, bắt đầu ra dáng ra hình, dù người dân đã phải chờ đợi khá lâu. Ông Nguyễn Cọi - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Điện Dương từ sau giải phóng đến những năm 1990, đã bộc bạch rằng vùng đất này trải qua bước đi rất dài, mà mỗi năm lại đổi thay chóng vánh hơn. Người đàn ông hơn ba phần tư cuộc đời đi qua chiến chinh, bom đạn, bây giờ giọng nói đã ngắt quãng ít nhiều, tai đã nặng, mắt đã trầm đục. Ông bảo, người dân Điện Dương bây giờ “ổn” rồi, đường sá khang trang, màu xanh đã phủ cả dọc dài vùng ven biển, cuộc sống ở vùng cát bây giờ dễ thở hơn xưa… Và phải nói rằng, từ vài năm nay, dư luận nhiều giới, từ những nhà đầu tư “nghìn tỷ” đến người làm bất động sản “con con”, coi Điện Dương hiện tại như một “trái tim” của chuỗi đô thị du lịch ven biển Hội An - Đà Nẵng. Họ đánh giá về vùng ven biển Điện Bàn như một trong những vùng đất của khu vực miền Trung hiếm hoi còn sót lại quỹ đất tốt và dải cát dài bằng phẳng sát biển, có sông và đường sá nối liền với Đà Nẵng, Hội An...
Chính vì tiềm năng lớn, nên dự án nhiều, những cơn sốt cũng bắt đầu “trương nở” đến mọi thành phần dân cư. Âu có lẽ là điều thường tình, bởi nếu không bắt kịp nhịp điệu này, sẽ bị đẩy xa và lạc lõng trong chính cuộc sống của mình. Ông Văn Đức Chúng, người dân thôn Hà My Tây nói, Điện Dương nằm giữa TP.Đà Nẵng và Hội An, trước đây điều kiện sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những năm gần đây với sự quan tâm đầu tư của chính quyền, bộ mặt của Điện Dương, từ xã và bây giờ là phường, từng bước chuyển mình theo hướng đô thị, mức sống người dân được nâng lên so với trước, kết cấu hạ tầng từng bước đáp ứng với dáng dấp một đô thị trong tương lai. Ông bảo rằng hẳn là trời bù cho đất khó, bao nhiêu khổ cực trong quá khứ, giờ đời con cái mình nói toàn chuyện tiền trăm tiền tỷ, mừng chớ!
Ông Cọi nói, vùng đất này lạ lùng lắm, cái gì về đây cũng đẩy lên thành chín thành mười, từ thuở lửa đạn binh đao cho tới bây giờ là mấy chuyện đời sống mưu sinh. Chừ thì phải nói chuyện hôm nay, chuyện người nghèo đã giảm rất rõ, chuyện thanh niên không phải lênh đênh vật vã với bão biển, chuyện kiếm một chén cháo khuya không phải chạy lên tuốt Vĩnh Điện hay ra Hội An như mấy hồi nữa. Hơn 40 năm rồi, những câu chuyện đầu ngọn súng có vẻ đã phai. Thì nên mừng, hẳn vậy! Bởi tâm trí người làng biển bây giờ, là đất cát quê mình giờ có giá lắm, là chuyện đi con đường nào để tương lai cháu con không phải đi làm thuê cách nhà cả trăm cây số… Đất đã anh hùng để làm nền cho cuộc đời tự do, thì bây giờ, đất anh hùng sẽ viết tiếp chuyện sử mới. Sử của thời bình với cung bổng trầm từ những “đường bay” của cát…
Nông dân Điện Dương đã tìm được cây măng tây làm mũi nhọn phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị. Ảnh: LÊ QUỐC |
2. Rẽ lên cánh đông một chút, cũng những vùng cát nhưng trang sử mới đã bắt đầu viết từ gần 10 năm trước. Sau 43 năm giải phóng, Điện Ngọc đã mang trên mình một diện mạo khác chứ không chỉ đơn thuần là được nâng cấp tên gọi từ “xã” sang “phường”. Từ một dải đất chỉ toàn cát và cát, là nơi chiến địa ác liệt bậc nhất trong thời chiến tranh với chiến tích “7 dũng sĩ Điện Ngọc”, nay Điện Ngọc đã mang dáng dấp của vùng đô thị sôi động bậc nhất của thị xã Điện Bàn. Ông Trần Duy Nghĩa - Bí thư Đảng ủy phường Điện Ngọc hồ hởi chia sẻ: “Tổng giá trị toàn nền kinh tế trên địa bàn phường trong năm 2017 đạt tới gần 2 nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đến mức 47 triệu đồng”. Ông Nghĩa cho biết thêm, phát huy truyền thống của thế hệ cha anh đi trước, Đảng bộ phường Điện Ngọc liên tục trong nhiều năm qua được thị xã công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh, làm tiền đề vững chắc để đưa địa phương đi lên.
