Đường đến Ăng Co - Kỳ 1: Hành tiến về phương Nam

TRẦN MINH HÙNG 07/01/2014 09:07

LTS:  Ngày 7.1.1979, quân tình nguyện Việt Nam tiến công vào Phnom Penh, giải phóng và cứu dân tộc Campuchia thoát nạn diệt chủng. Ba mươi lăm năm đã trôi qua nhưng ký ức về những ngày sôi sục máu lửa trên đất bạn vẫn còn in đậm trong  tâm trí của nhiều cựu binh Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng. Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng may mắn có dịp được trợ bút biên tập cho những trang viết mang hơi thở nóng hổi câu chuyện trên đường ra trận của Thiếu tướng Trần Minh Hùng, người con của quê hương Quảng Nam,  nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5, khi đó là cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn. Báo Quảng Nam xin trích đăng một phần hồ sơ tư liệu rút từ nhật ký của Thiếu tướng Trần Minh Hùng, hầu giúp quý vị độc giả hình dung về không khí chiến trận và lòng người thời ấy…

BÀI 1: HÀNH TIẾN VỀ PHƯƠNG NAM

Ngày 2.12.1978, Ủy ban Trung ương Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra tuyên bố thành lập, quyết “Giương cao ngọn cờ yêu nước, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân đánh đổ chế độ độc tài khát máu Pôn Pốt, Iêng Xa-ri, thiết lập chế độ dân chủ nhân dân...”. Mặt trận tha thiết kêu gọi nhân dân và các nước, các tổ chức quốc tế... đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ hãy tích cực ủng hộ và giúp đỡ mọi mặt cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân  Campuchia.

  • Đường đến Ăng Co - Kỳ 2: Vào trận
  • Đường đến Ăng Co - Kỳ cuối: Vui sao nước mắt lại trào
Luyện tập pháo phòng không 37 ly.
Luyện tập pháo phòng không 37 ly.

Trong tình hình nước sôi lửa bỏng ấy, tôi được giao nhiệm vụ cùng Trung đoàn 95 thực hiện công tác giúp bạn. Tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình” quán triệt phổ biến trong thời gian hết sức khẩn trương. Tôi hiểu đây còn là chuyến hành quân dài ngày, sẽ vượt bao gian khó, nhưng tinh thần người lính đã sẵn sàng với mệnh lệnh của trái tim: “Nếu là chiến sĩ thì không bao giờ buông vũ khí - Đã là chỉ huy thì không thể nghỉ lúc Tổ quốc cần - Hy sinh vì nước, vì dân - ấy là đức tính phải cần luyện tôi ”.

Vào lúc 17 giờ 20.8.1978, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, chúng tôi lên đường vượt 74km từ Khe Sanh, Hướng Hóa về Cam Lộ (Quảng Trị), rồi tạm dừng tiếp nhận phương tiện và trang bị của Đoàn vận tải ô tô Quang Trung. Đến 16 giờ ngày 22.12, đi qua 258km, chúng tôi đã đến Kỳ Chánh, phía nam thị xã Tam Kỳ của Quảng Nam. Dọc đường hành quân qua quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, chúng tôi nhắc nhau về những câu chuyện của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, về mảnh đất “Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”. Chúng tôi đi với tiếng gọi Tổ quốc lâm nguy vì biên giới Tây Nam đã vang trời súng nổ, và dân tộc Campuchia đang rên xiết dưới sự tàn sát của bọn diệt chủng Pôn-Pốt, Iêng Xa-ri. Đêm hành quân, trời mưa nhưng những người dân xứ Quảng đứng hai bên đường gặp xe chúng tôi qua vẫn  vẫy chào với ánh mắt và niềm tin tất thắng.

Ngày 23.12.1978, chuẩn bị đi chặng đường 249km, cuộc hành quân tạm dừng ở bắc đèo Cù Mông, Bình Định thì nhận được điện động viên của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 biểu dương cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 95: “Đợt hành quân diễn tập sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ chấp hành mệnh lệnh nghiêm; quán triệt nhiệm vụ tốt, đoàn kết, bảo đảm quân số cao; kỷ luật nghiêm trong từng ngày hành quân đã ổn định nền nếp và tiến bộ...”. Bức điện là nguồn động lực, tiếp sức cho quyết tâm, khí thế nhân lên, cán bộ tăng trách nhiệm, chiến sĩ tự giác, quyền làm chủ tập thể và kỷ luật bộ đội trong hành quân được tăng cường, trong hiệp đồng với đoàn vận tải ô tô Zin 130 của D101/E573 khi cơ động qua những làng quê miền Trung.

Càng vào sâu phía nam, chúng tôi lại gặp thêm nhiều đơn vị bạn cùng hành quân bằng cơ giới, càng đi nhanh càng thấm bụi đường, tâm tư của người ra trận tuy bên ngoài là vẻ máu lửa nhưng bên trong là cả những nỗi lòng nung nấu vì cuộc chiến cam go phía trước.

(...)

Đã là đêm thứ tư, chúng tôi đi qua không biết bao nhiêu làng quê quen thuộc trải dài trên bản đồ Việt Nam. Cán bộ, chiến sĩ đã thấm mệt, trên khuôn mặt đã bắt đầu hằn lên những nét thâm quầng vì thiếu ngủ, nhất là bác Điện, Chủ nhiệm quân y. Tuy các đồng chí già yếu khá vất vả nhưng vẫn bám đơn vị để động viên bộ đội: “Đường dài, gối mỏi, lưng đau/ chân đi không được lấy đầu mà đi...”.

Bằng chứng diệt chủng của Pôn Pốt.
Bằng chứng diệt chủng của Pôn Pốt.

Chúng tôi tiếp tục hành quân, phương Nam đang nhích đến gần. Tinh thần sẵn sàng chiến đấu đã đi sâu vào ý thức của quân nhân, sự trưởng thành và ý thức kỷ luật được nâng lên. Là người chỉ huy trưởng trong cuộc hành quân (thay cho Trung đoàn trưởng đi chuẩn bị chiến trường), tôi thấy mình lớn lên nhiều và mỗi ngày đúc kết thêm kinh nghiệm tổ chức chỉ huy và bảo đảm hậu cần. Vì thực tế, từ khi tôi nhận chức ở Ban chỉ huy, Trung đoàn chưa tổ chức hành quân chiến đấu đường dài bằng cơ giới. Thông qua hành quân, tính tập thể của đảng ủy, trách nhiệm của các đồng chí cấp phó và các đơn vị đến các chiến sĩ quyện chặt, là yếu tố bảo đảm cho mỗi chặng hành quân được tổ chức nhanh gọn, đến đúng địa điểm theo thời gian quy định, an toàn.

(...)

Ngày 25.12.1978, phải vượt chặng đường 281km. Chúng tôi tập kết phía đông bắc thị xã Xuân Lộc, nơi vẫn còn hằn in dấu chân của chiến sĩ Trung đoàn 95 trong chiến dịch Mùa Xuân 1975, khi phối hợp chiến đấu với các lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ đập tan chiến đoàn 52 ngụy, đập tan cánh cửa thép đông bắc Sài Gòn để tiến vào giải phóng thành đô xưa của Gia Định. Giờ đây, những người lính tiếp bước cha anh với đoạn đường 200km. Đến 18 giờ cùng ngày, chúng tôi qua xa lộ Biên Hòa về lộ 2, lộ 4 và ngã ba Mỹ Tho, một đêm hành quân đội hình gọn, tốc độ đều và có lẽ cùng chung tâm trạng xúc động khi đi  giữa “Nam Bộ thành đồng”. Càng về khuya, đồng bằng Nam Bộ càng man mác hương vị, trào dâng những ký ức về xứ sở sầu riêng, về “nơi gạo trắng nước trong”. Khi xe sắp qua cầu Bến Lức  có chiến sĩ thốt lên: “Thủ trưởng ơi! Nhầm đường rồi, rẽ phải thôi”. “Không phải nhầm đâu. Vị trí tập kết cuộc hành quân không ở TP.Hồ Chí Minh, cứ đi!”. Sau câu trả lời của tôi, mọi người ồ lên tỏ vẻ tiếc một đêm không được vào thành phố mang tên Bác. Đúng 1 giờ 30 phút ngày 26.12.1978, toàn bộ 46 xe ô tô đã vào tập kết tại căn cứ Đồng Tâm đúng quy định và an toàn. Riêng xe đội quân y thu dung lúc 2 giờ cũng về  đến địa điểm. Tôi yên tâm và biểu dương đội  thu dung của trung đoàn đã làm được một việc có ý nghĩa là cấp cứu kịp thời một xe của đơn vị bạn (D17/F) bị tai nạn dọc đường, càng thêm tin tưởng vào trình độ chuyên môn của đội ngũ y - bác sĩ  trước khi bước vào trận chiến đấu mới.

18 giờ ngày 26.12, chặng đường 280km, căn cứ Đồng Tâm, thị xã Mỹ Tho xa dần. Chúng tôi tiếp tục hành quân theo lộ 4, khói đường nghi ngút sau một ngày ngâm mình dưới nắng. Tốc độ hành quân tăng dần theo chiều dài xa lộ, chúng tôi tận hưởng hương đồng gió nội trong buổi chiều quê, cảnh vật Mỹ Tho đêm xuống thật đẹp. Tạm dừng kiểm tra đội hình, đi ngang Tiểu đoàn 5, nghe tiếng radio vút lên giọng nữ “cuộc đời vẫn đẹp sao!...”. Ôi sao mà tha thiết, êm dịu! Cảm ơn em người con quê hương đã hát giùm chúng tôi điều ấy. Có cuộc đời nào đẹp hơn cuộc đời những người mặc áo lính “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Ngày 27.12, vượt chặng đường 70km. Rời Mê Linh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang theo tỉnh lộ 90B, chúng tôi đi giữa vùng đất đai trù phú, lúa xanh mơn mởn, cây trái sum sê. Song rõ là lòng dân đang canh cánh âu lo, bởi nơi đây huyện Bảy Núi cách biên giới Việt Nam - Campuchia chưa đầy 20km. Đêm bộ đội dừng chân, phía trước đã có tiếng súng nổ đì đùng xen lẫn từng loạt đại bác. Cuộc chiến đã bắt đầu.

-----------
Kỳ 2: Vào trận

TRẦN MINH HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đường đến Ăng Co - Kỳ 1: Hành tiến về phương Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO