Nhà thơ của đất cảng Hải Phòng - nhà thơ Thanh Tùng vừa mất (12.9.2017). Có lẽ bạn đọc biết đến Thanh Tùng qua bài thơ “Thời hoa đỏ” và như ông tâm sự là “nhờ bài hát phổ thơ” ông của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng những năm bắt đầu “đổi mới” cuối 80 đầu 90 thế kỷ trước…
Bài thơ - bài hát với lứa tuổi chúng tôi có bao nhiêu là kỷ niệm. Gần ba mươi năm lớp sư phạm văn ra trường, trong một lần hạnh ngộ, bài hát được tập rất vội, ba nữ hát bè là ba cô giáo ở ba nơi, một Quảng Trị, một Đắk Lắk, một Đà Nẵng, một nam hát chính còn trẻ, giọng trầm ấm, một đệm guitar già… “Sau bài hát rồi em lặng im, cái lặng im rực màu hoa đỏ. Sau bài hát rồi em như thể - em của thời hoa đỏ ngày xưa. Sau bài hát rồi anh cũng thế, anh của thời hoa đỏ ngày xưa… Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi…”. Bài hát “lấy” bao nhiêu là nước mắt bè bạn, thầy cô vì ai mà chẳng có “thời hoa đỏ” riêng mình và “khổ” nhất là sự “lây lan cảm xúc” như một cơn “lên đồng tập thể” - người hát vừa hát vừa khóc, người nghe lặng thinh mà “má môi mằn mặn”…
Năm 1997 hay 1998 chi đó, Thanh Tùng vô Hội An chơi trước khi vào hẳn Sài Gòn. Khi được “chào” là tác giả của “thời hoa đỏ”, ông nói “quá hạnh phúc” và kể lại rằng “mình viết nhiều nhưng ai cũng nhắc Thời hoa đỏ, thơ quả là kỳ diệu, thơ kéo con người xích lại và yêu thương nhau”. Thanh Tùng vô Hội An để gặp Vũ Minh vì Vũ Minh là bạn của “thời hoa đỏ” Hải Phòng. Thanh Tùng sinh năm 1935 ở Nam Định nhưng “lớn lên” ở Hải Phòng, ông từng làm lao công bốc vác và sau đó là công nhân đóng tàu. Năm đó (1997) ngoài 60 nhưng vóc dáng ông vẫn cao to. Ông là một nghệ sĩ - thợ thuyền của đất cảng vì ông có “thời hoa đỏ”: “…trong câu thơ của anh, em không có mặt, anh đâu buồn mà chỉ tiếc, em không đi hết những ngày đắm say…”.
Năm 1973 khi nhận được tin người vợ cũ mất vì bạo bệnh, ông từ Hải Phòng đi Quảng Ninh tiễn biệt, đã có thời mặn nồng, đã có thời “tan tác”, thời nắm tay nhau và thời “anh biết mình vô nghĩa đi bên em” nhưng đó là lần cuối… “hoa như mưa rơi rơi, cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi, như máu ứa một thời trai trẻ” (Thời hoa đỏ). Bài thơ chỉ được “truyền miệng” và ghi chép trong sổ tay của những người yêu thơ vì thơ mang tình cảm cá nhân, vị kỷ, bi quan theo quan niệm chung thời bấy giờ. Sau này khi phổ nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng cũng xin tự “hạ” bớt sắc thái “gay gắt” của lời thơ như thay “tan tác” của hoa thành “xao xác” và “quên” những câu “hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ, như vết xước của trái tim” hay “hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ”…
Khi được hỏi “nhìn sâu vào trong mắt nhau” thì tại sao lại “dại khờ”, Thanh Tùng bảo “ấy, dại là chỗ ấy, chỗ nhìn sâu là “chết chìm” trong đáy mắt, chứ sao”. Một khi mất nhau - những người từng yêu nhau say đắm tuy đau lắm nhưng vẫn đủ từ bi để yêu ký ức đẹp đã có của một thời hoa đỏ, thời chúng ta còn sống hồn nhiên như cây cỏ, khờ khạo như một gã làm thơ “mải mê về một màu mây xa, cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ” và “em hát một câu thơ cũ, cái say mê một thời thiếu nữ”…
Thanh Tùng còn mãi với “thời hoa đỏ” vì “mỗi mùa hoa đỏ về”, bao nhiêu lần những tâm hồn yêu nhau cảm thấy nuối tiếc, nợ nần, vì đôi khi càng cố ngồi thiền, cố tập buông bỏ hết tạp niệm nhưng rồi “lòng ta không thể tham thiền được, vừa gặp môi hoa đã nhớ đời” (Chế Lan Viên). Mùa hoa đỏ về, đành hát Anh Bằng… “người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm” (Sầu lẻ bóng)…
PHÙNG TẤN ĐÔNG