Lòn bon năm nay tiếp tục được mùa, người dân huyện miền núi Đông Giang lại có thêm thu nhập từ loại trái cây này.
Những ngày này, người dân sống dọc theo tuyến quốc lộ 14G thuộc địa phận huyện miền núi Đông Giang bày bán rất nhiều lòn bon mời khách qua đường. Lòn bon hay còn gọi là trái nam trân, được xem là loại trái cây đặc sản của vùng đất Quảng Nam, trong đó nhiều nhất ở các huyện Tiên Phước, Đông Giang và Nam Giang. Tùy theo lòn bon của từng vùng mà giá cả có sự chênh lệch khác nhau. Tại huyện Đông Giang, trung bình bán tại chỗ với giá 12 - 15 nghìn đồng/kg. Nhằm từng bước nâng cao chất lượng trái lòn bon tại địa phương, chính quyền huyện Đông Giang đang tập trung triển khai đề án cải tạo và nâng cao chất lượng của “cây bản địa” này.
Người dân Đông Giang lựa bán lòn bon cho các tiểu thương. |
Theo anh Tacooi Tốt ở thôn Bồn Gliêng, xã Kà Dăng, do quả ngọt lại mọng nước nên hàng năm lòn bon được trồng ở địa phương luôn thu hút nhiều tiểu thương lân cận tìm mua. Vì thế, mùa thu hoạch lòn bon hàng năm, nhiều gia đình có thu nhập khoảng từ vài triệu lên đến vài chục triệu đồng, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập đáng kể cho bà con. “Mấy năm trước, sau mùa thu hoạch lòn bon, có nhà mua được cả chiếc xe máy đắt tiền. Lòn bon bây giờ trở thành nguồn thu nhập của người dân miền núi” - anh Tốt nói. Ông Alăng Đàn ở thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn cho hay, trước đây lòn bon chủ yếu mọc hoang trên rừng, sau này được người dân chăm sóc. “Lòn bon ngày xưa cũng được xem là vật phẩm quý được đồng bào Cơ Tu mang biếu nhau, nhất là giữa hai bên họ hàng sui gia, người thân, bạn bè” - ông Đàn cho biết thêm. Do giá trị kinh tế cao nên ngày nay cây lòn bon đang được bà con nhân rộng tại các địa phương.
Tại địa bàn các xã Sông Kôn, Jơ Ngây… những ngày này người dân tranh thủ thu hoạch lòn bon bán cho các thương lái. Nhờ lòn bon được mùa nên nhiều gia đình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, cũng như chăm lo cho việc học tập của con em mình.
ĐĂNG NGUYÊN