Đó là một buổi chiều se lạnh, bầu trời như được khoác một lớp áo màu chì nặng trịch. Giữa dòng xe dòng người tất bật, một phụ nữ nhỏ nhắn, tay dắt đứa con gái, tay xách chùm nhãn, ngập ngừng đứng ngoài hàng hiên nhà tôi.
“Trời ơi, phải Phúc đó không?”, anh Hai chạy ra mở cổng, sững sờ. Người phụ nữ ấp úng: “Em… tới thắp hương cho hai bác”. Nhiều năm đi lấy chồng xa vậy mà chị Phúc vẫn nhớ ngày giỗ ba mẹ tôi.
Sau khi sinh em gái tôi, người mẹ cứ gầy rộc đi rồi mất. Ba ở vậy nuôi ba anh em tôi. Đúng mười năm sau ngày giỗ mẹ, ba cũng ra đi bình thản trong một giấc ngủ. Người ta bảo, ba mẹ nặng duyên vợ chồng nên hẹn đến ngày các con khôn lớn sẽ đoàn tụ. Nhưng anh Hai chỉ đủ tuổi trưởng thành trên giấy tờ, anh vẫn là gã trai mét tám, mặt ngơ ngác, vừa quệt nước mắt vừa lo hậu sự cho ba, người trong xóm biểu làm gì thì anh làm vậy.
Không còn ba mẹ, chúng tôi chật vật sống những ngày thiếu thốn cơm áo. Anh Hai bỗng chốc trở thành trụ cột gia đình. Đang chuẩn bị thi đại học, anh nghỉ học ngang rồi xin vào xưởng gỗ nhỏ.
Việc không đều, hôm nào “thất nghiệp”, lại phải lên rừng lấy măng lấy mây về bán. Gã trai mười tám khỏe vâm, khoác hai vòng mây ngang nách, đi phăng phăng ra khỏi bìa rừng. Nhiều dây vẫn chưa kịp róc kỹ gai, đâm vào da thịt.
Sau mỗi buổi đi rừng, anh hớn hở xòe xấp tiền lẻ ra đếm, rồi cởi trần, để bé Út lấy kim lể những đầu gai đen xì, nhọn hoắt ẩn tít trong lớp da rám nắng. Còn tôi rút những con vắt no máu, gan lì bám chặt trên bắp chân anh.
Nhìn những vết thương có máu lẫn mủ, đủ hiểu cuộc mưu sinh với rừng khắc nghiệt cỡ nào. Nhưng anh cười sảng khoái, động viên ngược các em: “Đâu, đi rừng vui lắm”, bằng chứng là thỉnh thoảng lại mang về cho chúng tôi một vốc đầy quả bép rừng, chùm mây hoặc những túi sim chín mọng.
Xóm tôi khi ấy phấp phới nhiều cô chưa chồng. Biết anh Hai hoàn cảnh côi cút, nặng gánh mấy đứa em nhưng vẫn bị mê dáng dấp vạm vỡ, đẹp trai của anh. Gặp anh ngoài đường hoặc dạn dĩ chọc ghẹo hoặc đưa đẩy thăm dò ý tứ. Nhưng anh chỉ cười, à ừ qua quýt cho xong. Anh thờ ơ, chắc vì trong lòng đã có chị Phúc.
Chị từng học cùng lớp với anh. Hôm ba mới mất, thấy anh nghỉ học lâu, chị đem sách tập qua, động viên anh đi học lại. Nhưng vừa đến chị đã thấy dáng vẻ mới từ xưởng gỗ về của anh, đầu tóc bạc trắng vì mùn cưa. Anh nghẹn lời: “Phúc về đi, tui nghỉ học luôn”.
Chị rơm rớm nước mắt, chắc bắt đầu thương anh từ dạo đó. Chị thường mang cho anh chai dầu gió, rượu thuốc xoa bóp rót trộm của ba, cho chúng tôi dĩa bánh bò hoặc ít hoa trái trong vườn. Mỗi lần vào rừng, anh mang về cho chị vài nhánh lan, bẽn lẽn liếc trộm gương mặt rạng ngời của chị khi đón lấy món quà mộc mạc.
Chị như niềm hạnh phúc trong cuộc sống nhiều gánh nặng của anh tôi. Họ quấn quýt như đôi chim câu. Mẹ chị mấy lần sang tận đầu hiên nhà tôi, gằn giọng: “Phúc, đi về!”. Biết ba mẹ không ủng hộ, nhưng chị vẫn lén tìm cách gặp anh Hai. Việc nhổ gai trên vai anh được bàn giao lại cho chị.
Anh ngài ngại, chầm chậm cởi áo, để lộ tấm lưng trần vạm vỡ, chị Phúc run run chạm vào những vết đầu gai mưng mủ. Bất giác, chị trào nước mắt, thổn thức dụi vào lưng anh, đặt bờ môi mềm mại lên đó như muốn xoa dịu những vất vả đau đớn anh phải chịu. Anh xoay người ôm lấy chị thì thầm: “Anh còn hai đứa em, em đợi anh được không Phúc?”. Chị nhẹ nhàng gật đầu...
Và rồi, anh đành để mất chị ở tuổi hai mươi tư. Gia đình chị Phúc lâm vào cảnh nợ nần, ép chị đi lấy chồng Đài Loan. Chồng chị là một người đàn ông gần bằng tuổi cha, có hàm răng ố vàng, hàm trên chìa cả ra khỏi đôi môi thâm xì vì nghiện thuốc lá. Chị khóc sưng mắt, dằn dỗi cha mẹ. Nhưng khi mẹ dọa tự vẫn, chị vội đồng ý.
Hôm đám cưới chị, anh cố tình lên rừng, giữa trưa lại xồng xộc chạy về nhà, nóng nảy đi ra đi vào, vò đầu bứt tai. Nghe tiếng xe đoàn rước dâu đi qua, anh chạy ra đứng nấp ở hàng hiên, nhìn theo chiếc xe hoa lao đi trên con đường đất đỏ bụi mù. Xe đi khuất để lại một khoảng trời xám xịt buồn mênh mông. Hôm ấy, khi đốt nhang cho ba mẹ, anh gục lên bàn thờ mà khóc.
Từ ngày chị Phúc đi lấy chồng, anh thường mắc võng ngủ ngoài hiên, cố giấu các em chuyện mình bị mất ngủ trường kỳ. Người anh gầy xọp, đôi mắt dần như có một lớp màn mỏng màu tro tàn buồn bã. Nhưng năm tháng, dù vô tình hay hữu ý, vui hay buồn cũng trôi qua vùn vụt.
Nhờ những đồng tiền từ xưởng gỗ, từ mây măng của anh, tôi và bé Út dần vào đại học, tốt nghiệp rồi ở lại thành phố, từng đứa một lấy chồng. Lần cưới đứa em nào, anh cũng có lúc lặng người quay đi, như mừng như tủi, như nhớ nhung tình yêu đầu đời nhiều si mê và thổn thức.
Giờ, anh đã gần bốn mươi. Lẽ ra, đàn ông ở tuổi đó sẽ có những thứ rực rỡ của đời người, sự nghiệp, tiền bạc, vợ con… Nhưng anh tôi chỉ có tự do - một thứ tự do chẳng ai buồn ao ước. Không còn gánh nặng đàn em đè lên đôi vai nên vai anh vô tình buông thõng xuống, dáng đi lướt khướt như tàu lá chuối. Anh vẫn ngày ngày đi rừng, chỉ để mang về những nhánh lan. Trái ngược với chủ nhân trầm mặc, rầu rĩ, vườn lan của anh ngày một xôm tụ, đủ loại đủ sắc, đẹp khôn tả.
Hôm chị Phúc thăm nhà, hình như cũng hơi ngạc nhiên vì sự gầy gò, già nhanh của anh. Chị ngượng ngùng đặt chùm nhãn lên bàn thờ. Anh lúng túng pha một ấm trà mới, rót ra ly cho hai mẹ con, run run mời: “Phúc… uống nước”.
Họ ngồi lặng thinh, không dám nhìn thẳng vào mắt nhau dù trong đầu chen chúc hằng hà câu hỏi. Thỉnh thoảng, anh liếc trộm vết sẹo trên trán chị. Vết sẹo từ chân tóc, kéo dài xuống mày khiến chị trông như đang cau có.
Đứa con gái nhỏ của chị lủi thủi ngồi chơi với con mèo dưới bóng giàn lan. Dõi theo con, chị ngước lên nhìn nhành lan đang trổ bông trắng muốt. Gương mặt lại rạng ngời như thuở còn đôi mươi.
Anh nghe chuyện của chị Phúc qua những lời bàn tán trong làng. Họ kể rằng, người chồng của chị đã mất mấy năm qua. Chị sống ở nhà chồng cũng không dễ dàng nên xin về lại Việt Nam. Vì đứa bé là con gái, nhà chồng chẳng mặn mà, đồng ý cho nó theo mẹ. Con bé không sõi tiếng Việt, phải học lại lớp mầm non.
Làng nhỏ chút xíu, chuyện về chị cứ râm ran giữa đám đông, ở chợ trời, ở quán xá. Chuyện đến tai, tay chân anh lại bứt rứt, muốn tìm một cái cớ để sang với mẹ con chị.
Anh hít một hơi thật sâu, ra vườn xách giò lan đang trổ bông tím biếc, vùn vụt chạy đi, phút chốc đã đứng trước mặt chị. Ngày qua ngày, những giò lan đẹp nhất thay phiên nhau “chuyển” qua nhà chị. Giàn lan tâm huyết vãn dần, thưa thớt, nhưng nét mặt anh tươi vui, hạnh phúc như gương mặt của những người đang yêu.
Hôm ấy, anh đứng thật gần, run run đưa tay lên sờ vết sẹo trên trán chị - là kết quả của một trong những lần bị chồng bạo hành. Chị không kể về vô số vết sẹo khác đã bị che đi, trên lưng, trên cánh tay, ngực… kể cả trong tâm trí.
Chúng hiện ra trong những cơn ác mộng, ngay cả khi đã nằm ngủ trên chiếc giường quen thuộc ở quê nhà. Anh đặt môi lên vết sẹo trên trán chị, muốn xoa dịu nỗi đau đã từng tồn tại ở đó. Họ thổn thức nghe nước mắt nóng hổi trào ra từ khóe mắt.
Dòng nước mắt hòa vào nhau, chẳng còn phân biệt giọt nào của ai, giọt nào là đau thương, giọt nào là hạnh phúc. Ngoài sân, vài nhành lan trụi lá sau một mùa đông khó nhọc đã lấp lánh những chồi non xanh, chỉ đợi tia nắng ấm áp của mùa xuân là bung nở.
Và rồi, mùa xuân cũng về!