Đường càng ngày càng xa

TIÊU ĐÌNH 05/05/2013 09:34

Lần nào về quê đi ngang qua nhà lão Đớm tôi đều nhìn vào, cả khi lão không ở nhà hay tôi đang lơ đễnh vì một nhân vật truyện ngắn. Đó là thói quen của tôi từ hồi còn nhỏ cho đến bây giờ, khi đã gần sáu mươi. Không phải căn nhà của lão có gì đặc biệt, mà do lão quá đặc biệt trong ký ức tuổi thơ tôi.

Cha tôi kể, làm cái nhà này cha phải gần hai mươi năm tích cóp từng đồng như con chim sâu tha rác làm ổ chứ không phải đổ tiền ào ào ra là xong đâu. Các con giờ sướng quá, lấy tiền sai khiến tất cả. Tội nghiệp ông Đớm, không có ổng chẳng biết cha có làm nổi cái nhà này không. Cứ ngày nào cũng mẹ mày dậy sớm từ hồi gà gáy đầu, nấu cơm đùm trong mo cau để cha với ổng lên tuốt trên An Tráng mua cây. Mà đâu phải chỉ mỗi chuyện mua cây, chuyến lên nguồn hai anh em quảy theo hai gánh đồ rèn, vừa dạo bán kiếm tiền vừa lùng sục các xóm sâu trong núi để dạm hỏi cây, đặt tiền cọc trước. Có khi lên tận trên Bà Huỳnh, Bà Xá cả nửa tháng trời mới về. Chuyến về lại gánh theo nào mít non, chè, tiêu, bồ kết, nếp thơm….

Chuyện cha kể chỉ gây ấn tượng mạnh trong tôi khi gần đây có người đến tham quan ngôi nhà do cha tôi để lại. Họ trầm trồ bảo toàn là gỗ quý, không biết thời xưa cha ông mình tìm đâu ra nhiều gỗ quý thế này. Tôi kiểm nghiệm điều họ khen qua việc chứng kiến lũ mối mọt đã mấy chục năm trời không dám đụng tới. Ngôi nhà thấp xệch, những cây cột, đòn tay, xuyên tránh đổi màu vì bụi bặm và mạng nhện bám đầy mà vẫn cứ uy nghi một nét cổ kính.

Một công hai việc, tôi đến thăm lão Đớm để hỏi thêm về ngôi nhà và người cha mất sớm, nhân tiện khai thác chút đỉnh kho tàng hò khoan đối đáp của lão.  Ngoài lão ra, không còn ai gắn bó nhiều hơn với gia đình nhà ở cái thời hoành tráng xa xưa. Hồi còn nhỏ, tôi đã từng được nghe lão kể vô số những chuyện vui đông tây kim cổ. Nghe kể khi lão rót đường ở che mía nhà ông Huệ, khi bới khoai vun sắn cho cha tôi, khi đốn cây trên rừng hay đi cày, tát ao bắt cá ngoài đồng. Chuyện nào lão kể cũng có duyên, cũng pha chút trào tiếu, hoang nghịch một cách thông minh dí dỏm và được kết thúc bằng một trận cười tức bụng. Có chuyện tôi đã bỏ rơi đâu đó dọc đường bôn ba làm người, nhưng cũng có chuyện đến chết vẫn không thể nào quên. Ví như chuyện “Bóp cái gốc” thực đến một trăm phần trăm sau đây. Hồi đó, đoàn người khiêng cây cho nhà tôi có tám người. Thực khiêng chỉ ba đòn sáu người, còn lại hai người thay nhau phụ vào những chỗ khó. Đường xa mệt ngất mà lão Đớm còn đòi bóp vú một cô sơn nữ đang đi chợ về giữa đồng xa mông quạnh. Mọi người thách đố, bóp được thì họ sẽ miễn khiêng cho lão trong khoảng hơn nửa đường còn lại. Thế là lão xông tới, lè kè theo cô gái. Không biết lão nói gì với cô ta, chỉ thấy sau đó lão bóp bóp vào lưng cô gái. Cô gái không phản đối, còn lão quay lại nói “xong rồi” và đòi không khiêng cây nữa. Mọi người la ó: “Bóp chi rứa mà bóp!”. “Thì tui bóp cái gốc, như khiêng cây vậy, khiêng đầu gốc mới khổ chứ bộ!”.

Nhà lão Đớm vẫn nghèo, cho đến bây giờ tôi vẫn cứ thắc mắc: không hiểu vì sao to khỏe, thông minh và lợi khẩu như lão mà cuộc đời vẫn nghèo khổ? Lão Đớm ngồi một mình trên phản, một chân thả lỏng, một chân co tựa lên mặt phản. Tấm áo bạc thếch cởi bỏ một bên với cây gậy tre, phơi thân hình cường tráng một thời ra nhăn nhúm và khô đét như con mực nướng. Thấy tôi, lão nhanh miệng: “Chú Bảy”, rồi đọc liền bốn câu thơ mà hồi xưa tôi đã vịnh cảnh bốn thành viên gia đình lão gánh lúa: “Lểnh khểnh đầu hàng ông Tư Đớm/ Loay xoay nhị hạng chú Ba Cơ/ Mình ngà ẻo lả cô Thanh đấy/ Nủng nỉnh đít nen bà Đớm già”. Cả tôi và lão cùng cười. Phải nói lão Đớm có trí nhớ tốt thật. Nhờ vậy mà tôi hỏi đến đâu lão nhớ và nói vanh vách đến đó. Lão khen cha tôi sống có nghĩa tình, giàu mà không kiêu, chặt chịa kế hoạch làm ăn chi phí, chứ không như lão vui đâu chúc đó. “Cha chú làm lên được cái nhà to đẹp nhất làng cũng nhờ đó mà ra. Tiếc là những người như thế lại đoản mệnh”. Rồi lão hát mấy câu hát lục đâu ra từ hồi Bảo Đại mới chào đời: “Cái nhà là nhà của ta/ Công khó ông cha làm ra/ Cháu con phải gìn giữ lấy/ Muôn năm với nước non nhà”.

Cuối buổi, tôi được lão say sưa đãi cho một chầu hò khoan đối đáp khỏi chê vào đâu được. Không biết chẳng học hành chu đáo như lão mà vốn chữ nghĩa ở đâu cứ như sông suối, tuôn chảy mãi không hết. Hóa ra hồi nhỏ tôi mê lão kể chuyện, hát hò khoan vì một lẽ khác. Bây giờ ngấm đến tận lông da xương tủy những trải nghiệm đau thương mất mát của một đời người, tôi thấm thía những câu hát ấy từ một phía khác - phía ý nghĩa nhìn lại chứ không phải nhìn tới. Lão rầu rầu, giọng bây giờ không còn được như hồi xưa nữa, chứ hồi xưa con gái mà nghe Tư Đớm này hát thì có mà bỏ chồng bỏ nhà, xách gói chạy theo như chơi.

Thấy tôi có vẻ ái ngại nhìn cây gậy tre theo lão Đớm chậm chạp tiễn tôi ra hiên, lão nói: “Sức bây giờ cũng sắp mãn cuộc rồi, không được như hồi xưa nữa. Xưa, khiêng cây, làm ruộng cho ông già nhà chú từ mưng sáng đến tối mịt mà vừa thả con trâu cái cày ra, chưa kịp ăn uống, đã rủ nhau đi hát hò khoan. Có ngày tui đi bộ cả mấy chục cây số mà vẫn thấy khỏe, còn chừ thì vô ra cũng sân với vườn, vườn với sân, muốn ghé sang hàng xóm một chút cũng ngại. Đường càng ngày càng xa rồi chú ơi, mà mộ thì càng ngày càng gần”.

Sau lần đó, lâu lắm tôi mới có dịp ghé thăm lão Đớm. Lần này thì đúng là đường không còn xa hay gần đối với lão nữa. Đường đã thu ngắn lại chỉ còn là một dấu chấm nhỏ mà một đời tung hoành ngang dọc như lão đi hoài vẫn không tới được. Lão Đớm nằm bẹp dí như tàu lá chuối khô trên chiếc giường tre cũ kỹ. Cháu lão nói, nội không muốn nằm giường gỗ vì nội lo chết đi cái giường phải đốt theo người. Lão Đớm không còn nhận ra tôi, đôi mắt dường như đang bị cái màn hư ảo của cuộc đời giăng lấp. Tôi cầm tay lão và nhớ cái ngày lão cõng tôi trên lưng để xem cho được cảnh Địch Thanh ra trận. Có cảm giác như tôi chỉ cần bóp mạnh một cái thì bàn tay lão nát vụn, giòn rụm như chiếc bánh tráng nướng.

Trên đường về, tôi trăn trở mãi về những cuộc đời như lão Đớm, cha tôi, và cả tôi nữa. Đời dài và nghèo như lão hay ngắn và giàu như cha tôi rồi cũng chung một đích đến. Và tôi, tôi cũng đã bắt đầu thấy đường càng ngày càng xa, đến một lúc nào đó tôi và hết thảy những người thành đạt, không thành đạt đều sẽ gặp nhau. Vậy sao con người lại sống tệ với nhau cho đến ngày gần đất xa trời mới ngộ ra mọi lẽ?

TIÊU ĐÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đường càng ngày càng xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO