Dựng thương hiệu bằng sự tử tế

LÊ QUÂN 02/10/2022 07:12

Là một cái tên quen trong giới khởi nghiệp Quảng Nam, Phạm Văn Huệ vẫn đang bền bỉ từng ngày đưa sản phẩm quê xứ đi xa hơn.

Các sản phẩm của Bảo Tâm.
Các sản phẩm của Bảo Tâm.

Dầu Bảo Tâm đã đến đất Mỹ khi được nhiều người xa xứ lựa chọn làm quà tặng, đã ở trong căn bếp của những khách sạn lớn như Sheraton, Windsor Plaza và trên các kệ trưng bày nhiều siêu thị lớn nhỏ. Nhưng hạnh phúc nhất, như Phạm Văn Huệ nói, là nhìn thấy dầu Bảo Tâm được lựa chọn từ chính người nội trợ của đất Quảng này…

Từ món ăn Quảng

Dầu nguyên chất Bảo Tâm về cơ bản được ép tương tự như cách người dân ép thủ công, nhưng đặc biệt hơn bởi được ép trong quy trình sản xuất công nghệ khép kín với điểm nhấn là quá trình lọc hút chân không, lọc dầu bằng máy lọc chuyên dụng và để lắng cặn tự nhiên trước khi đóng chai. Chính công nghệ chế biến sâu sẽ góp phần phát triển các dòng sản phẩm nông nghiệp địa phương đặc thù theo hướng chế biến sâu có giá trị, chất lượng cao; tạo ra chuỗi giá trị cho nông sản, mang lại nhiều việc làm hơn cho địa phương, nâng cao giá trị xã hội. Ngoài chất lượng, việc đóng chai các sản phẩm này cũng tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hạn chế sử dụng chai nhựa cho sản phẩm, chấp nhận bán với giá cao hơn nhưng các loại sản phẩm đều thân thiện với môi trường…

Quê Hà Tĩnh, nhưng đã hơn 10 năm chọn sống tại Quảng Nam, Phạm Văn Huệ nói anh cảm giác ruột rà như trên chính đất mẹ. Năm 2009, Huệ về đầu quân cho Thaco Trường Hải, làm một kỹ sư cơ khí cần mẫn suốt 8 năm cho đến ngày anh chạm tay vào đồng đất, cùng nông dân xứ Quảng... chế biến dầu ăn.

* Năm 2017, nhiều người biết đến thương hiệu Bảo Tâm. Và nhiều người ngỡ ngàng khi biết sản phẩm này được làm ra từ bàn tay của Phạm Văn Huệ. Mối duyên nào khởi đầu để Bảo Tâm nên hình hài gắn với “đặc sản” của căn bếp phụ nữ xứ Quảng?

- Phạm Văn Huệ: Thật sự tôi rất thích ăn mỳ Quảng. Không phải người Quảng Nam nhưng các món ăn đặc trưng xứ Quảng khác cũng làm mình thường rung động vì mùi vị. Ngày đầu tới Quảng Nam, tôi dò hỏi. Khi biết những món ăn được nấu cùng với dầu phụng, mình mới vỡ ra chính thứ này làm các món Quảng có một vị đặc trưng mà không nơi nào có được.

Tôi đã từng sống ở Hàn Quốc vài năm và nhìn thấy họ nâng niu các món ăn, gia vị truyền thống của xứ Hàn. Những ngày còn làm ở Thaco, tôi thích tìm hiểu văn hóa Quảng, trong đó đặc biệt thích văn hóa ẩm thực qua các nghiên cứu.

Một dấu chấm hỏi lớn khi tôi vốn dĩ là một kỹ sư cơ khí, quen với các linh kiện máy móc, nhưng không hiểu từ đâu, câu chuyện dầu phụng xứ Quảng cứ luẩn quẩn quanh mình với suy nghĩ tại sao không đưa dầu phụng vào từng bữa ăn của gia đình Việt, dần thay thế dầu ăn công nghiệp, góp phần bảo vệ sức khỏe và trí tuệ người Việt? Sao không phát triển các sản phẩm nông nghiệp này theo hướng chế biến sâu cung cấp cho thị trường cả nước mà phải nhập khẩu các sản phẩm tương tự? Lâu dần, suy nghĩ đó đủ lớn để tôi quyết định phải thực hiện nó. ...

Đến thương hiệu dầu

* Bảo Tâm có chiến lược xây dựng thương hiệu khá bài bản. Và minh chứng là các chứng nhận về thương hiệu cũng như sản phẩm của anh từng bước được các đối tác đón nhận?

- Phạm Văn Huệ: Bắt đầu từ câu chuyện với bà con trên đồng đậu phụng, tôi hiểu ra rằng nguồn nguyên liệu là điều đầu tiên để có sản phẩm chất lượng. Từng ngày một, đi học hỏi chỗ này chỗ kia, rồi nghiên cứu máy móc thiết bị… cho đến ngày chai dầu phụng tự tay mình làm ra đời.

“Bảo Tâm” chỉ giản dị là dầu nguyên chất. Cho đến bây giờ, mẫu mã cũng như cách kinh doanh thay đổi, cách làm thương hiệu cũng phải khác đi, nhưng thứ tôi không cho phép mình thay đổi là chất lượng của chai dầu ăn. Là dầu Bảo Tâm thì phải là nguyên chất, từ chính tấm lòng tôi dành để cảm ơn xứ Quảng.

Phạm Văn Huệ.
Phạm Văn Huệ.

Dầu Bảo Tâm cũng là sản phẩm nông nghiệp tự nhiên và nguyên chất hoàn toàn từ nguồn nguyên liệu địa phương. Ban đầu, khi thành lập Hợp tác xã (HTX) Bảo Tâm, tôi muốn tổ chức liên kết với người dân tiến hành quy hoạch những vùng nguyên liệu chuyên biệt như đậu phụng, mè đen, gấc… nhằm đảm bảo tốt hơn chất lượng nguyên liệu đầu vào cũng như minh bạch nguồn gốc xuất xứ.

Mục tiêu cung cấp tới người tiêu dùng các sản phẩm tự nhiên nhất, thuần khiết nhất, lưu giữ hương vị đặc trưng của “đặc sản” xứ Quảng, HTX Bảo Tâm chú trọng tới khâu lựa chọn nguyên liệu có xuất xứ rõ ràng từ các HTX Nông nghiệp Bình Đào, Bình Phục, Tam Thăng, Tam Xuân, Phú Ninh cho đến các địa phương của tỉnh Bình Định...

Nông sản muốn đi đường dài phải tham gia chế biến sâu. Và chế biến thành phẩm từ nguyên liệu thô, cụ thể là dầu mè và dầu phụng, có lẽ là bước cuối cùng để đậu phụng, mè - những nông sản vốn dĩ là tài nguyên dồi dào từ đồng đất xứ Quảng đi vào câu chuyện thị trường.

Tôi nghĩ liên kết với nông dân, phát triển sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cho người Việt Nam chính là cách định hình thương hiệu cho riêng mình. Để có động lực phát triển, sản phẩm đạt chuẩn cần có thị trường. Sản phẩm đạt chuẩn trên thực tế mới đi được nửa con đường, phần còn lại là việc xây dựng thương hiệu, thông tin cho thị trường, tức các hoạt động PR, marketing, bán hàng.

Có sản phẩm đạt chuẩn rồi, còn phải có nhận diện sản phẩm, làm cho thị trường nhận biết về sản phẩm, tạo nhu cầu về sản phẩm. Có những việc của thị trường như hoạt động xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, nghiên cứu thị trường, quảng bá phát triển thị trường… Bảo Tâm đã đi từng bước chậm rãi như vậy!

Tham gia thương mại điện tử

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp của Quảng Nam vẫn còn loay hoay về cách làm, tổ chức như thế nào cho bài bản để tham gia vào thương mại điện tử (TMĐT).

Từ câu chuyện xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu một cách đồng bộ và có sự vào cuộc của các cấp ngành, của huyện, xã cho đến từng cộng đồng đang được chính quyền địa phương đặt ra. Cái chính nhất vẫn là làm sao để người dân nhận thức được TMĐT sẽ đem lại lợi ích cho việc kinh doanh với mục đích cuối cùng là để cho người sản xuất bán được hàng hóa với giá tốt nhất.

* Cùng với việc tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ, trưng bày và các kênh bán hàng trực tiếp, Bảo Tâm khá tích cực đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Anh nghĩ mình sẽ đi đường dài với nó?

- Phạm Văn Huệ: Có thể nói TMĐT là một kênh bán hàng hiện đại, dựa trên nền tảng internet, trên đó hàng hóa được trao đổi, thanh toán dựa trên các chỉ số niềm tin ở thông tin sản phẩm, thông tin gian hàng của người bán và địa chỉ khách hàng.

Xu hướng thanh toán không tiếp xúc, không dùng tiền mặt gia tăng (thanh toán bằng thẻ VISA, ví điện tử QR Code, Internet banking), là cơ hội để TMĐT ngày càng phát triển nở rộ hơn. Các kênh TMĐT hiện nay rất đa dạng và cũng phân chia theo nhiều phân khúc về chất lượng, uy tín, điều kiện mua - bán - thanh toán, nhập hàng - gửi hàng, tương tự như các phân khúc chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, siêu thị...

Việc hiểu rõ đặc tính cụ thể của từng kênh TMĐT sẽ giúp người bán lựa chọn được kênh bán hàng phù hợp. Sản phẩm được bán tới thị trường toàn quốc, do vậy, số lượng người bán trên đó cũng rất lớn và mức độ cạnh tranh cũng rất cao. Hiện nay, hầu hết sàn TMĐT đều hỗ trợ tối đa người bán trong việc đăng ký gian hàng trên đó cũng như đăng ký sản phẩm để bán.

Các công cụ, phương thức tăng doanh số bán hàng cũng được các sàn hỗ trợ. Tuy nhiên, không thể cứ đăng sản phẩm lên đó nghĩa là bán được hàng, mà đòi hỏi người bán phải hiểu rõ các chính sách của sàn, có kiến thức về TMĐT, về sản phẩm, xu hướng tiêu dùng… Tham gia sàn TMĐT cũng là thêm một kênh để sản phẩm đến được với số lượng người tiêu dùng nhiều hơn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dựng thương hiệu bằng sự tử tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO