(ĐS 21/6) - Những năm gần đây du lịch Quảng Nam liên tiếp được vinh danh, ghi nhận ở nhiều giải thưởng, hạng mục. Đây là động lực để phát triển thương hiệu du lịch địa phương nhưng cũng cần tỉnh táo để phát triển điểm đến bền vững.
“Bội thu” danh hiệu
Trong tương quan các điểm đến trên toàn quốc, có thể nói Quảng Nam là địa phương nằm trong tốp đầu về việc thường xuyên được ghi nhận, xướng tên ở các hạng mục giải thưởng của quốc tế nhờ vào hạt nhân đô thị cổ Hội An.
Trong đó có nhiều giải thưởng danh giá có thể kể đến như: Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á trong các năm 2019, 2021, 2022 thuộc Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards - vốn được xem như “Oscar của ngành du lịch”) hay top 10, top 15, top 25 thành phố tuyệt vời nhất châu Á và thế giới theo Tạp chí du lịch Travel & Leisure liên tiếp trong giai đoạn 2018 đến nay…
Bên cạnh đó, Hội An với vẻ đẹp khác biệt, không trùng lắp trên bản đồ du lịch quốc gia những năm qua cũng được vinh danh ở nhiều hạng mục, góc nhìn du lịch mới mẻ như: Top 10 thành phố hiếu khách nhất thế giới theo giải thưởng thường niên Traveller Review Awards của booking.com, Top 10 điểm đến sở hữu vẻ đẹp vượt thời gian theo The Travel (Canada), Top 10 điểm du lịch không có ô tô đẹp nhất thế giới theo Traveller... Nhiều cơ sở lưu trú, điểm tham quan trên địa bàn TP.Hội An cũng thường xuyên gặt hái được vinh dự ở các giải thưởng du lịch danh giá trên thế giới.
Với chủ trương lan tỏa không gian phát triển du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, một số điểm đến khác trên địa bàn tỉnh cũng đã được ghi nhận bằng các danh hiệu.
Có thể kể đến giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN cho làng du lịch cộng đồng Triêm Tây năm 2017, làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu (Nam Giang) năm 2019 và cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành (phường Cẩm An, Hội An) năm 2023. Mới đây, Quảng Nam cũng đã được chuyên trang du lịch Wanderlust (Anh) vinh danh là một trong 4 điểm đến bền vững hàng đầu châu Á năm 2023.
Một phần nhờ vào các giải thưởng hay xếp hạng của quốc tế, du lịch Quảng Nam từ chỗ đi sau đã lọt vào top 5 tỉnh thành đón khách quốc tế nhiều nhất Việt Nam. Năm 2019, Quảng Nam đón hơn 4,6 triệu lượt khách quốc tế, chỉ xếp sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Quảng Ninh.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL, với quan điểm “phát triển để bảo tồn và bảo tồn để phát triển”, những năm qua du lịch Quảng Nam đã được sự ghi nhận, đánh giá cao từ các tổ chức, giải thưởng quốc tế. Các giải thưởng này vừa nâng cao nhận diện thương hiệu du lịch Quảng Nam với du khách và cũng tiếp thêm động lực để các chủ thể làm du lịch tại địa phương kiên trì với định hướng phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững.
Ngẫm từ những danh hiệu
Với định hướng phát triển du lịch bền vững, đôi khi việc được xướng tên trong các top điểm đến chưa hẳn đã là điều mong muốn với những người làm du lịch. Đơn cử như Hội An đã được liệt kê vào danh sách 10 điểm đến du lịch có chi phí thấp nhất thế giới năm 2021 hay việc nằm trong top 17 điểm nghỉ dưỡng có giá ăn uống rẻ nhất thế giới theo Post Office Travel Money… Đáng báo động khi năm 2022, Hội An đã tăng đến 7 bậc trên bảng xếp hạng này để dẫn đầu danh sách 10 điểm du lịch giá rẻ nhất thế giới đối với du khách Anh.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, việc Hội An được xướng tên trong những top điểm đến giá rẻ vô tình lợi bất cập hại, cổ xúy cho việc phát triển đô thị di sản này trở thành một điểm đến vệ tinh, giá rẻ.
Từ khoảng năm 2015 trở lại đây không gian khu phố cổ Hội An đã rất chật chội khiến du khách khó lòng thưởng thức vẻ đẹp di sản. Vì vậy thành phố phải tìm giải pháp hướng đến việc giữ chân các dòng khách truyền thống, thu hút thêm phân khúc khách chi tiêu cao chứ không thể cứ để xô bồ như hiện nay.
Ở một khía cạnh khác, những người làm du lịch cho rằng việc được vinh danh ở một số giải thưởng du lịch quốc tế không quá khó mà điều cần làm là phát huy được giá trị điểm đến khi nó đã được vinh danh.
Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây là một điển hình đáng trăn trở bởi từ khi được trao giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN năm 2017 điểm đến này dần rơi vào suy thoái và vẫn chưa thể khởi sắc trở lại. Hay biển Hà My (Điện Bàn), từng được tờ báo Telegraph (Anh) xếp vào top 16 bãi biển đẹp nhất châu Á nhưng đến nay vẫn loay hoay trong việc thu hút khách.
Trở lại với một chứng nhận “cây nhà lá vườn” trong hành trình phát triển du lịch xanh của địa phương là Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam. Dù đã được tham khảo từ rất nhiều bộ tiêu chí du lịch xanh thế giới và có sự hỗ trợ tư vấn kỹ thuật của Chương trình phát triển du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP) nhưng hiệu quả bước đầu thu được đến nay vẫn là dấu hỏi với phía doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Hà - Tổng Quản lý Công viên Ấn tượng Hội An cho biết, mấy năm qua đơn vị đã được một số giải thưởng ấn tượng, nhất là “Điểm đến giải trí hàng đầu thế giới năm 2022” của World Travel Awards. Điều này mang lại hiệu quả quảng bá điểm đến, thương hiệu rõ rệt để thu hút khách.
“Điều chúng tôi chờ đợi khi tham gia đăng ký thẩm định chứng nhận Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam là hiệu quả thực tế thu được. Do đó rất cần các bên liên quan tiếp tục xúc tiến, thúc đẩy nâng tầm tiếng vang của Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam” - ông Hà nói.