Không ngờ thằng bạn cấp 3 từng ăn cơm mòn đũa nhà mình hồi đó; mà nó ở trên núi, còn mình thì gần biển, tên là Nguyễn Hữu Hưng quê Duy Sơn, giờ lại về… chấp chưởng ngôi trường mà cái thuở con cá sông nhà mình nó từng ăn, lại bắt ngay chỗ bây giờ là nền trường.
Trường THPT Hồ Nghinh sắp hoàn thiện, đưa vào sử dụng.Ảnh: TRUNG VIỆT |
1. “Chỗ ni trồng cây được không?”. “Thưa ông, nó là lòng một con hói, bùn cát bề bề, trồng trụ điện cũng mọc rễ”. Tôi trả lời bạn, vừa lơ đễnh vừa xốn xang trong lòng. Ngày đó, đây là con hói, lác, cỏ biền, bùn, dừa nước, người ta gọi là hói bà Biên, đó là con nít gọi, còn người già như ông nội tôi, thì kêu là hói bà An. Từ nhà, đi bộ 5 phút là tới. Bất kể sáng sớm, chiều chiều, thậm chí là trưa, hễ nghe tiếng hú, là xách nơm, nhủi, vó chạy xuống. Mà cái thời hay thiệt, chẳng ai giấu giếm ai làm chi, kêu đi cho đông vui, để nhà nào cũng có miếng ăn khi chẳng có xu nào mà đi chợ, rồi bắt cá thì phải náo động hà bá thủy cung, nó quáng gà bởi nước đục thì mình mới bắt được. Cá nhiều lắm. Ở đó bùn cũng rất dày, là chỗ đào hố ngâm tre, để ra giêng hai vớt lên, mùi tre, mùi bùn thum thủm, nhưng cái mùi đó không nồng nặc ói mửa như mùi cống, mà nó gợi rất… bùn, mùi của thanh sạch như thi sĩ Phùng Quán từng nói chuyện hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh bùn là cao đạo ngỗ ngược bậy bạ, bùn mà tanh hôi thì sao hoa sen thơm ngát, và ông đòi rút roi quất cho ca dao một phát vì dám khinh bùn… Chỗ đó cũng là chốn thả trâu để mải mê tuổi thơ không bao giờ trở lại.
Dân mình nhạy lắm. Năm ngoái điện nước nhà tôi hư. Tôi điện một thằng cùng xóm, giờ nhà nó ở quận Thanh Khê (Đà Nẵng) tới sửa. Đôi hồi vài chuyện, nó… lộ: “Em gom tiền, về làng mình mở cà phê trước trường nớ, học sinh cấp ba uống cà phê, đánh bài tè le”. Có vẻ nhìn xa. Mà riêng chi nó. Tôi về, dân làng tôi mở quán tùm lum, đón đầu. Nhiều người đã phất lên, nhờ đất bồi thường giải tỏa. Thông tin có trường cấp 3 ở ngay làng mình, khiến người ta nhốn nháo toan tính. Mình thì chẳng biết làm chi, vì xa rồi, chỉ nhớ. Ngày đó, sau 1975, bao thế hệ học trò vùng đông Duy Xuyên, muốn học cấp ba thì đạp xe rách cả quần, hoặc đi bộ lên trường huyện ở Duy An mà học; dân Duy Hải, Duy Nghĩa nhiều người qua trường Trần Quý Cáp Hội An học. Cực không chi bằng. Nắng thì như bể đầu. Mưa thì bùn văng như đi mò cá. Đường xa, nghèo khó, thử thách lòng người. Rơi rụng dần những học trò trường huyện. Đứa ở bên kia sông của Duy Thành, Duy Nghĩa thì thuê nhà trọ sau trường huyện, ở quán chè hẻm trước trường, vô sâu trong xóm. Đứa không thuê thì 5 giờ sáng đã xách xe ra khỏi nhà và đạp, tới cống Trị Yên trên quốc lộ 1, “cải lão hoàn sinh”, trút hết bùn đất từ người và xe xuống cống, rồi mới đi học. Nhịn đói là chuyện thường. Học trò vùng đông, trong mắt thầy tôi, một thầy giáo dạy văn, là một lũ thương khó. Những chắt chiu ngày cũ còn đó, mỗi khi nhắc lại, mắt thầy như vướng mưa. Tôi nhớ, trên tôi một lớp, có một chị thuê nhà ở Nam Phước, bữa đó người nhà đau, chị ra Đà Nẵng thăm, đi xe đò, xe bốc cháy, chị mất, đưa về quê ở Duy Nghĩa, cháy đen, thuê một chiếc xe, bọc chị trong túi vải rồi quấn một chiếc chiếu. Chiều đó, thầy trò đưa chị về, nước mắt đẫm sông…
2. Những bồi hồi xa vắng tưởng không có ngày trở lại, giờ như mây đi lạc mà nhỏ giọt tâm tư. Trường vẫn đang ngổn ngang. Ba dãy nhà lớn cao tầng thi công xong phần thô. Người ta phải làm cho kịp để năm học mới bắt đầu. Đất còn lại, là khu đa năng. Tôi vào đó, thấy đặc trưng của cách xây dựng hạ tầng nơi vùng trũng lũ, là để trống tầng trệt, bởi nơi này thấp lắm, mưa to là nước sông tràn vào, rồi bao nhiêu nước trên đồng, dồn về cuống họng này. Đất quá rộng để có thể biến nơi đây thành một khu học tập và vui chơi. Có người băn khoăn, liệu trường mới, học trò có học không, khi cái chi cũng mới, mà thói thường dân mình là không biết mới như rứa thì thầy cô dạy răng, ý họ nói rằng, phải trường cũ, thầy cô kinh nghiệm kia, mới có chất lượng. Chuyện này, ngành giáo dục lo, tôi chỉ biết rằng, tiền xây trường là 90 tỷ đồng, giai đoạn 1 là 30 tỷ đồng. Năm học này tuyển sinh khóa 1 gồm 10 lớp 10, với hơn 400 học sinh, gồm học sinh các trường THCS Quang Trung, Ngô Quyền, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Trỗi và 73 học sinh THCS Kim Đồng thuộc khu đông xã Duy Phước.
Cháu tôi năm nay sắp hết cấp hai. Tôi nhìn nó, hơn 30 năm trước, tôi như nó bây giờ, trường huyện là địa chỉ trong mây, mơ hồ, đi lên tới đó học hết ba năm, là chân cứng như dân trong nghề thái cực đạo, chưa kể tâm can nửa đường đứt đoạn với ý nghĩ cực quá, học chẳng để làm chi bớt cực. Giờ thì nó không thèm dậy sớm, trưa không cần vội vã cơn đói, mẹ cha cũng chẳng đưa đón âu lo xe cộ đường xa. Học sinh Duy Nghĩa, Duy Vinh, Duy Thành, Duy Hải, dồn về đó, con đi học thảnh thơi đã đành, cha mẹ trút gánh âu lo nắng nôi mưa gió. Ông Nguyễn Tấn Trọng, thôn Sơn Viên xã Duy Nghĩa, nghe trường sắp mở, như thở ra một hơi dài, khỏe re. Ông làm thợ hồ, vợ ở nhà bám mấy sào ruộng. Con ông vừa xong lớp 9. Không có trường này, nó sẽ phải lên Nam Phước trọ học, phải cõng gùi gạo mắm mà đi. “Quá hay”. Ông chỉ nói được như thế. Tôi nhìn người cha cơ hàn mà luôn canh cánh nỗi lo chuyện đời của con, như thấy giấc mơ choáng ngợp bao người. Bao nhiêu người mẹ người cha tảo tần cam khó như ông ở đất này, giấc mơ đổi đời cho con, chỉ trông vào cái chữ, nhìn con mưa nắng đi kiếm chữ, giấu thở dài nghẹn tim. Biết bao điều được rút ngắn lại, chỉ có niềm vui nhân ra.
Ông Nguyễn Công Dũng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên như bật ra ngay qua điện thoại: “Mừng lắm! Mấy chục năm rồi mà em, muốn lắm, nhưng nghèo quá, có làm chi được. Vùng đông đang phát triển, dân số sẽ tăng, nhu cầu mở một ngôi trường là cần thiết, và lúc này cần hơn bao giờ hết. Lâu nay, trên trường THPT Sào Nam, học sinh dồn hết lên, áp lực lắm. Có trường mới, khó khăn đó sẽ được tháo, học sinh sẽ bớt bỏ học, khỏi khăn gói ở trọ, rồi nạn này nữa, là các em phải băng qua quốc lộ 1 mà đi, bao nhiêu trường hợp tai nạn đau xót đã xảy ra mà không cách chi dừng được. Từ nay, một nguồn nhân lực có văn hóa sẽ được bồi đắp thêm. Nhu cầu trong tương lai sẽ mở rộng nữa chứ không dừng lại. Huyện đã chi 6 tỷ đồng để hỗ trợ giải phóng mặt bằng…”.
3. Bây giờ ngôi trường đó là thành hiện thực, tọa lạc ở xã Duy Thành, mang tên ông Hồ Nghinh, con dân Duy Xuyên, một Bí thư Tỉnh ủy thuở trước, mà theo nhiều người, là trí thức có hạng. Anh Dũng nhắc tôi: “Ông Hồ Nghinh là người đổi mới quyết liệt, hàng đầu đó nghe…”. Tôi đọc và nghe kể, ông Hồ Nghinh là người luôn mới, phóng khoáng, hiểu biết và tử tế. Nhưng, cái tên chưa quan trọng. Một ngôi trường mới, mọi sự đều mới, mà đi đầu là tư duy phải mới. Chưa biết ngôi trường này rồi sẽ ra sao, nhưng những khấp khởi trong lòng về những mới mẻ, luôn dậy lên.
Đặt trong chuyển động của vùng đông Duy Xuyên về kinh tế, thì sự xuất hiện của một địa chỉ văn hóa, là làm cho xu thế phát triển không lệch đi, khi kinh tế còn nảy nở, thì nhu cầu sống, học, tìm hiểu trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Bài học xương máu từ sự phát triển ồ ạt của các vùng kinh tế mà khởi phát nó thiếu nền về giáo dục, cho thấy, lúc đó văn hóa sẽ là vùng trũng, mà hệ lụy này là khôn lường, trả giá rất nhanh, tỉnh ra thì đã muộn màng, vá víu chẳng qua để làm cho bức tranh xã hội thêm nhốn nháo mà thôi. Một ngôi trường mới là đời, ngoài chuyện cho phụ huynh thấy rằng, ttrường gần nhà, con phải được học; học sinh cũng loại trừ bớt tâm lý bỏ học, thì nó còn thêm rằng, đập vào mắt ai đó ý nghĩ, đây là địa chỉ văn hóa, những hành xử, suy tư nhuốm sắc màu khác, không trở nên càn quấy đi, thì cũng khựng lại, như ta bước chân vào ngôi chùa vậy. Một thế hệ học sinh mới, từ năm này, sẽ rộn ràng. Không hão huyền đâu, cũng chẳng mơ mộng xa vời, nhưng khoảng cách địa lý, sự lây lan ý nghĩ trong mọi người về học hành, nhất định sẽ có một bước tiến mới. Những tạm bợ, gian khó ban đầu sẽ qua, mọi thứ sẽ trở nên bề thế gọn gàng, bởi đó là khung trời sư phạm.
Bạn tôi mơ mộng đủ điều. Cầu mong mọi thứ trở nên lấp lánh. Bây giờ làng tôi, chẳng ai nói xuống hói bà Biên nữa, mà nói chỗ trường cấp 3. Nói như dân chụp ảnh, là trường này “viu” ngon lắm, sát sông, ngay cầu, thoáng đãng, từ đây trèo lên tầng trên cùng, ngó xuống là thấy Cửa Đại…
Ký của TRUNG VIỆT