Dưới giàn hoa giấy

NY AN 15/12/2022 09:49

(VHQN) - Ngày cơn bão đi qua, cây hoa giấy bị dập tả tơi trụi lủi, rụng hết lá hoa. Vừa hưng hửng nắng, bà Gái đẩy tủ bánh bèo và dọn bàn ghế nhựa ra xếp ngay ngắn dưới gốc cây. Như thường lệ, từ hai giờ chiều tới tối luôn có khách lai rai. May trời nắng nhẹ, không oi gắt như đợt giữa hè, chớ cái cây xơ xác cành như sắp khô héo làm chi còn bóng mát.

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ

Người ta nói hoa giấy tượng trưng cho sự chở che, hạnh phúc trọn vẹn. Năm đó bà Gái đã giữ chặt bông hoa giấy đỏ trong tay như giữ chặt những yêu thương tràn đầy. Loài này sống dai và dễ trồng. Cắm một cành khô xuống đất cằn cỗi, nó vẫn bén rễ vươn cành xanh tốt. Trời càng nắng hoa càng rực rỡ đậm màu. Chắc mùa nắng năm sau cây sẽ ra lá tỏa bóng lại thôi. Bao năm qua đều như thế, dù bão dông quăng quật cỡ nào.

Quán bánh bèo dưới gốc cây hoa giấy có từ lâu lắc, thời tóc bà Gái còn mượt đen gói ghém áo quần dẫn thằng cu Ròm về đây, tới nay tóc bà đã nhuộm màu mây trời. Chòm xóm chẳng còn ai thắc mắc gốc gác quê quán của bà Gái nữa, dù thảng hoặc có vị khách dọc đường nghệch mặt khi nghe chất giọng nhẹ nhàng lạ hoắc của bà giữa đặc sệt giọng Quảng cục mịch.

Hồi bà Gái ghé xứ này, cả thôn được phen nhộn nhạo. Hình như có vụ đánh ghen ì xèo. Nghe nói vợ ông Năm xách chổi dừa qua hỏi chuyện bà Gái. Phải có tình gian ý dối chi, ông Năm mới cắt đất cất căn chòi cho bà Gái ở. Thằng Ròm đích thị con rơi con rớt của ông trong đợt tập kết ra Bắc. Người ta xì xào bà Gái ngó rứa chớ mặt dày, dẫn con tới tận nhà người tình ở chực, rồi còn cướp luôn cái nghề bán bánh bèo của vợ cả. Chắc vợ ông Năm chết sớm cũng vì tức.

Lời đồn thổi theo gió bay, từ miệng người này qua tai người kia đã thành câu chuyện khác. Cho tới khi thằng Ròm lấy con gái ông Năm, mấy kẻ nhiều chuyện mới dị mặt bụm miệng ngừng buôn dưa bán lê.

Mỗi dĩa bánh bèo đầy đủ nhưn ướt đặc quánh gồm tôm, thịt nạc, nấm mèo băm nhuyễn. Thêm ít chả cây, bà Gái chỉ lấy mười lăm, hai mươi nghìn đồng. Ai muốn ăn chén bà tính tiền theo chén. Món này ngon nhờ có nước mắm chua ngọt cay the the chuẩn vị. Bà Gái bán thêm bánh đập chấm mắm nêm, bánh ướt thịt nướng. Tầm hai giờ chiều, bà dọn bán để khách ăn bữa xế, có khi ăn no thay cơm tối.

Từ ngày vợ ông Năm mất, mỗi sáng bà Gái kiêm luôn việc quét sân vườn, chăm đàn gà cho ông Năm. Hai căn nhà không chỉ chung vách mà còn chung ngõ, có bữa chung cả mâm cơm trưa của hai ông bà già. Bà Gái vun mấy luống đất trồng rau lang. Lúc rảnh rỗi, bà phụ ông Năm nhổ mớ cây chó đẻ, hương nhu, ngải cứu, cỏ vòi voi trong vườn phơi khô làm thuốc nam.

Thằng Ròm với vợ nó đi làm cả ngày trên thị trấn. Chiều nhập nhoạng, đứa này về nhà tóc tai bết bát mặt mày xụi lơ, trong khi đứa kia đổ ập trên giường với mùi rượu bia nồng nặc. Thành thử khu vườn rộng, hai căn nhà rộng chỉ có ông sui bà sui quay ra quẩn vô.

Vợ thằng Ròm nhất quyết không chịu đập hai căn nhà xây gộp lại thành một. Cứ để má ở bên nhà má, vợ chồng ở bên ni cho riêng tư. Thằng Ròm tức tối cô vợ cứng đầu cứng cổ. Nhà đã neo người rồi, còn chia ra ăn, chia ra ở, hàng xóm ngó vô họ cười cho. Ai cười kệ ai. Má anh ở bên kia thờ ba anh, em ở bên ni giỗ quảy cho ba má em, nhập vô rồi bàn thờ ai trước ai sau! Vợ thằng Ròm mang cái bụng bầu nguây nguẩy dọn dẹp mâm cúng xả tang ông Năm. Bữa đó mưa trắng trời, nước dâng ngập úng hết đám thuốc nam trong vườn.

Bà Gái can thằng Ròm. Thú thực má chẳng muốn ở chung. Ngày nào bây cũng nhậu, má già cả rồi chịu mùi rượu không nổi. Bây đi sớm về khuya, cửa nẻo khép hờ má đâu yên tâm ngủ. Bà nói đoạn đứng lên đội nón chạy ù dưới cơn mưa về nhà bên kia. Bà biết vợ thằng Ròm vẫn còn canh cánh trong lòng câu chuyện xa lắc lơ.

Ở riêng càng tốt cho đôi đàng. Những người đã trải qua bao mưa nắng dông gió cuộc đời như bà, càng lớn tuổi lại càng thích lôi mớ ký ức cũ kỹ ra phủi bụi. Bà sợ một lúc nào đó lỡ lời, lại kể về những bí mật bị thời gian làm cho mơ hồ. Quả thật, ngày đó, bà là tình đầu của ông Năm. Nhưng ông đã hứa hôn ở quê, còn bà sắp lên xe hoa theo sắp xếp của họ hàng. Ba thằng Ròm mất, bà Gái thành quả phụ chăn đơn gối chiếc, đành lặn lội vào tận trong này ăn nhờ ở đậu nhà người cũ.

Mấy nay quán bánh bèo bà Gái bán thêm cả buổi sáng. Con dâu bà nghỉ ở nhà nội trợ chăm con, như giành mất phần việc vốn dĩ của bà. Vợ thằng Ròm nhổ tận gốc hết mấy cây thuốc nam của ba nó. Ông Năm đâu còn sống để bốc thuốc cho chòm xóm nữa. Vợ thằng Ròm đổi nết, hay ra quán phụ bà Gái. Thật ra, nó đi tìm con bé con ba tuổi của nó.

Cháu nội của bà Gái hay trốn má qua nhà bà chơi. Bà Gái ở nhà trên con bé lên nhà trên, bà xuống nhà dưới cháu quấn chân đi theo. Bà nội mở tụng kinh Phật, con bé chui vào lòng nằm nghe chăm chú. Nhờ con bé, vợ thằng Ròm trở nên thân thiết hơn với má chồng. Bằng một cách kỳ diệu nào đó, con nít luôn là cầu nối tốt nhất gắn kết các thành viên trong gia đình.

Bữa đầu nhìn cây hoa giấy đỏ rực trước cổng nhà ông Năm, bà Gái đã biết rằng, nếu cội rễ vững chãi, khi qua cơn dông bão sẽ nảy mầm yêu thương. Như sáng nay nắng lên sau trận mưa tầm tã, vợ thằng Ròm phụ má chồng dọn quán bánh bèo, chợt ngước mắt lên thấy mầm xanh hé nở trên cành cây hoa giấy đang còn trơ trọi lá.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dưới giàn hoa giấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO