Những ngày qua đến đâu, ở đâu cũng nghe râm ran chuyện trẻ em đuối nước ở các địa phương. Những người bàn chuyện vừa thương cảm xót xa đã chuyển sang lo lắng cho con em mình, nhất là khi mùa hè đã dợm sang.
Bảo sao không lo khi liên tục có thông tin trẻ em gặp nạn do đuối nước: Trưa ngày 1.5, nhóm học sinh ở Bình Phước không may đuối nước khiến 4 em tử vong. Chiều 4.5, tại xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cả 5 em học sinh bị đuối nước thương tâm khi rủ nhau ra sông tắm...
Nhìn lại Quảng Nam, địa phương có đa dạng địa hình với khá nhiều sông suối, ao hồ, đập thủy lợi, thủy điện, lại có bờ biển dài 125km với nhiều bãi tắm... khiến nguy cơ đuối nước, nhất là ở trẻ em, luôn rình rập. Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 trường hợp trẻ em đuối nước, trong đó tại Núi Thành 3 trường hợp, Đại Lộc 1 trường hợp, Tiên Phước 2 trường hợp.
Trẻ em đuối nước là vấn đề thường xuyên được cảnh báo, nhất là vào mùa hè; nơi nào cũng nghe tuyên truyền kêu gọi gia đình, nhà trường, cộng đồng chung tay phòng chống đuối nước ở trẻ em; nhưng năm nào cũng xảy ra các vụ tai nạn trẻ em đuối nước thương tâm.
Từ năm 2016 UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng đề án phổ cập bơi, phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em. Sở VH-TT&DL, sau đó là Sở GD-ĐT, được giao trách nhiệm xây dựng dự thảo và đã nhiều lần UBND tỉnh tổ chức họp để góp ý hoàn thiện đề án. Nhưng do nhiều nguyên nhân, đến nay dự thảo đề án này vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền thông qua.
Để bảo vệ trẻ em địa phương mình, học sinh trường mình, các địa phương, trường học phải tự thân vận động, tùy khả năng tài chính mà tổ chức các lớp dạy bơi, tập huấn kỹ năng...
Về phía phụ huynh, để bảo vệ con em mình, họ thường chủ động tìm đến các lớp dạy bơi tư nhân cho con theo học. Nhưng cũng thực lòng mà nói, không phải lớp học bơi nào cũng đạt yêu cầu; chưa hẳn huấn luyện viên dạy bơi nào cũng truyền đạt tốt kỹ năng; và một điều rằng không thể trẻ em nào cũng tiếp thu và thực hành được các bài học để bảo vệ mình khi gặp tai nạn liên quan đến sông nước.
Nhiều lần cho con theo các khóa học bơi, tôi cũng đã có những trải nghiệm “cười ra nước mắt”. Ở khóa bơi đầu tiên, lớp học của con trai tôi chỉ có một hồ bơi chung với mực nước trung bình 1m, tới ngang ngực. Học bơi từ sơ đẳng đến nâng cao chỉ một hồ bơi đó, nên khi ra thực tế cu cậu chỉ bơi được khi đứng ở vùng có mực nước tới ngực. Còn lần nào lỡ quên đem theo mắt kính bơi là không thể xuống nước vì “thầy bảo khi bơi phải đeo mắt kính bơi”...
Còn điều nữa, không phải cứ biết bơi là không đuối nước. Bởi, đuối nước còn đến từ các nguyên nhân bị chuột rút; cơ thể bị tác động bởi thời tiết dẫn đến say nắng, say nóng; hoặc không dự lường được sức của mình so với chặng bơi, không kiểm soát khả năng của bản thân dẫn đến bị sặc nước, ngạt nước và đuối nước do đuối sức.
Do đó, truyền đạt cho trẻ những kỹ năng ứng phó để có thể sinh tồn khi gặp phải trường hợp ngoài ý muốn lúc ở dưới nước là điều quan trọng nhưng hầu như ít thấy đề cập trong các khóa học bơi.
Trước nguy cơ tai nạn đuối nước ở trẻ, cuối tháng 4 vừa qua UBND tỉnh có Công văn số 2547 yêu cầu tăng cường phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em, đảm bảo cho trẻ được phát triển toàn diện, sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có Công điện số 398 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tăng cường công tác phòng chống đuối nước trẻ em.
Các văn bản chỉ đạo liên quan đến phòng chống tai nạn đuối nước hầu như năm nào cũng có. Nhưng cốt lõi là chỉ đạo phải đi liền với hành động thiết thực từ cơ sở. Ngoài việc dạy kỹ năng bơi, cần tập huấn cho trẻ kỹ năng xử lý tình huống tự bảo vệ mình trong các trường hợp có thể dẫn đến đuối nước, cứu người đuối nước và sơ cứu đuối nước.
Gia đình, nhà trường và xã hội, ngoài trách nhiệm bảo vệ chăm sóc trẻ em, hãy cho các em biết cách tự bảo vệ mình.