Đừng lụy "đệ tử lưu linh"

SÁU CÒI 20/06/2019 11:19

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Đáng chú ý có quy định cấm “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến người điều khiển phương tiện giao thông đã sử dụng rượu, bia là thực trạng trong nhiều năm qua.

Uống rượu, bia vượt quá giới hạn cho phép sẽ vô cùng nguy hiểm khi cầm tay lái. Không ít người dân vô tội phải vĩnh viễn ra đi do tránh “ma men” chạy xe loạng choạng, mà bị va phải phương tiện khác. Theo các nhà nghiên cứu, người uống rượu, bia vượt quá giới hạn cho phép sẽ giảm tốc độ phản ứng từ 10 - 30% khi có tình huống xảy ra trên đường.

Chuyên gia y tế cho biết, sử dụng nồng độ cồn ở mức 0,1 miligam/lít khí thở, người điều khiển sẽ gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về. Nồng độ cồn trong máu 50 miligam/100 mililít, người lái xe không còn khả năng điều khiển chính xác một số động tác. Nồng độ cồn trong máu dao động 50 - 79 miligam/100 mililít máu, nguy cơ xảy ra TNGT cao hơn người không uống rượu, bia tới 7 - 21 lần. Chưa hết, đối tượng vi phạm nồng độ cồn mà bị TNGT chắc chắn gây khó khăn cho khâu cấp cứu. Với những nguy cơ đó, pháp luật về trật tự an toàn giao thông đã ban hành chế tài. Chẳng hạn, người đang làm việc trên phương tiện thủy nội địa mà có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/lít khí thở bị phạt tiền 200 - 300 nghìn đồng; phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng khi bố trí thuyền viên, người lái phương tiện làm việc trong tình trạng có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Với giao thông đường bộ, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự như ô tô mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở bị phạt tiền 2 - 3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng; vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở bị phạt tiền 16 - 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng. Điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở bị phạt tiền 1 - 2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng; vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở bị phạt tiền 3 - 4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 - 5 tháng…

Người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia gây tai nạn, làm phương hại đến nhiều vấn đề của xã hội. Trước nguy cơ trên, Quốc hội chính thức thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tại điều 5 quy định: cấm “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, điều đó có nghĩa áp dụng đối với tất cả những người điều khiển phương tiện giao thông nói chung, chứ không riêng gì lái xe ô tô, mô tô... Trong khi chờ luật có hiệu lực (thi hành từ 1.1.2020), người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về an toàn giao thông đang hiện hành.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đừng lụy "đệ tử lưu linh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO