Được mùa lòn bon

LĂNG A CÚI 26/08/2013 08:53

Sau nhiều năm mất mùa, năm nay người dân xứ Quảng lại đón niềm vui khi lòn bon được mùa, được giá.

Quà của rừng

Con đường huyết mạch đi lên 2 huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang mùa này xuất hiện những điểm thu mua, bày bán trái lòn bon cho du khách. Năm nay, lòn bon được mùa, đồng bào vùng cao lại có thêm khoản thu nhập, trang trải cuộc sống. Em Alăng Pớc ở thôn Sơn (xã Sông Kôn, Đông Giang) ngày nào cũng theo cha đi hái lòn bon đem về bán. Vườn lòn bon cách nhà chừng nửa cây số, nằm phía bên kia sông R’lang. Thành quả sau mỗi chuyến đi của cha con Pớc là những bao tải lòn bon chín vàng, bán lấy tiền trang trải cuộc sống gia đình. “Năm ni lòn bon ra trái nhiều, ngày nào cũng đi hái miết, thích lắm!” - Pớc hồn nhiên chia sẻ.

Niềm vui của nông dân khi lòn bon được mùa. Ảnh: LĂNG A CÚI
Niềm vui của nông dân khi lòn bon được mùa. Ảnh: LĂNG A CÚI

Ở huyện Đông Giang, lòn bon nhiều nhất ở các xã Sông Kôn, Jơ Ngây và Kà Dăng với hàng chục khu vườn nằm rải rác trong rừng sâu. Ngoài vườn lòn bon theo từng hộ, còn có vườn lòn bon chung của cả làng. Đến mùa, mỗi nhà cử người cùng đại diện của làng lên rừng thu hoạch rồi đem về chia hoặc bán, sau đó mang tiền về cho làng chia đều từng hộ dân. Đồng bào Cơ Tu gọi trái lòn bon là P’le T’boon. Họ xem lòn bon là “cây bản địa”, như món quà của núi rừng ban tặng, do vậy mỗi năm đến mùa, người dân thường đem biếu cả gùi cho người thân, họ hàng gần xa. Nhiều cụ cao niên người Cơ Tu cho hay, họ không biết cây lòn bon có từ khi nào, chỉ biết rằng khi các cụ sinh ra đã thấy có loại trái cây này rồi. Ông Ta Cooi Tá (78 tuổi, ở xã Kà Dăng, Đông Giang) cho biết: “Ngày xưa, cứ sau mùa rẫy khắp vùng đều thấy lòn bon chín rộ. Khi đó lòn bon chưa ai bán nên chỉ hái về ăn và tặng nhau thôi”.

Trong ký ức của nhiều trẻ em Cơ Tu, mùa lòn bon bao giờ cũng được tính theo mùa… Tết Trung thu. Bởi vậy, mỗi khi đoàn múa lân về, hầu như nhà nào cũng đều treo lủng lẳng vài chùm lòn bon trước cửa, đợi “ông lân”. Trái lòn bon vì thế trở thành món quà duy nhất mà đồng bào dành tặng cho đoàn lân. “Lúc nhỏ, hễ có đoàn lân về thôn, lũ trẻ chúng tôi thường mang ra từng chùm lòn bon treo trước cửa, háo hức nhìn ông lân trổ tài” - anh Tui, một người dân ở xã Sông Kôn kể lại.

Thu nhập khá

Lòn bon Tiên Phước mất mùa
Trong khi người dân ở các huyện Đông Giang, Nam Giang phấn khởi vì năm nay lòn bon được mùa thì ở Tiên Phước lại mất mùa lòn bon. Trao đổi với P.V Báo Quảng Nam qua điện thoại, ông Đinh Thương - Trưởng phòng NN&PTNN huyện Tiên Phước cho hay, theo đánh giá chung năm nay lòn bon Tiên Phước đang mất mùa do chịu ảnh hưởng của đợt nắng nóng kéo dài suốt nhiều tháng qua. “Cùng thời điểm mọi năm, khoảng giữa tháng 8 lòn bon đã được thu hoạch. Nhưng năm nay vì nắng hạn kéo dài nên lòn bon không ra trái. Nhiều vùng bây giờ cây lòn bon mới trổ hoa nhưng cũng rất ít” - ông Thương nói.

Những năm gần đây, trái lòn bon là một trong những loại nông sản đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân vùng cao. Ngoài các địa phương được xem như “thủ phủ” của lòn bon xứ Quảng như Tiên Phước, Đại Lộc, ở Đông Giang và Nam Giang lòn bon cũng là thế mạnh giúp phát triển kinh tế cho các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Tại các xã Sông Kôn, Jơ Ngây và Kà Dăng (Đông Giang); Cà Dy, Tà Bhing, thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang), mùa này lòn bon khá nhiều, được bày bán dọc các ngả đường về bản. Tại huyện Đông Giang, hiện mỗi ký lòn bon được bán với giá tại chỗ từ 12 - 15 nghìn đồng. Riêng các vùng Cà Dy, Tà Bhing của huyện Nam Giang, lòn bon có giá 30 nghìn đồng/kg, được bán tại các điểm dọc tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện.

Theo anh Ta Cooi Chiến, người dân ở thôn G’liêng (xã Kà Dăng), năm nay do lòn bon được mùa nên xảy ra tình trạng tiểu thương ép giá. Đến ngày 22.8, giá lòn bon từ 15 nghìn đồng/kg rớt xuống còn 10 nghìn đồng/kg. Cũng theo anh Chiến, mỗi ngày có hàng chục tiểu thương từ Đại Lộc tìm mua lòn bon đưa về xuôi tiêu thụ. Ông Phan Hữu Thành - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Giang cho biết, năm nay lòn bon ở huyện Đông Giang được mùa hơn so với các năm trước đây. Do đặc thù là cây tự nhiên nên lòn bon Đông Giang có gốc to và thường cho ra trái nhiều. Trung bình mỗi mùa, một hộ dân thu về khoảng 10 triệu đồng, cá biệt ở một số vùng như thôn Phú Mưa, thôn Ngật (xã Jơ Ngây) và một số thôn của xã Kà Dăng, một số hộ dân đạt từ 50 - 60 triệu đồng/mùa thu hoạch lòn bon. “Tuy nhiên, so với một số vùng khác trong tỉnh, lòn bon ở Đông Giang còn to hạt, chất lượng chưa cao. Hiện chúng tôi đang tập trung triển khai đề án cải tạo chất lượng trái cây lòn bon nhằm có hướng nâng cao chất lượng và đảm bảo hiệu quả giá trị kinh tế của cây lòn bon.” - ông Thành cho biết thêm.

LĂNG A CÚI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Được mùa lòn bon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO