Du lịch cộng đồng đang là xu hướng chủ đạo trong chiến lược phát triển du lịch Quảng Nam hiện nay, nhằm cụ thể hóa mục tiêu chia sẻ lợi ích từ du lịch cho cộng đồng địa phương và góp phần bảo vệ môi trường cảnh quan, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, hướng đến sự phát triển bền vững… Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, trong quá trình triển khai du lịch cộng đồng cũng sẽ đối diện không ít rủi ro, nhất là sự thích ứng và dung hòa mâu thuẫn trong cộng đồng khi xuất hiện lợi ích.
Thông qua du lịch cộng đồng và sự hỗ trợ của các nhà thiết kế châu Âu, sản phẩm dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng, xã Tà Lu, Nam Giang vươn ra thị trường thế giới. Ảnh: VĨNH LỘC |
BÀI 1: KHAI THÁC LỢI THẾ BẢN ĐỊA
Thực tế, du lịch cộng đồng không phải là mô hình mới mẻ ở nhiều nơi, nhưng nó là hướng đi hiệu quả trong việc khơi dậy các tiềm năng văn hóa, thiên nhiên của một vùng đất để hình thành nên những sản phẩm du lịch, dịch vụ đặc thù. Một trong những ưu điểm của mô hình du lịch này là hạn chế tối thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và xã hội, nâng cao nhận thức cộng đồng, bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Xây dựng các mô hình
Được xem là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, nhưng nhiều năm qua lợi ích từ du lịch tại Quảng Nam chủ yếu tập trung vào một nhóm người, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Các công ty lữ hành bán tour đưa khách đến rồi đi, thu lợi nhuận, trong khi đó sự phân bổ nguồn lợi du lịch trở lại cho cộng đồng từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cũng chỉ ở mức độ. Không ít chuyên gia từng cảnh báo, khi người dân không được hưởng lợi từ du lịch, đến lúc họ sẽ quay lưng lại với khách. Cộng đồng địa phương phải được chia sẻ lợi ích dựa trên những tài nguyên nhân văn và thiên nhiên của mình.
Du lịch cộng đồng đã giúp khách có những trải nghiệm sinh thái làng quê thú vị. Ảnh: VĨNH LỘC |
Xuất phát từ mục tiêu trên, những năm gần đây với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như UNESCO (Liên hiệp quốc), ILO (Tổ chức Lao động quốc tế), FIDR (Tổ chức Cứu trợ quốc tế), dự án EU…, nhiều dự án phát triển du lịch cộng đồng đã được triển khai tại Quảng Nam nhằm hướng đến mục tiêu tạo ra sinh kế, nâng cao đời sống người dân, nhất là những khu vực gần di sản hoặc các vùng đất nằm sâu trong đất liền. Bắt đầu từ năm 2010 đến nay, trên 10 ngôi làng của tỉnh đã được hỗ trợ triển khai hoặc xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng, không ít nơi bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Điển hình, tại 2 huyện miền núi Đông Giang, Nam Giang, mô hình du lịch cộng đồng đã thật sự trở thành chất xúc tác kết nối cộng đồng lại với nhau thông qua việc thành lập các tổ, nhóm du lịch, dịch vụ. Qua đó, giúp thay đổi nhận thức cộng đồng; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân; bảo tồn, gìn giữ bản sắc dân tộc, góp phần bồi đắp niềm tự hào về các giá trị văn hóa bản địa.
Nhật Bản làm du lịch cộng đồng để bảo tồn văn hóa Ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hoa Hồng (Hội An), người có hơn một tháng tập huấn, tham quan mô hình du lịch công đồng tại Nhật Bản năm 2015, cho rằng sự khác biệt của mô hình du lịch cộng đồng giữa Quảng Nam (hoặc Việt Nam) và Nhật Bản là một bên khai thác các giá trị văn hóa sinh thái của làng để phát triển du lịch và một bên phát triển du lịch cộng đồng để có điều kiện giữ gìn, bảo vệ vẻ đẹp của làng. Chính vì vậy, việc phát triển du lịch cộng đồng ở Nhật Bản luôn được kiểm soát về chất lượng dịch vụ và số lượng khách tham quan. Tại Nhật Bản, du lịch cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong gìn giữ các giá trị di sản nông thôn cũng như góp phần nuôi dưỡng bản sắc và lòng tự hào của người dân với ngôi làng của mình. Thông qua phát triển du lịch, người dân không chỉ bảo vệ, gìn giữ ngôi làng mà còn tạo dựng nơi đây như một di sản hoặc một bảo tàng tự nhiên độc đáo. Đặc biệt, cơ cấu quản lý làng du lịch cộng đồng tại Nhật Bản được tổ chức khá chuyên nghiệp với một ban giám đốc và 2 ủy ban gồm ủy ban về chất lượng và ủy ban về phát triển kinh doanh, còn các thuyết minh viên tại làng chủ yếu là những người nghỉ hưu làm việc với niềm vui và tự hào về ngôi làng của mình là chính chứ không vì lợi nhuận. |
Theo bà Nguyễn Thị Huyền - Điều phối viên dự án ILO, du lịch cộng đồng không chỉ là mô hình hiệu quả tạo dựng sinh kế, mang lại thu nhập người dân mà còn mở ra cách tiếp cận mới về phát triển du lịch bền vững và thân thiện với môi trường. Bà Huyền phân tích: “Tham gia mô hình du lịch này không có nghĩa người dân từ bỏ ruộng vườn mà chính ruộng vườn và cuộc sống cộng đồng sẽ là những sản phẩm du lịch hấp dẫn cung cấp cho du khách, giúp tạo ra thu nhập, cải thiện đời sống đồng bào”. Đến nay, ILO đã tham gia một số dự án du lịch cộng đồng tại Quảng Nam như làng Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên), Triêm Tây (xã Điện Phương, Điện Bàn), Đhrôồng (xã Tà Lu, Đông Giang) cùng những cam kết và mục tiêu theo đuổi về một mô hình du lịch công bằng trong chia sẻ lợi ích dựa trên các tài nguyên văn hóa, thiên nhiên bản địa.
Cộng đồng hưởng lợi
Tại Quảng Nam, làng Trà Nhiêu (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) trở thành mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh. Tiếp đến, lần lượt là các làng Bhơ Hôồng, Đhrôồng (Đông Giang); Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên); Ta Bhing (Nam Giang); Triêm Tây (xã Điện Phương, Điện Bàn). Dù cách điều hành, quản lý khác nhau nhưng hiệu quả dự án mang lại rõ nhất chính là bộ mặt làng quê đã có sự thay đổi; cơ sở hạ tầng, đường làng, cổng ngõ được đầu tư xây dựng khang trang, môi trường cảnh quan sinh thái được bảo vệ, tính cố kết cộng đồng làng xã được giữ gìn phát huy… Đặc biệt, tại một vài nơi sự đón nhận ủng hộ của người dân và cộng đồng trách nhiệm địa phương đã tạo lập cơ sở vững chắc giúp các làng du lịch đạt được những kết quả hết sức khả quan.
Các giá trị văn hóa, làng quê Triêm Tây đã được phục hồi xây dựng thành những sản phẩm du lịch phục vụ khách. Ảnh: VĨNH LỘC |
Nổi bật, có thể kể đến làng du lịch cộng đồng Triêm Tây. Từ khi triển khai dự án (tháng 10.2015), thông qua những khóa tập huấn, hướng dẫn của 2 tổ chức quốc tế ILO, UNESCO, người dân dần tiếp cận được kiến thức về cách làm du lịch và xây dựng sản phẩm dịch vụ. Cùng với đó, nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng như thành lập hợp tác xã nông nghiệp du lịch, tổ chức cuộc thi hàng rào xanh, mở lớp học ngoại ngữ, khôi phục các làn điệu dân ca… cũng được triển khai đồng bộ. Những con đường làng trở nên sạch đẹp, khang trang hơn; người dân đã biết biến các nguồn lực sẵn có thành những sản phẩm du lịch phục vụ khách. Đến nay, tuy chưa đi vào hoạt động chính thức nhưng Triêm Tây đã trở thành địa chỉ quen thuộc trên bản đồ du lịch Quảng Nam. Thống kê trong 9 tháng đầu năm nay đã có hơn 5.000 lượt khách ghé thăm làng Triêm Tây, doanh thu đạt 400 triệu đồng, lợi nhuận trích lại cho hợp tác xã hơn 20 triệu đồng.
Ngoài Triêm Tây, một số mô hình du lịch cộng đồng khác như Đhrôồng, Bhơ Hôồng hay mô hình “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” tại xã Ta Bhing… cũng bắt đầu gặt hái được những kết quả khả quan về doanh thu và hiệu ứng xã hội. Đây cũng là cơ sở cho các nơi như Đại Bình (Nông Sơn); Kỳ Anh (xã Tam Thăng, Tam Kỳ); Gò Nổi, Hà Quảng Bắc (Điện Bàn), An Mỹ, Cẩm Thanh (Hội An)… xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng. Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, du lịch cộng đồng đang là xu thế hiện nay của nhiều địa phương nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao vai trò chủ thể của người dân thông qua sự chia sẻ lợi ích công bằng với doanh nghiệp. “Du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế bền vững hiện nay. Thông qua mô hình du lịch này sẽ đáp ứng được nhu cầu khám phá văn hóa của một bộ phận du khách, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, giúp họ có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan tự nhiên và những giá trị văn hóa truyền thống để phục vụ du lịch” - ông Cường nói.
------------
Bài 2: Xung đột lợi ích
THÂN VĨNH LỘC