Dưới bóng sưa Hương Trà

PHÚ BÌNH 16/04/2023 06:07

Giữa các tiết Thanh minh và Cốc vũ, hai khối phố Hương Trà Tây và Hương Trà Đông (phường Hòa Hương, Tam Kỳ) ngập sắc hoa sưa. Những vòm sưa vàng rực, bao đời rợp bóng trên các dấu tích văn hóa, gợi nhớ về quá trình dựng xây làng xã của bao lớp tiền nhân ở một xóm ấp ven ngã ba sông Tam Kỳ.

Con đường đắp Hương Trà. Ảnh: PHÚ BÌNH
Con đường đắp Hương Trà. Ảnh: PHÚ BÌNH

Theo dấu những di tích ở Hương Trà có thể biết chuyện mở đất, chuyện thờ tự, chuyện trị thủy và cả những truyền thuyết dân gian đã từng trở thành biểu trưng của một vùng văn hóa.

Dấu tích mở đất

Hương Trà là một ấp của xã tân lập Tam Kỳ xưa thuộc huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa nằm ở bờ bắc sông Tam Kỳ. Đây là cồn đất sa bồi, chỗ dừng chân của hai ông Trần Cảnh Lan và Trần Cảnh Huệ đã từ xã Kim Chuyết (gần cửa biển Y Bích), huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa vào vùng đất ngã ba sông Tam Kỳ hồi đầu thế kỷ 16.

Hương Trà được bao bọc bởi hai nhánh sông, một nhánh đã mở rộng như hiện nay, nhánh kia bị bồi lấp vì ngăn dòng, trở thành cánh đồng bao gồm các xứ Cửa Truông, Bàu Lăng, Bàu Đình, Bãi Sơn (nay nằm giữa các khối phố Hương Trà và Hương Sơn của phường Hòa Hương).

Bờ nam của nhánh sông bị bồi lấp nay còn dấu tích bến đò Gò Găng. Gần bến đò ấy là mộ hai ông thủy tổ tộc Trần nói trên. Con trai ông Trần Cảnh Lan là Trần Văn Bôi (đời thứ 2) và cháu nội là Trần Văn Nghiêm (đời thứ 3) được an táng gần bờ bắc đối diện, về sau hậu duệ tộc Trần cải táng mộ ông Bôi và mộ ông Nghiêm (được sắc phong danh vị đồng Tiền hiền làng Tam Kỳ) cùng vợ ông Nghiêm là bà Mai Thị Thiện về bên mộ hai ông thủy tổ tộc Trần. Khu lăng mộ này là dấu tích mở đất xưa nhất trên đất Tam Kỳ.

Đình làng Hương Trà - Tam Kỳ

Xã Tam Kỳ xưa có đình làng nằm ven đường thiên lý, gần ngã tư Phan Châu Trinh và trục đường Tôn Đức Thắng - Duy Tân hiện nay (về sau di dời về ấp Hương Trà và dân gian quen gọi là đình Hương Trà). Đình lập khi nào không rõ, chỉ biết từ thời Minh Mệnh đến thời Tự Đức đã có các sắc phong triều đình ban cho các thần được thờ trong đình.

Trong số đó có sắc phong: “Bảo an chi thần” cho Thành hoàng làng (ngày 27/9/1826 - niên hiệu Minh Mệnh thứ 7); sắc phong “Hàm hoằng Quang đại Chí đức Chuyện biện Hiển hóa thượng đẳng thần” cho bốn vị Tôn thần có tên “Đại càn Quốc gia Nam hải” và sắc phong “Dương uy Ngự vũ Bảo chứng Kiện thuận Hòa nhu Hàm quang tôn thần” cho thần Bạch Mã (cả hai được cấp cùng ngày 2/11/1852 - niên hiệu Tự Đức thứ 5).

Ngoài ra, nằm sát đình Tam Kỳ còn có miếu Quan Thánh (sau di dời, bộ tượng Quan Thánh được nhập chung vào thờ trong đình) cũng được nhận sắc phong “Quan Thánh đế quân miếu hộ quốc tý dân” (ngày 12/4/1843 - niên hiệu Thiệu Trị thứ 3).

Theo một tư liệu còn lưu, vào năm 1886, sau các cuộc giao tranh giữa quân Pháp và tay sai với quân Nghĩa hội Cần vương Quảng Nam ở Tam Kỳ và sau trận lụt lớn tiếp theo, một số sắc phong ở đình xã Tam Kỳ bị mất hoặc hư hỏng. Vào ngày 14/12/1887 - niên hiệu Đồng Khánh thứ 2, lý trưởng xã Tam Kỳ đã sao lục lại các phó bản sắc phong và làm đơn gửi lên quan phủ Tam Kỳ và quan Tuần phủ Nam Ngãi xin (chuyển ra triều đình) cấp lại.

Lai lịch một đường hoa

Các vị cao niên Hương Trà kể: đến khoảng giữa thời Tự Đức, cồn đất Hương Trà vẫn lẻ loi giữa hai nhánh sông Tam Kỳ; muốn lên đường thiên lý để ra huyện, ra phủ phải qua đò. Có viên chánh tổng Chiên Đàn sở tại là dân ở ấp Hương Trà đã huy động các nhà giàu trong làng góp của cùng dân chung sức đắp con đập bổi ngăn nhánh sông Hương Trà chảy ra hướng bắc để làm đường đi.

Thấy việc có lợi, lại có thể chặn dòng để biến đất thành ruộng, toàn dân các ấp bộ trong xã Tam Kỳ nhất tề hưởng ứng. Họ vào tận hai làng Bích Ngô và Thạch Kiều ở phía nam sông Tam Kỳ (nay là thôn Bích Ngô và Thạch Kiều ở xã Tam Xuân I, Núi Thành) để mua cây chà rang trên đồi Trà Quân và các đồi chung quanh chở về làm bổi độn đắp đập. Thấy việc công ích chính đáng, lý trưởng hai làng Bích Ngô và Thạch Kiều đã đồng ý cho dân Tam Kỳ vào chặt bổi, không lấy đồng nào.

Đập bắt đầu đắp từ phía đường thiên lý Bắc Nam, phải cừ nhiều lớp tre bên ngoài, sát chân đập trồng cừa, lớp trong cùng trồng sưa. Công việc tiến hành liên tục gần 6 – 7 năm mới xong. Hàng năm xã Tam Kỳ bố trí dân đinh tu bổ. Nhờ có cừa chống xói lở, có sưa giữ chân đất, con đập có tên “Đường đắp” vững vàng qua thời gian. Những hàng sưa ken dày hai bên trở thành những vòm cây cổ thụ phủ kín con đường đắp, đến mùa hạ nở hoa vàng ruộm, tạo thành một cảnh quan độc đáo.

Ngôi mộ huyền thoại của thầy Lánh

Ở Hương Trà - Tam Kỳ (và nhiều nơi ở Quảng Nam) từng lưu hành truyền thuyết về một vị pháp sư (thầy phù thủy) họ Nguyễn Đức tên là Lánh có ngoại hiệu Bích nhãn tôn sư (ông Thầy mắt xanh).

Truyền thuyết có nhiều dị bản này chủ yếu nói về các hành động đầy quyền phép của “Đức Thầy” như: lấy của người giàu chia cho người nghèo, quấy nhiễu quân lính và quan lại triều đình bằng các đội âm binh được hóa phép từ các hạt đậu (sái đậu thành binh) và dời một ngôi đình lớn (thường được kể mặc định là đình Trà Luông) về thay cho ngôi đình tranh tre khiêm tốn ở làng Diêm Điền - quê thầy Lánh.

Đỉnh điểm kịch tính của huyền thoại này là chuyện vợ chồng ông Thầy bị bắt giải về sân triều đình để chịu xử tội theo luật “tam ban triều điển” (chọn một trong ba cách chết: dùng lụa tự thắt cổ, tự đâm vào tim hoặc tự uống thuốc độc).

Thầy Lánh xin chọn dải lụa và đã hô biến dải lụa thành con rồng để vợ chồng cưỡi lên đào thoát về phương Nam. Khi bay ngang qua ấp Hương Trà, ông Thầy đánh rơi chiếc giày và ngay chỗ chiếc giày rơi dân làng đắp một ngôi mộ để tưởng niệm, về sau dân gian gọi là “mộ giày thầy Lánh”.

Huyền thoại trên có nguồn gốc thực tế. Hậu duệ ông Nguyễn Đức Lánh xác nhận “mộ giày” đúng là nơi an táng thân xác ông Lánh và hàng năm con cháu tộc Nguyễn - Diêm Điền lên giẫy mả và cúng kính (ngày 12 tháng 8 âm lịch). Trên bia mộ hiện còn rõ dòng chữ “Thượng đợi Bích nhãn Tôn sư Nguyễn Đức Lánh tiên sinh thần mộ” (đây là mộ linh của ông Tổ cao đời của chúng tôi là Nguyễn Đức Lánh có ngoại hiệu là Bích nhãn tôn sư).

Tìm về Diêm Điền (thôn 4 - nay có tên là Bản Long), xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, trong gia phả tộc Nguyễn Văn ghi tên nhân vật huyền thoại này với dòng “Thượng tằng tổ Bích nhãn tôn sư Nguyễn Đức Thêm tiên sinh” (Tằng tổ đời bên trên của chúng tôi có tên là Nguyễn Đức Thêm - hiệu Bích nhãn tôn sư).

Các dấu tích văn hóa trên đã trở thành những điểm đến đáng nhớ trong lễ hội hoa sưa Hương Trà được tổ chức hàng năm tại Tam Kỳ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dưới bóng sưa Hương Trà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO