Có nhiều dịp được tham gia tư vấn, xét chọn, phản biện, nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh ở lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, thú thực tôi có lúc phải suy tư nhiều về cách tiếp cận giá trị văn hóa vùng đất qua huyền sử, dật sử, dã sử…
Thường thấy ở làng nào có di tích, miếu đình, lễ hội mang màu sắc tâm linh, tín ngưỡng, là huyền sử, dã sử có đất sống. Nó có thể là chuyện truyền miệng từ đời này qua đời khác về sự tích của làng, của nhân vật huyền thoại, của tổ nghề khai canh khai cơ.
Nó tạo nên màn sương mờ ảo cho óc tưởng tượng và tâm hồn con người thăng hoa với tình yêu xứ sở. Nó có thể tạo không gian thiêng để người ta không dám xâm hại di tích, đồng thời dự phần vào tín ngưỡng, tập tục...
Đơn cử như mới đây, khi đọc bản thảo một công trình nghiên cứu về làng nghề Quảng Nam, lại dấy lên ký ức những câu chuyện về tổ nghề đúc đồng Phước Kiều (Điện Phương – Điện Bàn) là ngài Dương Không Lộ từng có hai đệ tử làm nên nghề đúc đồng ở ngoài xứ Lạng.
Hay đến làng nghề Mã Châu (Duy Xuyên) thì hẳn sẽ nghe lại câu chuyện Bà Mã, người đã dạy dân trồng dâu nuôi tằm, rồi đến cô gái hái dâu, sau thành Bà chúa Tàm tang của nghề ươm tơ dệt lụa.
Tuy nhiên, dù huyền sử đẹp như thế nào thì các nhà khoa học cần biết giới hạn khi chép lại chuyện làng, nên dừng ở lằn ranh huyền sử mà thôi. Ví như ngài Dương Không Lộ vì sao sinh ra và tạ thế ở thế kỷ 11 lại “lưu lạc” để thành viễn tổ nghề đúc đồng ở Phước Kiều, dù thời ấy thuộc Chiêm Thành (?).
Hay chuyện Bà Mã (có tài liệu chép sai lệch thành Bà Mã Châu) thì lại kể rằng đó là bà Mã Chấu theo đoàn di dân triều Trần, sau đám cưới Huyền Trân công chúa, từ đất Bắc vào đây khai nghiệp trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa (?). Những chuyện đó có thể dân làng ghi theo truyền miệng của họ nhưng với người chép sử thì cần minh định điểm dừng ở lằn ranh huyền sử, nếu đi xa quá thì sẽ tạo ra nghi hoặc, khó tin.
Chẳng hạn ngay cả Bà chúa Tàm tang là Đoàn Quý Phi (tức Đoàn Thị Ngọc) dẫu đúng là nhân vật thực, gắn với nghề trồng dâu nuôi tằm cũng là thực, nhưng chuyện từ tiếng hát trong đêm trăng để gặp thế tử Nguyễn Phúc Lan thì lại mang màu huyền bí về duyên cơ trời định.
Sự thực có thể là góc nhìn khác như nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân từng cho rằng đấy là tác hợp có chủ ý của chúa Nguyễn với một dòng họ thế lực lớn trên vùng đất gần dinh trấn, tạo thêm sức mạnh kinh tế, chính trị của Đàng Trong.
Không phủ nhận huyền sử, dật sử, dã sử góp một phần hồn cốt cho vùng đất, con người. Nhưng khoa học lịch sử, chính sử sẽ cần phải minh xác bằng những căn cứ tư liệu, suy luận logic, đâu thể dựa chính trên những câu chuyện tưởng tượng khoác màu huyền bí. Còn việc dùng những chuyện ấy cho văn chương sẽ là vô hạn sáng tạo, chắp cánh cho thăng hoa cảm xúc lạ lùng.
Như thử đọc lại tác phẩm “Đứa con của phù sa” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, thấy nhiều chỗ tác giả như hóa thân vào huyền sử của sông Thu Bồn. Hoặc khi viết “Hoa trái quanh tôi” ông như nhập hồn vào chuyện xưa xa đất Châu Hóa: “Tôi là người thư sinh đất Thăng Long theo đám cưới Huyền Trân qua đây giữa một ngày dòng sông bồi hồi son phấn kinh thành. Thuở ấy, dòng sông Châu Hóa còn hoang dại, chim nhạn đậu đầy bãi, hoa tầm xuân mọc chen với cỏ lau, chính là hoa tường vi thơm ngát những khu vườn bây giờ. Tôi qua đây, yêu mến dòng sông nên ở lại, giẫy cỏ, lật đá, trồng cây từ buổi ấy...”..