Được mùa mất giá

TƯ RUỘNG 20/09/2016 08:45

Anh Tám Lạc Thành ở xã Điện Hồng (thị xã Điện Bàn) cho biết, hè thu năm nay gia đình anh canh tác 7 sào ruộng bằng duy nhất loại giống lúa thuần BC15. Hơn 3 tháng qua, nhờ nước tưới không thiếu hụt, quản lý dịch hại tổng hợp nên toàn bộ số diện tích vừa nêu đều sinh trưởng và phát triển tốt. Hồi đầu tháng 9 dương lịch này, tiến hành thu hoạch rộ, anh Tám hết sức phấn khởi vì lúa rất trúng mùa. Theo đó, bình quân mỗi sào thu được 300kg khô, tăng 40kg so với cùng vụ sản xuất năm trước. Lúa vừa phơi xong thì cũng là lúc 3 đứa con đến trường dự lễ khai giảng năm học 2016-2017 nên cần tiền nộp học phí, đóng các loại bảo hiểm cùng nhiều khoản linh tinh khác với tổng cộng xấp xỉ 3 triệu đồng. Bò mới thả nuôi, heo nái trong chuồng chưa đẻ, bầy gà ngoài vườn cũng vừa choai choai nên vợ chồng anh Tám chẳng biết lấy thứ gì bán để có tiền cho con nộp học.

Dù rất được mùa nhưng nhà nông không vui vì giá lúa và nếp đang tụt giảm mạnh. Ảnh: T.R
Dù rất được mùa nhưng nhà nông không vui vì giá lúa và nếp đang tụt giảm mạnh. Ảnh: T.R

Cuối cùng, họ phải ngó tới những bao lúa chất nơi góc nhà. Anh Tám than phiền: “Mùa này, nhờ năng suất cao nên tổng sản lượng lúa gia đình tui thu về từ 7 sào ruộng đạt ít nhất 2,1 tấn. Cách đây vài ngày, tui kêu tư thương đến nhà cân bán bớt 1 tấn lúa để lấy tiền lo chuyện học hành cho mấy đứa con, đi đám đình và trả các khoản nợ mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Còn lại 1,1 tấn thì đổ ghè để dành xay gạo ăn chứ sau vụ hè thu ni thì phải đợi 7 tháng nữa mới có lúa đông xuân. Nhưng khi mình cần tiền phải xúc lúa bán thì giá lại tụt giảm mạnh. Hồi giữa tháng 8, khi chưa tiến hành thu hoạch, 1kg lúa thương phẩm BC15 trên thị trường có giá 6.000 đồng. Còn bây giờ, tư thương chỉ trả mua với mức 5.000 đồng/kg. Nói thật với Tư, đối với nhà nông, kiếm được hạt lúa chua hơn giấm. Vậy mà chừ bán 1 tấn lúa mất 1 triệu đồng, xót dạ lắm”.

Trên đường vào lại Tam Kỳ, Tư tôi tranh thủ ghé thăm vợ chồng chị Sáu Liễu Trì ở xã Bình Nguyên (Thăng Bình). Vừa hỏi đến chuyện mùa màng, người phụ nữ ngoài 50 tuổi ấy liền buông một tiếng thở dài: “Hè thu năm trước tui sản xuất 5 sào nếp bi, thu về 1,6 tấn nếp khô, bán ngay tại nhà với giá 6.500 đồng/kg thì kiếm được tổng cộng 10,4 triệu đồng. Vụ này, ngần đó diện tích cũng cho sản lượng tương đương năm ngoái nhưng do giá nếp bi thương phẩm giảm xuống còn 5.500 đồng/kg nên tổng thu nhập chỉ đạt 8,8 triệu đồng. Trong thời buổi đời sống kinh tế như hiện nay thì mất 1,6 triệu đồng là số tiền không hề nhỏ đối với những người nông dân tay lấm chân bùn đấy chú Tư”.

Nghe chuyện, chú Hai Khuyến Nông chậc lưỡi: “Ở xứ Quảng mình, khoảng 80% dân số là nông dân và cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào đám lúa, vạt nếp. Chính vì thế, cứ sau mỗi mùa thu hoạch, nhà nông phải bán đi 60 - 70% sản lượng để lấy tiền cho con cái học hành, mua thức ăn, trả các khoản nợ mua vật tư sản xuất và lo bao chuyện phải không khác. Bây giờ, khi vụ gặt kết thúc, lúa và nếp thương phẩm rớt giá mạnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của hàng chục nghìn hộ dân. Chẳng biết đến khi nào cái cảnh được mùa mất giá mới thôi đeo bám nhà nông?”. Thấy Tư tôi trầm ngâm, chú Hai nói tiếp: “Hỏi thì hỏi vậy thôi chứ tui nghĩ bài toán hóc búa về đầu ra của nông sản sẽ không dễ gì tìm được lời giải căn cơ nếu nông dân phải tiếp tục “tự bơi” trong cơ chế thị trường quá khốc liệt này”.

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Được mùa mất giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO