Nói đến trăng là nói đến ca dao, đến thơ. Trăng hiện ra cùng khách thơ trong niềm vui, nỗi sầu, bên chén trà, vò rượu; trong niềm hân hoan của ngày trùng ngộ, cũng như trong phút ngậm ngùi của buổi chia ly. Trăng ảm đạm giữa chiến trường, trăng mênh mang nơi biên tái. Trăng vằng vặc đêm Nguyên Tiêu, trăng ảo mờ đêm Thất Tịch.
Có kẻ lưu lạc tha hương nào, nhất là những người lớn lên nơi thôn dã, uống rượu nhìn trăng mà không động nỗi sầu cố lý? Có người nào nghe tiếng sáo đêm trăng mà không cảm thấy một nỗi buồn man mác?
*
* *
Con người của ngàn vạn năm trước đã ngắm vầng trăng như chúng ta, và con người của ngàn vạn năm sau cũng sẽ cùng ngắm chung một vầng trăng đó. Cho dầu con người có thể, vì những tham vọng cuồng điên, phá tan trái đất thì vầng trăng vẫn lặng lẽ ngàn đời chiếu soi trong vũ trụ. Dẫu cho vật đổi sao dời, dẫu việc đời trải qua bao tang thương dâu bể, hễ trên trời còn vầng trăng thì con người khắp thiên hạ và suốt cả cổ kim, khi ngắm trăng, vẫn còn có thể tìm được đến nhau trong một niềm tương cảm. Bởi nơi vầng trăng sáng đó, con người đã âm thầm sẻ chia những mối giao tình.
Nhất thiên minh nguyệt giao tình tại
Bách lý Hồng Sơn chính khí đồng.
(Nguyễn Du - Ký hữu)
(Trăm dặm non Hồng: chung chính khí,
Một trời trăng sáng: chốn giao tình)
Một trời trăng sáng kia là chốn giao tình, để mỗi khi ngắm trăng, con người vẫn luôn tìm ra niềm giao cảm. Và suốt cả dãy non Hồng trăm dặm đó đều có chung một nguồn chính khí bàng bạc để con người trong muôn thuở vẫn có thể cùng hòa mình vào tiếng nói của trời đất bao la.
Có lẽ trong thi ca thế giới, không nơi đâu hình ảnh vầng trăng lại xuất hiện nhiều cho bằng trong Đường thi. Lý Bạch ôm bóng trăng chết theo dòng nước. Giang Châu Tư Mã đuối mộng hồn theo tiếng tỳ bà ai oán trong một đêm trăng trên bến Tầm Dương. Trương Trào nói rất đúng rằng vật có thể làm cảm động lòng người thì trên trời không có gì bằng ánh trăng, trong động vật không có gì bằng chim quyên, và trong thực vật không có gì bằng cây liễu. Yêu trăng như Trương Trào có lẽ phải nói “Trăng lấy Trương Trào làm tri kỷ”. Trăng bàng bạc trong tác phẩm U Mộng Ảnh của ông, cũng như trăng bàng bạc trong thơ Hàn Mạc Tử. Nhưng nếu Hàn Mặc Tử - vào giai đoạn cuối đời thấy ở trăng một cõi hư vô lạnh giá làm tâm hồn chới với, thì Trương Trào lại tìm thấy ở trăng một niềm cảm hứng mênh mang: “Dưới trăng nghe bàn thiền, ý nghĩa càng cao xa; dưới trăng luận kiếm, can đảm càng chân thật; dưới trăng bàn thơ, sắc thái càng u nhã; dưới trăng ngắm mỹ nhân, tình ý càng nồng thắm”.
*
* *
Có những điều ta chỉ cảm nhận được ý nghĩa sâu xa của nó trong bối cảnh phù hợp. Cảnh vật khi đó sẽ tác động vào ta để tâm hồn mở ra chiều sâu thẳm mông lung và cảm thụ được những rung cảm thật tế vi, mà lúc bình thường ta khó lòng cảm thụ nổi. Ánh trăng vốn ảo huyền, cho nên có dù là vào đêm rằm đi nữa, nó vẫn dễ biến cảnh vật thành mông lung giữa không gian mờ ảo. Bàn về Thiền, về thơ, luận về kiếm hay ngắm người đẹp dưới anh trăng đều mang thêm nhiều ý vị.
Thiền vốn vượt ngoài lý trí, luôn xa lạ với sự sáng sủa rạch ròi của lý luận, cho nên dưới trăng lung linh huyền ảo mà nghe bàn Thiền thì sẽ thấy ý nghĩa càng cao xa, thâm viễn. Một tiếng đại hồng chung ngân lên giữa đêm trăng tĩnh lặng cũng lan tỏa một âm hưởng khác, như có thêm huyền lực để cảnh tỉnh con người ra khỏi Bến Mê. Đó thường là những giây phút giúp ta nhận ra diệu nghĩa trong những trang kinh Phật, nhiều hơn các lời luận giải uyên bác của các học giả bằng đủ loại ngôn ngữ xô bồ.
Dưới trăng luận kiếm khiến tâm tình thêm khẳng khái, nhưng cũng khiến ta không khỏi nhớ đến người anh hùng lỡ vận Đặng Dung và bài Cảm Hoài được lưu truyền trong văn học.
Thế sự du du nại lão hà,
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chúa hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.
(Sự đời mờ mịt, già rồi,
Đất trời đem cả vào lời ca say.
Gặp thời, giun dế lên mây,
Vận tan, nuốt hận tháng ngày hùng anh.
Những mong xoay chuyển càn khôn,
Phò vua, đã hết chuyện mong binh trời.
Thù chưa báo, tóc bạc rồi,
Long Tuyền mài dưới trăng soi ngậm ngùi).
Những kẻ mang hùng tâm mà lỡ vận, ngồi luận kiếm dưới trăng, đọc bài thơ này hẳn không khỏi phát sinh niềm bi phẫn.
Uống rượu bàn thơ thì thơ thêm vẻ hào hùng, còn dưới trăng bàn thơ thì sắc thái riêng biệt của thơ càng tăng thêm phần u nhã. Dưới trăng ngắm mỹ nhân thì cảnh vật càng thêm lung linh huyền ảo, người đẹp càng thêm phong vận yêu kiều, há chẳng phải là điều tuyệt vời ư? Uống rượu thưởng trăng, ngâm thơ xướng họa dưới trăng đều là cái thú phong lưu của người xưa, nên nếu vì trăng mà say thì say rượu dưới trăng cũng là điều thanh nhã. Say rượu dưới trăng là lúc cảm hứng dạt dào để phát tiết tài hoa, nên cảnh say rượu dưới trăng vẫn có nét đáng yêu.
*
* *
Cõi thế vô thường, muôn việc đều đổi thay theo cảnh đời dâu bể, tâm tình người xưa khác với chúng ta quá nhiều, và tâm tình thế hệ mai sau ắt hẳn còn khác với chúng ta nhiều hơn nữa, bộ mặt trái đất có thể đổi thay, nhưng hễ trên trời còn vầng trăng sáng, thì con người trong muôn thuở vẫn còn có thể tìm đến nhau nhau trong mối giao tình và niềm tương cảm dưới bóng trăng thanh.
LIÊU HÂN