Dựng tượng linh vật tại Tây Giang: Xa lạ với văn hóa người Cơ Tu

LÊ QUÂN –  ĐĂNG NGUYÊN 19/05/2018 11:33

Dọc một số trục đường chính của trung tâm huyện Tây Giang, từ Tết Nguyên đán đến nay, xuất hiện một số tượng điêu khắc bằng đá lấy hình mẫu là con chó thật. Phía dưới tượng tạc một bài thơ, được xem là “lẩy” từ truyền thuyết hình thành dòng họ Zơrâm của người Cơ Tu.

Xung quanh câu chuyện này, chúng tôi ghi nhận phản ứng của một số nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa lẫn người trong cuộc.

Tượng chó cùng bài thơ ở trung tâm huyện Tây Giang.
Tượng chó cùng bài thơ ở trung tâm huyện Tây Giang.

Dựng theo đề nghị của già làng?

Ông Bhriu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, các tượng đá này được làm từ đề nghị của các già làng người Cơ Tu. “Các già làng người Cơ Tu đề nghị huyện làm. Huyện đưa ra một số biểu tượng để các cụ chọn, các cụ thấy tượng nào đẹp thì chọn” - ông Liếc nói.

Về bài thơ được khắc dưới tượng, ông Bhriu Liếc cho biết, bài thơ được viết dựa trên truyền thuyết của người Cơ Tu. Truyền thuyết kể rằng, từ thời xa xưa, trời mưa lũ, nước dâng ngập hết núi rừng, chỉ còn một ngọn núi. Trên đó còn một con chó và một cô gái sống sót nhờ trốn vào một chiếc trống. Cô gái sống cùng với con chó như vợ chồng, sinh ra hai người con, một trai, một gái. Lớn lên, người con trai xuống đồng bằng, người con gái ở lại miền núi. Sau này, hai người gặp và lấy nhau, sinh ra con cháu dòng họ Zơrâm.

Khi được hỏi so với các hình ảnh chó được khắc trên gươl, thì tượng đá hiện nay rất khác biệt, ông Bhriu Liếc trả lời: “Hình tượng do đồng bào mình chọn. Còn con chó trên biểu tượng gươl khác với con chó chọn để tạc tượng vì mỗi hình thì phải… mỗi khác, cũng như sự khác biệt giữa người này và người kia. Còn chất liệu thì phải bằng đá, được đẽo từ Non Nước. Nghệ nhân người Cơ Tu không làm được điêu khắc trên đá. Nếu làm gỗ thì để ngoài trời nó mục” - ông Liếc nói.

Dưới góc độ quản lý, ông Tôn Thất Hướng - Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT&DL cho biết, về mặt pháp lý, 5 tượng đá đặt tại các trục đường của huyện Tây Giang không vi phạm về trưng bày cảnh quan. Tuy nhiên, tượng gần như sao theo tỷ lệ 1:1 với nguyên mẫu thật thì ông không tán đồng. “Hơn nữa, nếu là truyền thuyết của đồng bào Cơ Tu thì nên dùng chất liệu gỗ, vì nghệ thuật điêu khắc Cơ Tu là điêu khắc gỗ. Và nên để cho nghệ nhân người Cơ Tu thực hiện” - ông Tôn Thất Hướng nói thêm.

Ngoài một số tượng được dựng tại trục đường chính của trung tâm hành chính huyện (xã A Tiêng), nhiều tượng chó khác cũng được dựng dọc tuyến đường đi vào Làng truyền thống du lịch sinh thái Pơmu (xã A Xan). Vì thế, nhiều du khách, sau khi tham quan rừng di sản pơmu đều bày tỏ sự ngạc nhiên. Chưa kể, bức tượng chó kèm theo bài thơ “Năm Tuất dựng tượng tổ” của tác giả Quanh Lê với câu chữ dễ gây hiểu nhầm cho người đọc về truyền thuyết “Cha chó” của đồng bào Cơ Tu: “Xưa câu chuyện kể rằng/ Tổ tiên người Cơ Tu/ Sinh ra từ cha chó/ Nay có họ Zơrâm/...”.

Vậy, liệu việc dựng tượng linh vật tại Tây Giang có được sự đồng tình của các già làng và cộng đồng người Cơ Tu?

Là một trong những già làng uy tín của đồng bào Cơ Tu tại huyện Tây Giang, ông Bh’riu Pố (ở thôn Rớh, xã Lăng) cho rằng, việc dựng tượng chó cũng có thể chấp nhận được nhưng không nên dựng lên ở nhiều nơi. Bởi dù sao, câu chuyện về “cha chó” cũng chỉ là truyền thuyết. Việc lạm dụng dựng tượng tràn lan là không cần thiết. “Theo tôi, không nhất thiết ở đâu cũng phải dựng tượng chó. Bởi, văn hóa Cơ Tu có biết bao nhiêu cái hay, cái đẹp cần phải phục dựng, để cho bà con Cơ Tu và du khách tham quan, khám phá, tìm hiểu” - ông Pố nói. Ông Pố cũng cho hay, truyền thuyết về “cha chó” được kể lại có nội dung giải thích về nguồn gốc khai sinh loài người, theo quan niệm của đồng bào Cơ Tu, sau một trận đại hồng thủy, chứ không phải con chó là tổ tiên của người Cơ Tu, để mà dựng thành “tượng tổ”, sẽ gây hiểu lầm.

“Du nhập tín ngưỡng”

Ông Tôn Thất Hướng đưa ra cảnh báo, lâu dài, hình tượng sẽ có tác động đến ý thức của người dân về truyền thống văn hóa Cơ Tu.

Theo ông Hướng, việc huyện Tây Giang dựng tượng theo truyền thuyết với ý tưởng quảng bá văn hóa, vùng đất, là điều có thể chấp nhận. Tuy nhiên, dù có hay không giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước, thì việc dựng tượng linh vật phải theo quy trình. “Tác giả phác thảo, lấy phác thảo đó xin ý kiến của cộng đồng. Cộng đồng phải bao gồm nghệ nhân, các già làng trưởng bản và người của dòng họ đó. Và nên giao cho nghệ nhân tại cộng đồng làm. Sáng tạo nên một sản phẩm văn hóa mà xa lạ với cộng đồng là điều không thể chấp nhận”. 

Khá gay gắt với việc dựng tượng “vật tổ” tại Tây Giang, nhà dân tộc học Nguyễn Tri Hùng chia sẻ, dưới góc độ dân tộc học thì những linh vật là hoàn toàn không có thật. “Dựng một cái tượng “vật tổ” là sự du nhập tín ngưỡng mới, nên không thể gọi đây là văn hóa dân gian của người Cơ Tu. Việc dựng tượng này hoàn toàn không dính dáng đến tín ngưỡng truyền thống của họ” - ông Nguyễn Tri Hùng nói. Khá hoài nghi, ông Nguyễn Tri Hùng cho rằng phải xem lại việc dựng tượng này phải là ý kiến của cộng đồng người Cơ Tu hay là do một nhóm người ở đồng bằng muốn thông qua người Cơ Tu để dựng tượng.

Với câu chuyện truyền thuyết về “vật tổ” của dòng họ Zơrâm, ông Nguyễn Tri Hùng cho biết thêm, đây là một truyền thuyết chứ không phải tín ngưỡng hay tôn giáo nào hết. Và truyền thuyết này có ở các dân tộc dọc Trường Sơn, nó giống như truyền thuyết của rất nhiều tộc người ở Đông Nam Á chứ không phải của riêng người Cơ Tu.

“Không nên dựa vào truyền thuyết để thêu dệt nên một hình tượng, rồi dựng nên cái gọi là văn hóa truyền thống của đồng bào. Từ cả chục năm trước, các già làng tôi gặp không biết về truyền thuyết này, già làng chỉ biết truyện cổ của người Cơ Tu. Trong 33 dòng họ Cơ Tu thì mỗi dòng họ có một truyền thuyết. Không có chuyện lấy những yếu tố trong truyện cổ để trở thành những yếu tố của dòng họ mình. Ông Liếc nói vậy nếu người Cơ Tu ở Nam Giang, Đông Giang không chấp nhận thì sao? Ông ở Tây Giang ông làm, còn người Ve, Tà Riềng như thế nào? Không nên lấy truyền thuyết để đánh đồng cho một tộc người” - ông Hùng chia sẻ thêm.

Theo ông, những tượng chó trong gươl với sự cách điệu và được các nghệ nhân điêu khắc tạc trên gỗ, nhưng không thể thấy vậy thì nói con chó là vật tổ của người Cơ Tu. “Trong gươl còn có tượng người đầu chó, mình chó; tượng người đầu voi, mình voi. Cũng như con thằn lằn xuất hiện trên rất nhiều gươl. Người ta dễ nhầm lẫn các biểu tượng điêu khắc của người Cơ Tu với các dấu ấn văn hóa. Vì vậy không nên nghĩ đến chuyện thủy tổ của người Cơ Tu là con chó” - ông Hùng nhấn mạnh.

LÊ QUÂN –  ĐĂNG NGUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dựng tượng linh vật tại Tây Giang: Xa lạ với văn hóa người Cơ Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO