Được mất du lịch cộng đồng - Bài cuối: Khi cộng đồng trách nhiệm

THÂN VĨNH LỘC 10/10/2016 09:06

Bức tranh du lịch cộng đồng ở Quảng Nam đã xuất hiện nhiều cách làm riêng trong việc tạo ra thu nhập, thay đổi sinh kế người dân, nhất là huy động được cộng đồng trách nhiệm từ các cấp ngành địa phương, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp du lịch.

  • Được mất du lịch cộng đồng - Bài 2: Xung đột lợi ích
  • Được mất du lịch cộng đồng - Bài 1: Khai thác lợi thế bản địa
Sản phẩm dệt thổ cẩm Zara được tiêu thụ mạnh nhờ du lịch. Ảnh: VĨNH LỘC
Sản phẩm dệt thổ cẩm Zara được tiêu thụ mạnh nhờ du lịch. Ảnh: VĨNH LỘC

Tập trung nhiều nguồn lực

Thực tế cho thấy, nơi nào có sự quan tâm của chính quyền địa phương thì du lịch cộng đồng nơi đó sẽ phát triển ổn định. Và đây cũng là kinh nghiệm hay cho các dự án du lịch sắp hoặc đang triển khai hiện nay. Điển hình, tại làng du lịch cộng đồng Triêm Tây, sự cộng đồng trách nhiệm thể hiện khá rõ khi ngay từ đầu dự án đã “lôi kéo” được gần 10 đơn vị, phòng ban của thị xã cùng tham gia gồm Trung tâm VH-TT; Phòng VH-TT; Phòng Kinh tế; Phòng Tài nguyên - môi trường; Phòng Quản lý đô thị, Phòng LĐ-TB&XH; UBND xã Điện Phương… với tổng kinh phí khoảng 6 tỷ đồng. Trong đó, ngoài đóng góp của người dân (gần 120 triệu đồng) và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế (2,45 tỷ đồng) số tiền còn lại (khoảng 3,3 tỷ đồng) chủ yếu được huy động, điều chuyển từ các nguồn liên quan như đề án phát triển du lịch của huyện; xây dựng nông thôn mới; nguồn đào tạo nghề, phát triển việc làm… “Thị xã khuyến khích các ngành phải có trách nhiệm chung với Triêm Tây thông qua việc tận dụng các nguồn kinh phí phát triển sự nghiệp của mỗi đơn vị như tài nguyên môi trường, kinh tế hạ tầng, nông nghiệp phát triển nông thôn…” - ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết. Đây cũng là nét khác biệt của Triêm Tây so với nhiều địa phương khác ở Quảng Nam khi triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, việc thành lập tổ thông tin xúc tiến du lịch với cán bộ chuyên trách cũng hoàn toàn mới mẻ. Nhờ đó, nhiều nguồn lực và hạng mục công việc của dự án đã được triển khai vận hành tốt, nhất là công tác lập kế hoạch, quảng bá, truyền thông; phối hợp, định hướng xây dựng sản phẩm cho cộng đồng, kể cả khi dự án đã kết thúc. Kết quả, hình ảnh Triêm Tây dường như “tràn ngập” trên các phương tiện thông tin, báo chí, điều mà nhiều làng du lịch cộng đồng khác trong tỉnh hiện vẫn chưa làm được.

Một mô hình du lịch cộng đồng khác cũng gây nhiều chú ý là “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” do UBND huyện Nam Giang phối hợp với Tổ chức Cứu trợ quốc tế Nhật Bản (FIDR) triển khai tại xã Ta Bhing từ tháng 4.2012. Cũng giống Triêm Tây, việc huy động các phòng, ban của huyện cùng tham gia đã giúp nâng cao vai trò và trách nhiệm của mỗi thành viên cụ thể hơn. Điển hình như Ban Quản lý dự án gồm Phòng Kinh tế - hạ tầng, Phòng VH-TT, Công an, Phòng Y tế huyện…; thành lập các nhóm công tác đảm trách nhiệm vụ vệ sinh cộng đồng, an ninh, môi trường, quảng bá xúc tiến, giám sát; ban thực hiện gồm các bộ phận cấp xã nhằm hỗ trợ cộng đồng, phát triển sản phẩm du lịch và điều hành tour, làm cầu nối giữa công ty du lịch và cộng đồng; hay nhóm sáng kiến cộng đồng được thành lập từ chính sáng kiến của cộng đồng về việc họ muốn giới thiệu gì cho khách như nhóm trình diễn múa Cơ Tu, nhóm nấu ăn, nhóm dệt, nhóm đan lát, nhóm đời sống Cơ Tu… Ngoài ra, nhằm hạn chế những tác động từ bên ngoài, dự án cũng quy định tour chỉ đi về trong ngày. Số lượng khách đăng ký phải ít nhất 6 người để giữ gìn cuộc sống yên bình, giảm thiểu những tác động tiêu cực từ du khách vào môi trường văn hóa, xã hội của đồng bào, đồng thời cũng giúp cộng cộng đón tiếp khách chu đáo và dễ kiểm soát hơn so với đón khách lẻ.

Hướng đến sự phát triển bền vững

Có thể khẳng định, mô hình du lịch cộng đồng là hướng đi hiệu quả và phù hợp hiện nay nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, nhất là những hộ dân vùng sâu và xa trong đất liền. Tại làng Zara (Ta Bhing, Nam Giang), thông qua các hoạt động du lịch và sự trợ giúp của FIDR, nghề dệt thổ cẩm truyền thống Zara đã được phục hồi, phát triển, giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 20 phụ nữ trong làng với thu nhập bình quân mỗi tháng 1,2 triệu đồng/người. Khách đến tham quan làng không chỉ trải nghiệm các giá trị văn hóa đồng bào mà còn có cơ hội mua sắm những mặt hàng thủ công truyền thống thổ cẩm Cơ Tu. Qua 5 năm hoạt động, gần 6.500 sản phẩm thổ cẩm Zara đã được bán ra thị trường trong và ngoài nước, doanh thu hơn 850 triệu đồng. Đặc biệt, tính đến tháng 9.2016, xã Ta Bhing đã đón khoảng 1.800 khách, chủ yếu đi về trong ngày, tổng doanh thu hơn 900 triệu đồng, trích lại cho cộng đồng gần 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, thành công hơn cả phải kể đến mô hình làng du lịch cộng đồng thôn Đhrôồng (Tà Lu, Đông Giang), nơi du lịch đã góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng và tăng cường vai trò của phụ nữ trong gia đình qua việc có thêm thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm. Từ năm 2013 đến nay, dưới sự hỗ trợ của ILO, 18 mẫu mã, thiết kế, kiểu dáng mới về sản phẩm dệt thổ cẩm đã được áp dụng; nhiều trang thiết bị, xây dựng nhà sản xuất, nhà trưng bày sản phẩm… đã được đầu tư, góp phần giúp nghề dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng phục hồi phát triển, tạo điều kiện cho 28 phụ nữ trong làng có việc làm với thu nhập bình quân mỗi tháng 1 triệu đồng/người. Đặc biệt, từ sự giúp đỡ của 2 nhà thiết kế Aldegonde Van Alsenoy (Bỉ) và Nele De Block (Bồ Đào Nha), bộ sưu tập thời trang CO’TU,RE, bao gồm các sản phẩm thổ cẩm Cơ Tu thôn Đhrôồng bước đầu đã tiếp cận được thị trường châu Âu thông qua một cuộc triển lãm thời trang tại Bỉ vào tháng 5.2015, mở ra cơ hội và truyền cảm hứng cho nghề truyền thống các làng du lịch cộng đồng Quảng Nam vươn ra thế giới trong thời gian tới.

Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, hiện Quảng Nam có  nhiều mô hình du lịch cộng đồng nên sẽ không có một khuôn mẫu nhất định. Dù vậy, mục tiêu cuối cùng của tất cả làng du lịch cộng đồng vẫn là thay đổi cuộc sống người dân theo hướng tích cực. “Có thể thời gian qua ở một vài nơi vẫn còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc nhất định nhưng không phủ nhận mô hình du lịch cộng đồng bước đầu đã đáp ứng được những yêu cầu về phát triển bền vững. Sắp đến sở sẽ có một nghiên cứu tổng kết về các mô hình du lịch cộng đồng ở Quảng Nam, qua đó tạo cơ sở nâng cao hơn nữa tính hiệu quả và chất lượng điểm đến cho cộng đồng và du khách” - ông Hài nói.

THÂN VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Được mất du lịch cộng đồng - Bài cuối: Khi cộng đồng trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO