Được mùa sách

BẢO ANH 26/11/2023 10:20

Với việc có tới 30 bản thảo được Hội đồng thẩm định hỗ trợ sáng tạo, phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam năm 2023 chọn và đề xuất UBND tỉnh công nhận, hỗ trợ kinh phí xuất bản, từ nay đến cuối năm, Quảng Nam sẽ có một mùa sách bội thu.

Ba cuốn sách đầu tiên tham gia chính sách hỗ trợ sáng tạo, công bố tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam năm 2023 sắp được xuất bản.
Ba cuốn sách đầu tiên tham gia chính sách hỗ trợ sáng tạo, công bố tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam năm 2023 sắp được xuất bản.

Góp chữ cho quê nhà

Chính sách hỗ trợ sáng tạo, phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2025 được UBND tỉnh ban hành tháng 4/2017, đến nay đã thực hiện được 4 đợt (vào các năm 2017, 2019, 2021 và 2023). Trong đó, đợt xét hỗ trợ của năm 2023 có số lượng tác phẩm “ứng thí” cao nhất: 40 tác phẩm (bản thảo).

Bà Võ Thị Thanh Vân - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT&DL - cơ quan thường trực theo dõi việc thực hiện chính sách này) cho biết, trong đợt xét hỗ trợ năm nay, đơn vị đã nhận được nhiều cuộc điện thoại của các tác giả trong và ngoài tỉnh hỏi thêm thông tin về tiêu chí, thể thức, quy trình... xét hỗ trợ và bày tỏ mong được tham gia. Thậm chí, một số tác giả cho biết là họ sẽ tạm hoãn kế hoạch in sách, thay vào đó gửi bản thảo dự xét theo chính sách hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam.

Nhà thơ Nguyễn Kim Thịnh, hội viên Hội VHNT tỉnh, cho biết anh gửi bản thảo dự xét chính sách hỗ trợ của tỉnh lần này trước hết là muốn tác phẩm của mình được thẩm định, đánh giá bởi hội đồng chuyên môn của tỉnh để có thêm bài học quý cho công việc sáng tác. Đồng thời đây cũng là một cách để đóng góp cho văn học quê nhà... Còn tác giả Hồ Loan, lần đầu gửi tác phẩm dự xét hỗ trợ, cho biết mong muốn lớn nhất của chị là tác phẩm của mình được ghi nhận và lan tỏa ngay tại quê hương.

Từ TP.Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Như Hiền - một cây bút trẻ quê Nông Sơn, cho biết chính sách hỗ trợ sáng tạo của Quảng Nam như là một nhịp cầu đẹp và vững chắc giúp chị tìm về với quê nhà.

Chị tâm sự: “Tôi xa quê đã gần 15 năm. Hầu hết truyện ngắn, tạp bút của tôi đều mang nỗi nhớ quê, gắn liền với ruộng đồng, quê hương và con người Quảng Nam. Tôi thật sự hạnh phúc khi có cơ hội trở về và đưa được đứa con tinh thần - cũng là một phần ký ức, tâm hồn, tình cảm của tôi với quê hương, đến với đông đảo bạn đọc...”.

Mùa sách bội thu

Với việc có tới 30 bản thảo được Hội đồng thẩm định chọn và đề xuất UBND tỉnh công nhận, hỗ trợ kinh phí xuất bản (trong đó có 23 bản thảo của các tác giả đang sinh sống tại Quảng Nam), từ nay đến cuối năm, Quảng Nam sẽ có một mùa sách bội thu. Không chỉ cùng lúc có nhiều đầu sách ra đời, mùa sách này còn sẽ rất phong phú, đa dạng khi vừa có thơ, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, bút ký... vừa có sưu tầm, khảo cứu văn hóa - văn nghệ dân gian, nghiên cứu - lý luận phê bình văn học nghệ thuật, chân dung nhân vật... Đặc biệt, với việc được thẩm định kỹ lưỡng, trong đó chú trọng giá trị tư tưởng và “tính Quảng” trong tác phẩm, loạt sách này chắc chắn sẽ có độ tin cậy và đảm bảo về chất lượng.

Tiếp tục theo đuổi đề tài chiến tranh cách mạng, lần này nhà văn Hồ Duy Lệ tham gia bằng tập bút ký “Lấp lánh nguồn sử xanh”, với một loạt câu chuyện cảm động về thời kỳ đau thương mà hào hùng của quân và dân Quảng Nam trong công cuộc chống Mỹ cứu nước.

Một tác giả khác - Nguyễn Vĩnh, cũng đi ra từ chiến tranh, nhưng chỉ mới bắt đầu sáng tác trong khoảng 10 năm trở lại đây, thì bày biện tâm hồn mình qua một thế giới thi ảnh phong phú, đa dạng trong tập thơ “Mật ngôn của hạt mưa”.

Hay trong tập truyện “Như mây lang thang”, từ những câu chuyện đời thường dung dị, gần gũi với không ít ngọt ngào và cay đắng, hạnh phúc và đau khổ, yêu thương và thù hận... tác giả Nguyễn Bá Hòa đã “dựng” thành truyện với những thông điệp có ý nghĩa.

Là Nguyễn Tấn Ái với giọng văn cá tính, thô ráp, góc cạnh trong tập truyện “Bắt ốc hái rau”. Đây là một tập truyện phong phú về đề tài và ở mỗi đề tài, mỗi câu chuyện, sự việc trong mỗi truyện, tác giả đều có lối viết, cách dẫn chuyện riêng...

Với loạt sách sắp được xuất bản từ chính sách hỗ trợ sáng tạo, phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam năm 2023, có thể hình dung được phần nào diện mạo văn chương xứ Quảng hiện nay.

Đó là Đỗ Thượng Thế, một gương mặt rất quen thuộc của thơ Quảng, lần này vẫn tiếp tục thể hiện sự mới mẻ qua ở tập thơ “Trên lá sâu vẽ bùa”. Tác giả Hồ Loan - lần đầu tiên gửi tác phẩm dự xét chính sách hỗ trợ của tỉnh, đã thể hiện được sự sắc sảo riêng qua tập truyện “Hài mặt quỷ”.

Là Phan Văn Hiển, tỉnh táo, cẩn trọng và sâu sắc trong từng câu chuyện về các làng nghề, di sản văn hóa ở Quảng Nam qua tập bút ký “Ký ức gốm”. Nguyễn Thành chừng mực, khoan hòa trong từng câu văn để làm nên sự ngưng lắng, xúc động trong tập truyện “Mắt rừng”. Đó là Hồ Xoa, một cây bút “cũ” nhưng tập thơ “Khúc cho lá” thì khá “mới”, kiệm lời, cô đọng, sắc sảo; trong đó có nhiều bài được viết theo dạng thức một kiểu thơ đương đại phương Tây...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Được mùa sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO