Từ những thảo mộc ở rừng, bằng kiến thức chuyên môn lẫn kinh nghiệm của người bản địa, chị Hồ Thị Mười chế biến thành các loại trà, dược liệu, được người tiêu dùng khắp nơi đón nhận.
Trong số những dược liệu mà chị Hồ Thị Mười đang chế biến và kinh doanh, Trà Giảo cổ lam mang thương hiệu Mười Cường - cơ sở sản xuất kinh doanh của chị Hồ Thị Mười được xếp hạng sản phẩm OCOP ba sao cấp tỉnh. Niềm vui này như bù đắp lại nhọc nhằn trong suốt những tháng ngày lặn lội rừng sâu, trên các nóc của đồng bào, để tìm cây dược liệu. Chưa kể, năm 2018, vượt cả mong đợi với Mười là tên chị và cả đồng bào Ca Dong của chị được gọi lên ở Hội chợ giới thiệu sản phẩm - dịch vụ chất lượng cao Asean tại Singapore. Cơ sở sản xuất Mười Cường đã được Ủy ban Tổ chức đánh giá và truyền thông về sản phẩm dịch vụ chất lượng cao Asean tại Singapore cấp chứng chỉ công nhận và cúp lưu niệm.
Từ nhiều năm trước, Hồ Thị Mười đã tìm hiểu giá trị của các loại thảo mộc, dược liệu ở rừng của chính đồng bào mình. Cô sinh viên của Trường Đại học Nông lâm Huế khi ấy đã ấp ủ việc đưa các loại dược liệu quý mà đồng bào mình tìm được từ rừng đến các thị trường rộng lớn. Và chị trở thành một kênh kết nối giữa đồng bào với thị trường miền xuôi, thông qua việc bán lẻ cho các đoàn công tác đến Nam Trà My, trước khi Cơ sở sản xuất kinh doanh Mười Cường hình thành. Hiện tại, cơ sở của chị vận hành theo mô hình kinh doanh gia đình, với mong muốn đây sẽ là một “cái kho” để cất những loại dược liệu, thảo mộc quý từ rừng mà bà con kiếm được. “Có rất nhiều loại củ quả quý bà con đi rừng kiếm được, nhưng lại không bán được do chưa tìm được thị trường. Hay cũng có khi bị thương lái dưới xuôi lên ép giá, bà con thấy rẻ quá thì không bán. Không bán thì treo lên gác bếp, hoặc đem ngâm rượu, nhưng lại không đúng cách. Lâu ngày, các loại này bị mất giá trị.Mình muốn làm một cái kho đầy đủ quy chuẩn để mua sản phẩm của bà con với mức giá bình ổn, đúng với công sức bà con bỏ ra” - Hồ Thị Mười nói.
Chính từ “kho” dược liệu này, nhiều loại sản phẩm ra đời như chè dây, rượu lúa rẫy, giảo cổ lam khô, chuối hột khô… Muốn mang đặc sản của đồng bào đi xa hơn nữa, giới thiệu cho người dân cả nước biết về giá trị của dược liệu Nam Trà My, Hồ Thị Mười từng ngày cải tiến sản phẩm theo hướng đa dạng hóa. Cùng với đó, chị tham gia rất nhiều hội chợ trên cả nước lẫn nước ngoài. Với riêng Trà Giảo cổ lam, chính nhờ những công dụng đặc biệt như ngăn ngừa các bệnh biến chứng tim mạch, xơ vỡ mạch máu, giảm căng thẳng, chống lại quá trình lão hóa, bảo vệ tế bào gan, tăng tiết mật, tăng cường chức năng giải độc cho gan, hỗ trợ điều trị bệnh ung thư... mà ngày càng được người tiêu dùng tìm kiếm. Hiểu được điều này, Hồ Thị Mười dừng việc bán thô nguyên liệu mà chế biến thành những túi trà lọc, hoặc trà khô được đựng trong các lọ bằng tre, đảm bảo thân thiện môi trường lại bảo quản tốt. Chính vì sự đầu tư, cải tiến liên tục, hiện nay, cùng với giảo cổ lam, các sản phẩm dược liệu của Mười Cường đang được người tiêu dùng khắp nơi tin cậy.