Dưới chân Đá Tịnh

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT 26/12/2015 14:25

Lần theo những trang viết của tập sách Từ chân  núi Đá Tịnh (Phạm Úc, NXB Văn học, tháng 12.2015), có thể thấy đấy không chỉ là những kỷ niệm của riêng bản thân tác giả, mà trong chừng mực nhất định, đã trở thành nét phác thảo trung thực về một thế hệ trẻ tuổi cách nay hơn nửa thế kỷ. Đấy là bao kỷ niệm thời trẻ thơ ở chốn quê nhà thấm đượm nghĩa tình của người nông dân nghèo khổ (Nghề mía đường) hoặc những đêm khuya theo cha đi tìm cái ăn cho gia đình (Bắt cá). Đấy là dăm “kinh nghiệm đầu đời” của những học sinh ngay từ lúc mới ở lớp đệ thất, đệ ngũ (lớp 6 - lớp 8) đã phải tự mình kiếm miếng cơm để được đi học (Dạy kèm)… Thời hoa niên của nhiều học sinh nghèo ở một tỉnh miền Trung gian khó giữa chiến tranh cũng là dăm bước đi đầu tiên trong hành trình “phải bước” vào đời quá sớm. Từ đó mà sớm biết đến “mệnh nước nổi trôi” để tự đảm nhận bổn phận con dân trong một đất nước bị chia cắt… Như thế, tình yêu quê hương - đất nước không phải là điều trừu tượng được rao giảng một cách vô hồn mà bắt đầu hình thành từ những gì gần gũi nhất.

Bìa cuốn “ Từ chân núi Đá Tịnh”.
Bìa cuốn “ Từ chân núi Đá Tịnh”.

Rồi gian khó của nhiều năm tháng tham gia cách mạng và bị tra tấn tàn khốc trong ngục tù…! Lẽ ra, những ghi chép về các sự kiện trong khoảng đời ấy có thể “đậm nét” về bản thân. Nhưng “cái tôi” sẽ thiếu đi rất nhiều ý nghĩa nếu không được hình ảnh của bao người chung quanh soi chiếu. Hay nói khác đi, chính chân dung của những người đang sống cùng thời với tác giả là ánh chiếu trung thực về bản thân người viết. Có lẽ vì ý thức sâu xa điều này mà trong mục “Những người thân yêu”, không chỉ hiện lên bóng dáng người mẹ (Mẹ tôi) hay kỷ niệm về người đồng đội thân thiết (Trương Phu) mà còn có những con người vừa mới gặp mà đã quý trọng (Ông Sac-đin, Ông Năm Đẹt). Đó là một cách nhìn, một quan niệm đạo đức: Lịch sử không phải chỉ được làm nên bởi những tên tuổi lớn mà còn là của những con người vô danh…

*
*               *

Tập sách dành nhiều trang viết cho mấy chục năm tác giả công tác trong ngành giáo dục. Qua những việc làm bình thường, hiện lên chân dung của các thầy cô giáo giữa một thời gian khổ nhưng vẫn cố gắng giữ trọn đạo đức của nghề làm thầy (Những ngày ở Trường bổ túc Quế Sơn). Và đáng trọng hơn, là tinh thần phản kháng của những người không đồng tình với thói a dua, nịnh nọt… (Làm Công đoàn giáo dục). Nhưng đằng sau tất cả suy nghĩ và việc làm ấy, chính là niềm tin và hy vọng về ngày mai, là bao tâm huyết dành cho thế hệ kế tiếp…

Những gì mà tác giả đã trải nghiệm từ cuộc sống của chốn quê nhà ấy không bao giờ phai, để đến khi tóc đã thấm màu sương, con người có thể dành cho mình những phút lặng ngắm cây cỏ chung quanh đang chầm chậm gieo sắc hương vào cơn gió sớm (Cây cau quê tôi)… Đó là khoảnh khắc dừng-lại-cần-thiết của bất cứ ai, để sống-làm-người mà không hổ thẹn? Đó là sự trao gửi trước cuộc đời, bởi vì lịch sử là những dấu vết con người lưu lại trên mặt đất, sau khi vượt qua bao nhiêu đớn đau?

*
*                 *

Về mặt hình thức, tập sách được xếp vào thể loại “ghi chép”. Đây lại là cái tính khiêm nhường của một nhà giáo. Bởi vì dù không “sống chết” với chữ nghĩa, cũng dễ dàng nhận ra những nét thú vị trong những trang viết của anh. Và cả ở hình thức thể hiện qua những trang viết khi thì thuộc loại miêu tả - trần thuật, lúc thì thấp thoáng bóng dáng tản văn hoặc đôi khi là cái giọng chính luận… Tập sách sắp xếp theo sáu phần mà riêng ở phần thứ nhất, chỉ qua cái tên gọi (Thời thơ ấu - Vào đời), cũng có thể hình dung phần nào chân dung của một lớp người. Và, xuyên suốt là một giọng kể chuyện đơn sơ mà chân thành, mộc mạc mà hóm hỉnh, với nhiều phương ngữ. Đó là những hiểu biết khá tường tận về công việc của người nông dân miền Trung (Nghề mía đường, Nghề dầu rái). Đó là những “tấm ảnh” ghi lại vài nét sinh hoạt xã hội của một thời đã qua (Tôi đi học, Bắt cá, Săn chồn)… Đó là cả những “vệt tối” trên bức tranh hiện thực được biểu hiện qua hình thức ẩn dụ, ví như trong truyện Xin chết.

Một vài trích dẫn vừa nêu là bằng chứng về một sự thực là: khi đã sống bằng tình yêu sâu đậm đối với đất và người thì sẽ được cuộc đời trao tặng những ánh lấp lánh trên trang viết chân thành.

Khi đã bước đến đoạn cuối của con đường, dường như không ít người thường quay về với sự hoài niệm: “Nhưng sao nghe như có chút ngậm ngùi: cái món ăn đặc trưng của một vùng đất đã từng đem lại bao nhiêu niềm vui trong các dịp lễ hội, cưới xin... dường như giờ đây chỉ còn trong hoài niệm!” (Xôi đỏ). Ở đây, cái nắm xôi màu đỏ bình thường ấy đã trở thành niềm tưởng tiếc về những giá trị văn hóa - tinh thần đang dần biến mất. Hoài niệm ư? Phải rồi, bởi chưng, làm sao có thể sống mà không nhớ lại? Nhớ lại, để có thể hướng về tương lai.

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dưới chân Đá Tịnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO