Đến nay, 10 hộ dân mất nhà vì núi lở ở xã Trà Bui đã tìm được địa điểm dựng nhà, 200 hộ dân khác ở vùng có nguy cơ sạt lở trên địa bàn cũng được hỗ trợ kinh phí di dời về sống xen ghép tại các thôn bản.
Phải đến gần một năm sau biến cố sạt lở núi vùi lấp 10 ngôi nhà ở xã Trà Bui, những hộ dân này mới tìm được địa hình thích hợp để dựng nhà. “Nguyên do chậm trễ là vì các hộ dân không tìm được địa điểm thích hợp” - ông Hồ Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Trà Bui chia sẻ. Khỏi phải nói người dân phấn khởi như thế nào khi bắt tay vào dựng ngôi nhà của mình. “Phải sống trong ngôi nhà tạm, chật chội, nhất là mùa này, nóng lắm. Giờ tìm được chỗ ưng ý để dựng nhà rồi, mừng lắm. Nhưng mừng nhất vẫn là được bà con ở làng mới cùng chung tay dọn dẹp, dựng nhà với mình” - anh Hồ Văn Cường hồ hởi nói. Đó cũng là tâm lý chung của 10 hộ dân được bố trí tại thôn 4 và thôn 5 của xã Trà Bui về nơi ở mới. Những người dân quanh đó cũng vui lây với họ, giúp đỡ ngày công lao động. “Chúng tôi cũng vận động bà con nên đùm bọc nhau trong cơn hoạn nạn, giúp gì được thì giúp bởi họ trở thành những người ở chung làng” - ông Hồ Văn Biên - Trưởng Công an xã Trà Bui cho biết.
Với nguồn hỗ trợ từ việc tổ chức xen ghép, bố trí tái định cư của tỉnh cũng như của huyện, các hộ dân dựng nhà mới đã được hỗ trợ 40 - 80 triệu đồng để làm nhà mới. “Với chủ trương đảm bảo người dân phải có nhà mới đúng nghĩa, huyện cũng đã chỉ đạo xã Trà Bui giải ngân theo từng đợt, theo tiến độ làm nhà của người dân. Có như vậy mới đảm bảo người dân sử dụng tiền đúng mục đích” - ông Trần Anh Tuấn- Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho hay. Theo ông Hồ Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Trà Bui, dự kiến trong tháng 7 này sẽ hoàn thành 10 ngôi nhà để người dân sinh sống.
Trên địa bàn xã Trà Bui còn có hơn 200 hộ dân ở các nơi khác vẫn chưa thể có được nhà ở đàng hoàng nhưng không được hỗ trợ vì không bị mất nhà mà chỉ ở trong diện sạt lở, nguy hiểm buộc phải di dời. “Nhưng cùng một lúc di chuyển với số hộ dân như thế, về kinh phí lẫn địa điểm làm nhà khó quá, không thể đáp ứng được. Vì vậy, trước mắt chúng tôi bố trí những hộ dân này ở xen ghép trong các khu dân cư tại thôn 3 hoặc các khu dân cư gần đó. Chi phí cho việc xen ghép cũng đã được hỗ trợ họ để dựng nhà ở ổn định” - ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện bắc Trà My cho biết. Già Hồ Văn Dinh cùng con cháu vận chuyển hết đồ đạc ở nóc Ông Dinh qua ở xen ghép với bà con tại thôn 3. “Nhớ nhà cũ lắm, nhưng thôi, không dám về nữa. Trời nắng không sao, nhưng trời mưa thì không biết núi đổ ập xuống lúc nào. Giờ được bà con bên này chia sẻ cho ít đất dựng nhà cũng coi như làm lại một cuộc sống ở nơi mới” - già Dinh thở dài.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm để bố trí tái định cư mà việc vận chuyển vật liệu xây dựng vào để phục vụ bà con dựng nhà cũng là cả một vấn đề mà huyện Bắc Trà My đang tìm cách tháo gỡ. Theo ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, con đường độc đạo từ huyện đến trung tâm xã đã bị hư hỏng nhiều chỗ, có đoạn bị sạt lở gần nửa con đường nên xe tải chở vật liệu không dám đi vào. “Dù đã tu sửa nhiều chỗ nhưng vẫn còn rất yếu nên chỉ xe tải nhỏ mới dám vào. Còn nếu vận chuyển bằng đường thủy qua lòng hồ thủy điện sông Tranh 2 thì chi phí sẽ cao hơn gấp bội. Đó cũng là khó khăn lớn nhất mà huyện đang tìm cách tháo gỡ” - ông Nhuần nói.
TUỆ LÂM