Tôi, một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng, gần núi hơn biển, từng thèm được đến với biển, với suy nghĩ đơn giản là để xem biển mênh mông cỡ nào, con sóng ra làm sao hoặc chiếc thuyền làm thế nào “bơi” được trên biển, đại loại như thế.
Trong suốt những năm học cấp một, tôi chỉ biết biển qua ít ỏi những trang sách. Kiểu như trong “Ông già và biển cả” của Hemingway, tôi thấy biển quá dữ tợn, con người quá nhỏ bé trước mênh mông biển cả nhưng khát vọng lớn lao và không dễ gì bị khuất phục.
Sau này, duyên lành đưa đẩy, tôi sống ở thành phố có biển, nhà tôi cách biển chừng mươi cây số, có thể được xem là thành phố biển. Thành phố biển của tôi không nổi tiếng như Nha Trang, Hạ Long…, nhưng có những thứ rất riêng, ít ra là riêng với chính tôi. Biển Tam Thanh, Tỉnh Thủy đều là bãi tắm hiền lành, bằng phẳng, nhưng tôi thường đi biển Tam Thanh hơn. Biển Tam Thanh vẫn còn rất... “quê kiểng”, dù Tam Kỳ đã lên thành phố bao nhiêu năm rồi. Quê, từ cái cách người dân ven biển buôn bán. Quê, từ cách chào mời, trò chuyện. Nó thật thà, chân chất, nồng hậu chớ không phô trương, kiểu cách. Là thị dân rồi nhưng không ai biết giấu (hay không muốn giấu) cái gốc gác ngư dân của mình, vẫn ăn sóng nói gió. Gọi là quán “đặc sản biển” nhưng giá cả cũng vừa phải, đủ để ai đó tắm biển xong có thể lai rai chút ít hải sản. Có lần nhà tôi đi biển, vào quán ăn uống xong mới phát hiện... quên đem tiền. Định gọi điện nhờ người bạn mang giúp tiền xuống thì chị chủ quán bảo, cứ về đi, khi nào có dịp đi biển thì ghé trả cũng được. Người quê biển thiệt thà và dễ thương như vậy đó.
Mấy năm gần đây, người đi tắm biển Tam Thanh cũng yên tâm phần nào nhờ có đội cứu hộ. Khi nghe nhắc nhở, tâm lý chung là cảm thấy khó chịu. Nhưng những lời nhắc nhở một cách chân thành và nhẫn nại của đội cứu hộ từ chiếc loa chỗ chòi canh lại khiến người nghe cảm thấy yên lòng. Tất nhiên, biển Tam Thanh vẫn còn cái cần phải làm để cho sạch đẹp hơn lên như còn người bán hàng rong dọc biển liên tục mời mọc khiến khách cảm thấy phiền toái, vẫn có người xả rác ven biển. Nhưng “vì yêu mà đến” nên có thể bỏ qua.
Tôi có thể đi biển bất cứ lúc nào, nếu thích. Có thể sáng sớm, hoặc sau giờ làm việc. Lẽ ra tôi thấy mình thật nhỏ bé trước mẹ biển. Nhưng dường như không phải vậy, vì tôi xem biển là bạn. Lúc vui, lúc buồn, tôi đều thích đến với biển. Để thầm thì, trò chuyện cùng biển. Để thấy mình không bao giờ đơn độc. Để được biển vỗ về.
Mỗi lần cùng cả nhà đi biển, cậu con trai lên sáu của tôi huyên thuyên một mớ câu hỏi về biển: vì sao nước biển lại mặn, sóng biển đến từ đâu…? Tôi vừa kể cho con nghe nước biển mặn vì tên nhà giàu tham lam, cướp chiếc cối đang xay muối của ông lão đánh cá, chèo ra biển khơi rồi chìm ở đấy và đến nay chiếc cối ở dưới đáy biển vẫn tiếp xay muối; kể nhà thơ Xuân Quỳnh có câu thơ “Sóng bắt đầu từ gió…”; vừa tra tìm trên bách khoa toàn thư wikipedia để giảng giải cho con hiểu theo khoa học. Xong rồi nghĩ, có lẽ rồi đây sẽ có một cậu bé thích đứng trước biển và mơ mộng như mình đã từng...