Từ đồng bằng, leo lên Dốc Dựng, hoặc trèo lên Nổng Đế, trên đất Xuyên Hiệp, thấy hòn núi sừng sững trước mặt giống như con cóc ngồi. Vùng dân cư dưới chân Hòn Cóc, Đá Chồng, Dốc Dựng, sau Mậu Thân 1968 là một tuyến hành lang từ Hòn Tàu ra đồng bằng, từ vùng đông lên vùng tây. Có một thời gian anh em quân Giải phóng bị những trận phục kích đẫm máu, cán bộ, chiến sĩ hy sinh nhiều ngày không lấy thi thể được phơi nắng phơi mưa thành những đống xương khô, thành những cánh đồng chết không ai dám lui tới.
Cán bộ Ban Tuyên huấn Quảng Đà tại căn cứ Hòn Tàu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên. |
Sau chiến dịch xuân Mậu Thân 1968, địch phát hiện cơ quan của Đặc khu ủy Quảng Đà quay lại bám núi Hòn Tàu. Mỹ làm sân bay và trận địa pháo ở Rẫy Khuê thường đưa quân ở căn cứ An Hòa càn xuống và quân Mỹ đóng ở Núi Quế càn lên, thay nhau băm nát từ núi đồi Đá Mái lên Đèo Le. Có thời gian chúng đổ quân nằm lỳ cả tháng trời ở đèo Đá Mái, Gò Hầm; đồng thời xua đuổi dân Xuyên Trà, Xuyên Hiệp ra khu dồn, không cho bà con về làng sản xuất, bỏ ruộng đồng hoang hóa, cỏ gai ngập đầu gối. Không chịu ở trong khu dồn, bà con đưa ra hàng chục lý do đòi về vườn sản xuất để có cái ăn. Cứ sáng dậy, anh em du kích ở trong núi trèo lên cây, lên hòn đá cao nhìn ra Đá Chẹt, Đồng Eo, Xóm Giữa, thấy bà con về làm đồng thì báo tin nhau cải trang làm dân ra làng tiếp dân. Hôm nào không thấy dân về làm vườn thì biết có địch lội, địch lùng. Biết dân về làng là mang lương thực, thực phẩm tiếp tế cho du kích, mang gạo mắm về bán cho cán bộ, vì vậy địch kiểm soát gắt gao. Chúng quy định ai về sản xuất chỉ mang cơm mắm đủ ăn bữa trưa. Ai mang nhiều, chúng đổ bớt, hoặc lấy bớt. Chúng lục soát từng cái rổ đựng phân, xoong đựng gạo, lọ mắm cái, đùm muối… Để che mắt địch, mỗi khi chuẩn bị vác cuốc về vườn cũ, các mẹ chị bỏ mỳ chính vào trong cán cuốc, người thì bỏ vào túi ny lon rồi thả vào trong bình nhựa đựng nước uống… Đến mùa thu hoạch, lúa khoai bà con không đem hết về khu dồn mà để lại một phần bỏ vào chum chôn giấu trong bụi cây để cán bộ, du kích đến lấy...
Đêm, du kích xuống làng nhổ sắn, nhổ khoai, lấy khoai sắn dân phơi trên đá mang vào núi để ăn. Dân về vườn sản xuất thấy mất sắn, mất khoai thì lặng lẽ báo tin mừng cho nhau: anh em mình còn sống. Bữa mô dân ra, thấy đồ vẫn còn nguyên thì buồn, khóc… |
Năm 1969 là thời điểm khó khăn, ác liệt nhất của Quảng Đà và Quảng Nam. Lúc bấy giờ ông Phạm Đức Nam - Phó Bí thư, Chủ tịch Đặc khu Quảng Đà nhìn nhận, năm 1969 là “năm thi”, ai không đầu hàng phản bội, không hy sinh, coi như “đậu”. Bấy giờ, lãnh đạo của xã Xuyên Hiệp chỉ là chi ủy và xã đội. Phân công mỗi người kiêm nhiệm phụ trách các mặt công tác của xã, không còn bộ máy tự quản thôn, chỉ có du kích 8 thôn sáp nhập vào đội du kích xã thành Đội công tác. Nhiệm vụ chính trị và vũ trang do Bí thư Chi bộ kiêm Đội trưởng Đội công tác chỉ đạo, xử lý. Có thời gian xã Xuyên Hiệp chỉ còn 10 cán bộ, du kích, thiếu nhân lực nghiêm trọng, đến nỗi tỉnh và huyện Duy Xuyên có chủ trương “cơ quan nào còn có cán bộ là người Xuyên Hiệp thì vận động bổ sung về cho xã Xuyên Hiệp”...
Nhớ, tết năm ấy, mới chạng vạng, ông Tân (tức Phạm Hồng Quang), Ủy viên Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà, Trưởng ban Đấu tranh chính trị, đi với cần vụ vào cơ quan Huyện ủy Duy Xuyên, bấy giờ đang ở Tân Phong, trên Thọ Xuyên. Ngồi nghỉ một lát, ông Tân hỏi Nguyễn Văn Dương, Đặc khu ủy viên, Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên: “Nghe nói du kích Xuyên Hiệp sống như đười ươi phải không?”. Thấy ông Dương có phần lúng túng, ông Tân nói tiếp: “Thừa dịp tết, địch ngưng bắn, mình vô chỗ Xuyên Hiệp được không?”. Ông Dương nói thật: “Thỉnh thoảng tôi có vô gặp anh em. Anh em ở cái hang dưới chân Hòn Cóc, trên đỉnh là lính Mỹ, nên tối mới xuống làng gặp dân kiếm mắm, kiếm gạo. Thật tình, gần nửa năm rồi tôi chưa vào chỗ anh em Xuyên Hiệp. Địch bao vây bốn bề, có đợt hai ba tháng, có đợt bốn năm tháng xã Xuyên Hiệp không liên lạc được với Huyện ủy Duy Xuyên”. Ông Dương còn cho biết, thời gian qua anh em du kích bị đói dài dài vì dân bị xúc, đuổi gần như hết vào khu dồn. Đêm, du kích xuống làng nhổ sắn, nhổ khoai, lấy sắn, khoai dân phơi trên đá mang vào núi để ăn. Dân về vườn sản xuất thấy mất sắn, mất khoai thì lặng lẽ về báo tin mừng cho nhau: anh em mình còn sống. Từ hôm đó dân đem gạo, mắm giấu ngoài ruộng, viết giấy hướng dẫn cho du kích đến lấy. Bữa mô dân ra, thấy đồ vẫn còn nguyên thì buồn, khóc… Nghe chuyện không chịu được, ông Tân bảo ông Dương: “Chừ ông đi, hoặc cho đưa tui vô chỗ anh em được không? Vào thăm xem cán bộ, du kích ăn ở ra sao, tết nhứt có bánh trái chi không?”. Một đề nghị mà không thể không nhận lời. Ông Dương đáp: “Để tôi chuẩn bị anh em đưa đi. Kiếm chút chi cho anh em, mai hai chú cháu mình đi”.
Chiều hôm sau, mặt trời xuống núi thì có một chiến sĩ giao liên đưa Bí thư Duy Xuyên cùng ông Tân đi vào núi. Lách cỏ tranh, lau lách, gai góc, vừa thấy miệng hang đá thì mấy anh em bên trong chạy ra. Anh em đến chào ai cũng rưng rưng. Bí thư xã Phạm Hiệp nói: “Hôm nay ngày lành tháng tốt sao bỗng dưng có rồng đến nhà tôm”. Anh em xúm lại, ông Tân nheo mắt cười bắt tay từng người, tâm tình: “Tau nghe sắp bay thành đười ươi, sống như người rừng nên tìm đến thăm”. Ông Tân nhìn một lượt tiếp: “Thực tình, ngó cũng không đến nỗi nào”.
Chủ và khách ngồi quanh cái bàn hình chữ nhật, đang nhìn nhau, nhìn quanh cái hang đá, trò chuyện thì Xã đội trưởng Nguyễn Văn Quang cùng hai du kích bưng ra bày trên bàn nào thịt hộp, cá hộp, coca cola, bánh mì, cả bia lon… Thấy khách trố mắt nhìn, Bí thư xã Phạm Hiệp cười: “Tết không cúng, không bánh, mời mấy anh, mấy chú ăn tạm đồ chiến lợi phẩm cho vui. Đây là thức ăn của Mỹ đóng trên đỉnh Hòn Cóc, một số chúng ăn không hết ném xuống, anh em mình bò lên lượm, một số chúng cho máy bay thả dù xuống trật đường rầy, anh em mình theo dõi, bám sát, lượm”. Ông Tân cười hỏi: “Địch tình ở trên đầu, vậy bọn bây đi công tác cách nào?”. Phạm Hiệp chỉ quanh cái hang, trình bày: “Ban ngày, ở ngoài này, tối rúc vào hang. Hang có chỗ để treo cả chục cái võng, có chỗ nấu ăn, nấu bằng than không sợ khói, có khe, mùa nắng nước vẫn róc rách. Cực cái là Mỹ ở trên đầu. Chúng nói mình nghe được, nên cả ngày chúng tôi nói với nhau chỉ đủ nghe; cuộc sống thì lúc đủ, lúc thiếu. Mấy ngày không vào được khu dồn, không gặp được dân thì thèm cơm lắm. Thời điểm cua đá đi kiếm cái ăn thì anh em tôi cũng bám đường vào làng gặp cơ sở nhận đồ tiếp tế, nắm tình hình, bàn công việc, hỏi thăm dân tình, kiếm gạo, kiếm mắm… coi như hoạt động về đêm, gần sáng lại vào hang”... Chia tay anh em du kích Xuyên Hiệp, ông Tân nói: “Thôi, ở tạm ri cũng được. Nhưng phải cố gắng, tết ni mình tuyên bố ngưng bắn bảy ngày, nghe đâu thằng Thiệu chỉ ngưng bắn ba ngày, sắp bây tranh thủ gặp, hỏi thăm, nói chuyện với bà con, qua đó xây dựng cơ sở, vận động thanh niên ở xóm Núi hướng về cách mạng”.
*
* *
Tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã đầu tư công sức và kinh phí để phục hồi, bảo tồn, phát huy di tích lịch sử căn cứ Hòn Tàu - căn cứ cách mạng của Đặc khu ủy Quảng Đà. Đặc biệt, một con đường lớn cũng đã được đầu tư để ô tô có thể chạy qua đất Xuyên Hiệp - dưới chân Hòn Cóc, sâu vào trong căn cứ Hòn Tàu. Tuyến đường này không chỉ thuận lợi cho nhiệm vụ quốc phòng mà còn tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng, người dân trụ bám năm xưa nay đã già yếu, sức kiệt, hoặc những ai muốn biết, muốn khám phá, tìm hiểu lịch sử có thể đến thăm Hòn Tàu.
Về với Xuyên Hiệp, Hòn Cóc, Hòn Tàu, đâu chỉ có kỷ niệm, còn có cả lòng thành kính, biết ơn hồn thiêng núi rừng, hồn thiêng các anh hùng liệt sĩ!
Ký của HỒ DUY LỆ