Với những vùng đô thị mới “chuyển mình”, điều lo ngại nhất là bộ mặt của địa phương được khang trang nhưng đời sống của đại bộ phận người dân vẫn còn chật vật. Điều này không xảy ra ở Điện Ngọc. Về Điện Ngọc bây giờ ô tô con, xe máy xịn đi khắp ngõ ngách, toàn phường chỉ còn 42 hộ nghèo (chiếm 0,9%) theo chuẩn tiếp cận đa chiều và 108 hộ cận nghèo (chiếm 2,34%). Hỏi chuyện ông Võ Văn Là (ở khối Tứ Câu), cựu chiến binh sắp tròn 50 năm tuổi Đảng, ông bảo con người ở đây luôn có khát khao lớn và sự nhạy bén để vươn lên. Họ không trồng trọt, chăn nuôi thì kinh doanh, không kinh doanh thì cũng bươn chải đủ thứ nghề để quyết làm giàu. Ông Là cũng đã vượt qua nhiều chông gai, gian khó để nuôi dưỡng 4 người con trai học hành thành tài. Thì có lạ lùng đâu, khi ước mơ của mỗi người là chuyện thành danh, thành nhân của con cái mình. Đất trở mình, cũng là để những đứa con vùng cát lớn lên, làm ông chủ của chính đời mình.
Vùng cát Điện Bàn ngày nào giờ đã vươn mình thành đô thị. Vệt đô thị ven biển, có công nghiệp và du lịch, người ra vào nhà máy có, người học cách cười cách đứng càng nhiều hơn. Nhưng, hẳn cũng chẳng lạ gì, khi vẫn còn đó bóng dáng những người nông dân chân chất, cần cù miệt mài lao động. Họ làm, để giữ vững và phát triển ngành nông nghiệp ở địa phương, đóng góp lớn vào việc xây dựng nền nông nghiệp đô thị. Những phường được tách ra từ xã Điện Nam cũ, hiện là vựa hoa, mai cảnh, quật cảnh… lớn bậc nhất trên địa bàn tỉnh, trong khi Điện Ngọc đang hình thành vùng chuyên canh rau sạch, rau hữu cơ, còn người dân Điện Dương đã tìm được cây măng tây để làm mũi nhọn phát triển kinh tế nông nghiệp. Bởi cuộc đất cát mênh mang đó, vẫn nặng nợ với thiên nhiên, vẫn thấm đẫm nhân tình của những con người gốc gác nông dân… (Ghi chép của LÊ QUÂN - QUỐC TUẤN)
CHẠM VÀO GIẤC MƠ
Miền cát nóng. Đâu đó vẫn còn những gian lao, nhưng cùng với hơi thở thị thành đang lan dần phía vùng đông, Tam Thăng (Tam Kỳ) bừng tỉnh với cuộc đổi đời. Mảnh đất dày truyền thống cách mạng, nay thực sự chạm tới giấc mơ của một thời: vùng công nghiệp.
Khu công nghiệp Tam Thăng đánh thức cơ hội cho vùng quê cách mạng. Ảnh: THÀNH CÔNG |
Từ trong gian khó
Ngã tư đường vào Khu công nghiệp Tam Thăng, giờ vào ca, dòng người đổ về ken đặc. Hàng quán hai bên đường, tiếng lao xao vốn một thời chỉ ở bên kia cầu Nguyễn Văn Trỗi, nay đã tràn về vùng Tam Thăng, nơi không lâu trước đó vẫn là “vùng ven” của phố thị Tam Kỳ. “Chiếc áo” thị thành được nới rộng từ quy hoạch chiến lược cho vùng đông, từ những toan tính lâu dài về phía bên kia sông Bàn Thạch nay khoác lên cho miền quê cát một dáng hình rất khác. Là phố, dù nhà cửa, đường sá vẫn còn phảng phất nét quê, nhưng nhịp sống thì rõ ràng mang hơi thở của thành thị. Từ khi đường sá thông thoáng, tuyến ven biển nối về Tam Kỳ, vùng đất cát Tam Thăng trở nên ồn ã. Dịch vụ phát triển chóng mặt, khi dự án đầu tư liên tiếp đổ về, công nhân trong và ngoài tỉnh bắt đầu kéo đến. Quán cà phê mở cửa từ rất sớm, đông đặc người. Tiệm ăn, cửa hàng mọc san sát. Có cả một khu chợ di động nằm ngay ngã tư, phục vụ nhu cầu cư dân địa phương và hàng nghìn lao động của khu công nghiệp…
Vẫn còn đó biết bao thách thức. Nhưng hơi thở thị thành cùng nhịp điệu của một vùng công nghiệp đang bừng tỉnh đã hiện thực hóa giấc mơ một thời của Tam Thăng, vùng quê cách mạng. Cát, có lẽ đã bớt nóng dưới chân người… |
Thật khó hình dung, nơi này đã từng một thời chật vật với bao toan lo của một vùng nông nghiệp. Ông Lê Tú (91 tuổi, thôn Vĩnh Bình) - cán bộ lão thành cách mạng ở địa phương kể với tôi, rằng ngày trước, biết bao con dân của Tam Thăng từng đổ mồ hôi xuống đại công trình thủy nông Phú Ninh, nhưng rồi địa thế của vùng đất khiến Tam Thăng hàng chục năm không được hưởng một giọt nước tưới tiêu nào cho đồng ruộng. Trên đất cát nóng bỏng, bạc màu, cây lúa, cây màu héo hắt bám trụ. “Cây dương trên đất cát, ba mươi năm tuổi mà còi cọc, chỉ to bằng cái bắp tay. Dân đi gánh từng xô nước tưới cho rau, cho cây. Mười mấy năm sau giải phóng, chắc phải chín mươi chín phần trăm dân ở Tam Thăng là sống nhờ nông nghiệp. Mà đâu có được như nơi khác, đất bạc màu, người làm nông ở đây khổ gấp mấy lần nơi khác” - ông Tú nhớ lại. Khói lửa chiến tranh đã đi qua, nhưng đạn bom thì còn nằm đó. Dân Tam Thăng đi khai hoang, vỡ ruộng, nhặt không biết bao nhiêu bom mìn chiến tranh còn sót lại. Loay hoay mãi với nông nghiệp, với cơ cực, nên đến khi Tam Kỳ trở thành đô thị, thì Tam Thăng vẫn như lạc loài với dáng vóc của phố. Giọt nước tưới vừa rơi xuống, ngoảnh nhìn lại đã thấy khô rốc màu cát trắng, sau dấu chân người…
Hình hài đô thị
Gian khó, như ngọn lửa hun đúc nên ý chí, khao khát của đất và người Tam Thăng. Từ cái nôi cách mạng, bao thế hệ người Tam Thăng vịn lấy truyền thống hào hùng của quê hương mình mà bước qua khắc nghiệt của thổ nhưỡng, nắm lấy thời cuộc. Năm 1997, trở thành dấu mốc chuyển mình của Tam Thăng, hòa chung những thay đổi của quê hương ngày tái lập. Nhưng những bước đi còn chậm. Tam Thăng khi đó, chưa có một điểm tựa, để đổi khác, để bứt phá. Ông Châu Ngọc Cảnh - Bí thư Đảng ủy xã Tam Thăng nói, đến năm 2010 cơ sở hạ tầng của xã mới được đầu tư mạnh, nhất là việc chủ động nước tưới nhờ hệ thống 6 trạm bơm và công trình thủy lợi, năng suất thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp tăng gấp 10 lần so với năm 2000. Đáng mừng, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đã vượt hơn gấp 3 lần, từ 9 triệu đồng khi tái lập tỉnh lên 27,7 triệu đồng, và mục tiêu đến năm 2020 đạt mốc 40 triệu đồng. “Cha ông ở đất này, dù gian khó mấy, vẫn một lòng theo cách mạng. Bây giờ, chính sự kiên gan, cần mẫn từ trong máu ấy được chắt chiu để Tam Thăng nắm lấy cơ hội, đồng hành với sự phát triển của thành phố. Chẳng ai có thể ngờ, Tam Thăng từ một vùng đất cát, trở thành một khu công nghiệp đầy tiềm năng, thu hút mạnh mẽ đầu tư từ trong và ngoài nước. Mà làm nên điều đó, phải kể tới sự đồng thuận của nhân dân. Chỉ tính riêng năm 2015, khi có chủ trương giải tỏa dành đất cho khu công nghiệp, chúng tôi vận động giải phóng được ngay 110ha mặt bằng sạch, không có những lùm xùm như ở nhiều nơi khác” - ông Cảnh chia sẻ.
Đổi thay đến từng ngày, ngay trong từng bữa cơm, trong sinh hoạt của từng gia đình. Có thể nhìn thấy rõ nhất trong tỷ trọng sản xuất kinh tế của địa phương, khi nông nghiệp nay chỉ còn 20%, phần còn lại dành cho công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Thành phố cũng đang tập trung đào tạo nghề, phát triển lao động trẻ, khôi phục làng nghề chiếu cói Thạch Tân, di tích địa đạo Kỳ Anh… trở thành một loại hình sản phẩm dịch vụ du lịch trong vòng tròn khép kín từ biển Tam Thanh, quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, danh thắng hồ Phú Ninh… Và ở khu công nghiệp Tam Thăng, hiện đã có 11 trong tổng số 17 doanh nghiệp đăng ký đầu tư đã đi vào hoạt động…
Vẫn còn đó biết bao thách thức. Nhưng, hơi thở thị thành cùng nhịp điệu của một vùng công nghiệp đang bừng tỉnh đã hiện thực hóa giấc mơ một thời của Tam Thăng, vùng quê cách mạng. Cát, có lẽ đã bớt nóng dưới chân người… (THÀNH CÔNG)
CHIỀU Ở XÃ BIỂN BÌNH MINH
Không là thị trấn, hay đô thị theo danh xưng của đơn vị hành chính, nhưng nhịp sống ở các làng chài của xã biển Bình Minh (huyện Thăng Bình) đông vui hơn.
Chiều trên bãi biển Bình Minh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Niềm vui làng biển
Nắng chiều ngả bóng lóng lánh mặt biển Bình Minh. Trước vài ba quán xá sát biển, khách ta lẫn tây bắt đầu kéo đến ăn uống, hay ra ngoài mép biển chụp ảnh.
Chiều, bắt đầu cho chuyến đánh bắt hải sản, nhưng nhịp sống của làng chài trôi chầm chậm. Ngư dân chẳng vội vã như từng thấy ở các làng biển bãi ngang ở Tam Thanh, Tam Tiến hay Duy Hải… Ngoài xa chỉ thấp thoáng vài chiếc tàu, ghe thuyền công suất nhỏ chuẩn bị nhổ neo cho đêm biển khai thác cá trích, ghẹ, mực… gần bờ. Bà chủ quán vui vẻ bảo, tất cả lều quán tạm bợ ở bãi biển này đã được Nhà nước giao cho dự án Làng biển nhiệt đới. Họ chưa giải tỏa mặt bằng, thi công xây dựng, nên người dân tranh thủ kinh doanh được ngày nào hay ngày đó. Từ sau Tết Nguyên đán, khách kéo đến làng biển đông vui hơn, có cả người nước ngoài. Con cá, con tôm đánh bắt được, ngoài cung cấp cho các cơ sở kinh doanh ăn uống, chợ Bình Minh, ngư dân chạy tàu thuyền thẳng đến Cửa Đại, bến An Lương (Duy Hải, Duy Xuyên), Đà Nẵng bán, rồi neo đậu luôn ở đó. Điều này giải thích vì sao xã có 106 con tàu đánh bắt xa bờ công suất 90CV trở lên (trong đó có 58 tàu có từ 250CV trở lên) nhưng bãi neo đậu chỉ vài phương tiện lớn.
Còn nhớ lúc trưa, mấy anh chị ở xã đãi chúng tôi món mực cơm - đặc sản hảo hạng tại biển Bình Minh. Mực cơm xứ này giòn, tươi rói, có vị thơm và mặn mà hơn vùng biển khác, vì thế mà quán xá, nhà hàng ở các địa phương khác thi thoảng lợi dụng danh tiếng để “quảng cáo” là bán mực Bình Minh. Giữa cuối tháng Giêng, có nhiều ngư dân sau mỗi đêm khai thác thu về cả trăm triệu đồng. Ông Trần Công Minh - Chủ tịch UBND xã Bình Minh khoe rằng, năm 2017 thu nhập mỗi ngư dân địa phương dao động 100 - 150 triệu đồng. Nhờ giá mực khơi tăng mạnh nên có hàng chục tàu kết thúc mùa biển thu lãi vài tỷ đồng. Tổng giá trị đánh bắt hải sản của Bình Minh đạt 220 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với năm 2016. Ông Minh phân tích, chính kết hợp khai thác với phát triển mạnh hậu cần nghề biển, hình thành nhiều cơ sở gia công, chế biến nên sản phẩm hải sản làm ra giá trị cao hơn rất nhiều. Cụ thể, địa phương có 3 cơ sở gia công cá phi lê ổn định; 8 cơ sở thu mua, chế biến hải sản quy mô lớn; 42 cơ sở chế biến cá nục và chế biến nước mắm…, thu hút gần 300 lao động nữ.
Chạy một vòng quanh làng biển, không còn thấy cảnh buôn bán mặt hàng hải sản lấn ra lòng đường như cách đây không xa. Chợ Bình Minh đìu hiu một thời, giờ tấp nập người mua bán, đến nỗi chính quyền địa phương đề xuất cấp trên dành nguồn vốn ngân sách để mở rộng chợ. Bởi chợ không những phục vụ nhu cầu buôn bán của tiểu thương địa phương mà còn thu hút người dân các xã lân cận như Bình Nam, Bình Đào, Bình Dương, Bình Hải đến trao đổi mua bán.
Nhiều “kích hoạt”
Đêm xuống, trung tâm của xã biển Bình Minh nhộn nhịp như một thị trấn hơn là vùng quê bãi ngang. Bởi nơi đây chẳng thiếu thứ gì. Dịch vụ internet, bưu chính viễn thông, quán xá, các cửa hàng kinh doanh... đông khách ăn uống, sử dụng dịch vụ về đêm. Đặc biệt, dự án khu vui chơi giải trí, biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng Vinpearl của Tập đoàn VinGroup đầu tư tại địa bàn, dự kiến 30.4 này đưa vào khai thác, đã kích hoạt tốc độ xây dựng nhà cửa, làm cho đất ven biển “sốt giá” hơn bao giờ hết. Ngoài hơn 70ha cho dự án Vinpearl, vị trí các bãi biển đẹp gần 10ha từ đây sẽ giao cho nhà đầu tư kinh doanh phát triển dịch vụ du lịch theo quy hoạch, định hướng rõ nét, sẽ xóa bỏ kiểu đầu tư manh mún, nhỏ lẻ. Một đô thị hướng biển năng động, phát triển sẽ nằm trong tầm tay như phác họa trong đồ án quy hoạch vùng của tỉnh.
Gần đây, khi các nhà đầu tư tăng tốc đầu tư, người lao động khắp nơi đổ về. Vì vậy mà, nơi đây rầm rộ dịch vụ ăn theo. Chính quyền xã Bình Minh cho biết, ngoại trừ số ít lao động làm công nhật cho dự án Vinpearl, thanh niên địa phương hầu như không đi làm thợ hồ vì tiền công trả quá thấp so với buôn bán kinh doanh, hay đi biển và hoạt động dịch vụ hậu cần nghề biển. Còn so với thu nhập của lao động xuất khẩu nghề cá thì một trời một vực. Chủ tịch UBND xã Trần Công Minh cho hay, năm 2017 toàn xã có 57 thanh niên đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản, chủ yếu làm nghề biển; nâng tổng số lao động xuất khẩu của xã lên 254 người. Và nguồn tiền lao động xuất khẩu gửi về trong thời gian này ước hơn 40 tỷ đồng. Nhiều thanh niên ở thôn Tân An từng qua Hàn Quốc đi biển cho hay, lao động của mình rất được chủ tàu Hàn Quốc, Nhật Bản ưa thích vì chăm chỉ và có nhiều sáng tạo trong đánh bắt bằng việc cải tiến ngư cụ. Có 3 người con trai lao động nghề biển tại Hàn Quốc, bà Nguyễn Thị Quý thổ lộ: “Ngôi nhà vợ chồng tôi xây dựng với kinh phí hơn 600 triệu đồng là từ tiền của mấy đứa con gửi về. Năm trước chúng gửi về 1 tỷ đồng, chồng tôi dùng mua ô tô làm dịch vụ chở khách ra vào Đà Nẵng, Hội An, có nguồn thu nhập ổn định. Cuộc sống gia đình tôi khấm khá lên cũng nhờ mấy đứa con đi xuất khẩu lao động nghề biển”.
Chợt nhớ, năm 2006 thảm họa mang tên Chanchu khiến 87 ngư dân xã Bình Minh nằm vĩnh viễn giữa đại dương, kéo theo “cơn bão lòng” dai dẳng trên đất liền. Tròn 12 năm, Bình Minh đã biết vượt qua nỗi đau để hồi sinh mãnh liệt. Mười năm trước xã Bình Minh có đến hơn 20% số hộ nghèo, nay đã giảm xuống còn 6,5%. Gia đình nào có lao động đi biển đều thoát nghèo bền vững. Hóa ra, biển cũng không phụ lòng những người sinh nghề tử nghiệp với biển! (Ghi chép của HỮU PHÚC)