Được và mất khi đồng Nhân dân tệ bị phá giá

NAM VIỆT 14/08/2015 10:33

Nhiều trang báo quốc tế đồng loạt đăng tải các bài viết phân tích của các chuyên gia kinh tế về “được - mất” khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT).

Thị trường tài chính thế giới rúng động khi Trung Quốc đột ngột phá giá đồng NDT liên tiếp trong hai ngày 10 và 11.8 vừa qua. Hiện 1USD đổi được tương đương 6.3306 NDT, so với mức 6.1162 trước đây.
Theo các chuyên gia phân tích, động thái này diễn ra ngay sau khi thị trường tài chính Trung Quốc lao dốc kỷ lục trong thời gian gần đây cộng với đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế sau nhiều năm phát triển “nóng”. Khẳng định của chuyên gia phân tích tiền tệ Philippe Gelis được đăng trên truyền thông Anh và Mỹ rằng, việc Trung Quốc nhanh chóng quay ngoắt trở lại trong chính sách tiền tệ cho thấy tình hình kinh tế của Trung Quốc đang tới điểm cấp bách và nước này đã lựa chọn “một cuộc chiến tiền tệ rõ ràng”.

Tờ Bloomberg cho hay, thiệt hại được ghi nhận là tại các công ty bất động sản và các phương tiện chính quyền địa phương đi thuê mua, ngành hàng không tại Trung Quốc, trong khoản nợ với ngoại tệ là đồng USD. Khi đồng NDT hạ giá, các con nợ phải chi nhiều đồng NDT hơn để đổi qua USD, trả theo lãi suất. Ngành hàng không thêm nhiều tiền NDT để mua nhiên liệu bằng đồng USD, gây giảm thu nhập của ngành. Như Hãng hàng không China Southern thông báo kinh doanh của hãng đã giảm 18%, mức thấp nhất kể từ năm 2001. Cứ một đồng NDT mất giá 1% thì doanh thu của hãng giảm tương đương 767 triệu NDT (170 triệu USD).

Đồng NDT mất giá mạnh nhất kể từ 2 thập kỷ qua. (Ảnh: Japantimes)
Đồng NDT mất giá mạnh nhất kể từ 2 thập kỷ qua. (Ảnh: Japantimes)

Tương tự là các nhà xuất khẩu hàng vào Trung Quốc. Một trong những đối tác thiệt hại nặng nề nhất phải kể các mặt hàng xa xỉ đến từ các công ty châu Âu tại thị trường đông dân nhất hành tinh. Các mặt hàng vốn rất được ưa chuộng như xe hơi Đức, đồng hồ Thụy Sĩ, túi xách Pháp nay càng trở nên đắt đỏ hơn khi người tiêu dùng Trung Quốc phải chi thêm đồng NDT để được sở hữu các sản phẩm trên.

Tạp chí tài chính kinh doanh CNBC chú ý đến “cơn bão” tiền tệ tại châu Á. Như đồng rupiah (Indonesia) mất đi 1.7% so với đồng USD xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7.1998, đồng ringgit (Malaysia) trượt 1.4% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9.1998. Rồi đồng dollar (Singapore), đồng peso (Philippines) cũng đồng loạt chạm mức thấp nhất trong 5 năm.

Truyền thông CNN khẳng định, các nhà xuất khẩu Trung Quốc, nhất là các công ty may mặc và xe hơi, sẽ được tăng sức cạnh tranh, càng hưởng lợi rất lớn hơn khi ra thị trường các nước với giá rẻ hơn. Ngay trong phiên giao dịch ngày 11.8, tức chỉ sau một ngày Trung Quốc phá giá đồng NDT thì giá cổ phiếu của tập đoàn chế tạo máy China Machinery Engineering Corp. tăng tới 5,9% tại thị trường Hồng Kông. Cổ phiếu hãng công nghệ Lenovo tăng 2,9%. Còn giá cổ phiếu của Huafang Ltd., một công ty dệt Trung Quốc, tăng 10% trong phiên giao dịch ngày 11.8 ở Thượng Hải. Cũng vậy, các công ty có sử dụng dịch vụ, sản phẩm, bộ phận thiết bị Trung Quốc được chi phí giá rẻ hơn.

Trong khi đó, hãng BBCnews, Reuters nêu nhận định của các chuyên gia du lịch khi đồng NDT mất giá. Trong đó đề cập sự bùng nổ và được lợi của khách du lịch từ các nước đến Trung Quốc, nhất là những người sử dụng đồng USD khi đổi tiền sang đồng NDT.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Được và mất khi đồng Nhân dân tệ bị phá giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO