Nhiều ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát thu hoạch, đạt hiệu quả kinh tế cao nhờ được giá. Nông dân hy vọng cơ sở hạ tầng vùng nuôi được hoàn thiện để nghề nuôi tôm phát triển bền vững.
Một số hộ thu hoạch tôm trong thời điểm này bán được giá cao. Ảnh: N.Q.V |
Giá tôm tăng vọt
Mới đây, hộ ông Đặng Ngọc An (thôn Hiệp Hưng, xã Bình Hải, Thăng Bình) thu hoạch tôm thẻ chân trắng sau 3 tháng thả nuôi bằng hình thức lót bạt trên cát. Với tổng diện tích 1ha, ông An phân bố thành 5 ao nuôi và thả nuôi với mật độ 120 con/m2. Lúc đồng loạt thu hoạch, ông thu được tổng cộng 15 tấn tôm. Với cỡ tôm 57 con/kg có giá bán là 187 nghìn đồng/kg, ông An lãi được tổng cộng 1,5 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí. “Vụ nuôi rất thành công. Được mùa lại được giá nên giá trị kinh tế thu được cao hơn hẳn các vụ trước” - ông An nói. Mô hình nuôi tôm của ông An được đầu tư khép kín. Ông trực tiếp lấy nước biển và dung hòa với nguồn nước ngọt tại chỗ, lắng lại trong hệ thống chứa lắng. Ông An sử dụng tôm giống và dung nạp quy trình nuôi từ công ty C.P. “Mỗi ký tôm thương phẩm tôi bán ở đợt thu hoạch này cao hơn 20 nghìn đồng so với vụ thu hoạch trước. Hiệu quả kinh tế cao nên rất phấn khởi” - ông An nói.
Ông Nguyễn Xuân Cần (thôn Kỳ Trân, xã Bình Hải, Thăng Bình) cũng vừa xuất bán tôm thương phẩm cho thương lái với giá bán cao. Với cỡ tôm 60 con/kg, ông Cần bán được 220 nghìn đồng/kg. “Có 2 cách bán tôm thương phẩm, thông thường là bán tôm “lồng” lưu hành nội địa và bán tôm đại trà để tư thương xuất khẩu. Tôm “lồng” khi tư thương bán lại vẫn còn nhảy, là tôm tươi nên có giá trị cao hơn tôm xuất khẩu đến 40 nghìn đồng/kg. Tôi chọn xuất bán tôm “lồng” nên thu được giá trị kinh tế cao hơn” - ông Cần nói. Để có thể bán được loại tôm “lồng”, nông hộ phải đáp ứng được 3 yêu cầu. Thứ nhất là loại tôm đó phải có kích cỡ lớn. Tiếp nữa là có số lượng lớn, để thương lái tiện bảo quản. Ngoài ra đáp ứng được quy chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định khắt khe. Muốn vậy người nuôi không được dùng kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi. Để chắc chắn về điều đó, tư thương đã lấy test 2 lần cách nhau 1 tuần trước khi mua và vớt tôm tại hồ.
Theo quan sát của chúng tôi, một số tư thương mua tôm “lồng” bằng cách dùng cỡ 20 lồng rọ, bố trí gọn trong 1 thùng phuy xanh, trang bị hệ thống sục khí trong đó. Với mỗi xe thu mua, thương lái bố trí 10 - 15 thùng phuy. Tôm trong ao nuôi khi được tư thương mua, bố trí ngay vào trong các lồng rọ đó nên vẫn còn sống cho đến khi tư thương bán vào hệ thống nhà hàng, khách sạn. Loại tôm này thường rất lớn, cỡ chỉ chừng 40 - 60 con/kg, lại tươi sống nên có giá trị lớn hơn so với tôm thương phẩm xuất khẩu. Với loại tôm xuất khẩu, do đường sá xa xôi, không thể sống lâu nên thương lái chọn cách ướp đá, cho vào thùng xốp ngay khi mua, vớt lên từ ao nuôi của các nông hộ. “Loại tôm này có giá trị thấp hơn so với tôm “lồng” nhưng vẫn đem lại lợi nhuận cao khi đáp ứng được tiêu chí xuất khẩu là không có dư lượng kháng sinh lúc thu hoạch. Vả lại, từ sau tết đến nay, thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc rất cần nên bán càng được giá” - bà Nguyễn Thị Chính, thương lái mua tôm từ Hà Nội vào cho biết.
Trăn trở với nuôi tôm
Thời điểm này, không có nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh thu lợi cao nhờ bán tôm thương phẩm được giá. Hiện tại, theo lịch mùa vụ, các hộ nuôi tôm nước lợ trên các vùng triều mới chỉ bước vào tháng thứ 2, chưa có sản phẩm để bán. Trong khi đó, tại các vùng nuôi tôm trên cát được nuôi quanh năm, tình trạng ao nuôi trơ đáy vẫn còn phổ biến. “Lúc hiếm hoi mình được mùa thì y như rằng phải bán với giá thấp. Chừ mình không có tôm để bán thì giá tôm thương phẩm lại tăng vọt. Các vụ trước lại thua lỗ vì dịch bệnh hoành hành. Sao mà bấp bênh của nghề nuôi tôm lại cứ tái diễn hoài vậy?” - anh Ngô Sở (thôn Phước Hòa, xã Bình Nam, Thăng Bình) chia sẻ. Anh Sở cho biết, hạ tầng của cả vùng nuôi tôm tại thôn Phước Hòa hiện vẫn còn rất sơ sài. Thủy lợi không đảm bảo, kênh cấp, kênh thoát nước không có. Bờ đập lại không kiên cố. Trong khi đó, chỉ một số ít hộ nuôi huy động được nguồn vốn khá mới đầu tư hệ thống điện dẫn ra đồng chứ phần lớn các hộ khác chỉ phải chạy máy bằng dầu diezen, đã tốn kém nhiều lại thiếu hiệu quả. “Chỉ mong sao ngành chức năng đầu tư, kiện toàn lại các yếu tố hạ tầng để người nuôi tôm sản xuất ổn định hơn. Tôi gắn bó với nghề này từ hơn 5 năm nay rồi, chỉ mong muốn được sản xuất ổn định, bền vững” - anh Sở nói.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, tôm thương phẩm không đứng ngoài quy luật lưu thông hàng hóa, do vậy khi nguồn cung thiếu thì giá tôm thương phẩm tăng cao. Tuy nhiên, điều đó cũng bộc lộ yếu kém của nghề nuôi tôm nước lợ, của Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung. Bởi số hộ nông dân có sản phẩm để bán vào thời điểm này không được nhiều, đa số đều thất bát với mùa màng. “Điều đáng nói hơn cả là tìm cách để giúp các hộ nuôi có được vụ mùa ổn định. Tỉnh đã có định hướng quy hoạch lại các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Khi được triển khai quy hoạch thì hy vọng các vùng nuôi tôm sẽ bài bản hơn, điều kiện sản xuất của người nuôi sẽ đảm bảo hơn” - bà Tâm nói.
Theo bà Tâm, chắc chắn rằng, dù giá tôm có tăng, giảm bất thường thì khi vụ mùa trúng, nông hộ vẫn có lợi tương đối lớn. Chi phí khi nông hộ sản xuất chỉ chiếm tối đa khoảng 2/3 tổng giá trị thu được. Vậy nên, nếu nuôi tôm đạt thì nông hộ có thu nhập ổn định sau khi trừ chi phí, dù giá các mặt hàng có thể tăng cao kéo theo chi phí nuôi tôm tăng lên trong thời gian tới.
NGUYỄN QUANG VIỆT