|
KỲ 2: VÀO TRẬN
Ngày 28.12.1978, tại tây Tô Cô, chúng tôi dừng và quán triệt tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ về tinh thần quốc tế vô sản để chuẩn bị cho ngày ra quân. Trên đường đi nhận nhiệm vụ từ Binh đoàn về, tôi mải miết suy tư, trái tim như đang bốc lửa. Lại từ radio, cất lên lời hát: “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi/ Thế tiến công như sức mạnh thần kỳ...”. Đêm ấy, tôi viết vội vào sổ tay:
“Vâng, Bảy Núi đây, Tây Nam ơi !
chúng tôi đang đợi
chờ ngày xuất quân...”
Ngày 1.1.1979, tại vị trí tập kết ở Bảy Núi, Đảng ủy Trung đoàn họp, chính thức thông qua phương án tác chiến và bàn biện pháp lãnh đạo bộ đội thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Ngay chiều tối hôm đó, chỉ huy trung đoàn thông qua quyết tâm chiến đấu của các Tiểu đoàn 4, 5, 6 và ra chỉ thị hiệp đồng chiến đấu cho các binh chủng. Để giành thắng lợi, yêu cầu đặt ra đối với các lực lượng của trung đoàn là phải đột phá mạnh, thọc sâu nhanh vào các mục tiêu, vừa bảo vệ vững chắc vùng biên giới, vừa hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của quân đội ta và truyền thống tốt đẹp của trung đoàn. Quyết tâm của đảng ủy cũng đồng thời là quyết tâm, nguyện vọng của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 95 anh hùng.
Bộ đội Việt Nam phối hợp tiến công đánh địch giải phóng Campuchia năm 1979. |
Thời gian nổ súng mở màn chiến dịch đã gần tới, các đơn vị khẩn trương hoàn thành mọi công tác chuẩn bị để kịp bước vào chiến đấu theo đúng yêu cầu của mặt trận. Một trong những công tác trọng tâm lúc này là giáo dục quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững những quy định về chấp hành chính sách trong quá trình làm nhiệm vụ quốc tế, đặc biệt là phân công chỉ huy đi cùng các hướng để giúp đỡ đơn vị thực hiện một cách triệt để nghiêm túc sứ mệnh được giao. Tôi cùng Tiểu đoàn 6 bước vào trận khai hỏa ở An Trao. Điều đầu tiên, chúng tôi bàn bạc dân chủ để chọn người chỉ huy các mũi, cũng như phương pháp khắc phục các loại chướng ngại vật trên đường hành tiến ở địa hình mới lạ và chưa chuẩn bị kỹ.
5 giờ 30 phút ngày 7.1.1979, trung đoàn đột phá vào mục tiêu chủ yếu Tức Mía. Hướng Tiểu đoàn 5 loại khỏi vòng chiến đấu 100 tên địch. Tiểu đoàn 4 giành thắng lợi giòn giã, loại khỏi vòng chiến đấu 200 tên. Kết thúc giai đoạn 1 của chiến dịch, trung đoàn đã cùng đơn vị bạn đánh bật kẻ địch ra khỏi lãnh thổ của Tổ quốc và phát triển tiến công, tiêu diệt, đánh thiệt hại nặng một bộ phận lực lượng phản động có vũ trang ở Campuchia, góp phần hỗ trợ cho lực lượng vũ trang của bạn đập tan chính quyền Pôn Pốt, Iêng Xa-ri.
Trong chiến công của trung đoàn, ngoài trách nhiệm là một người đi cùng trực tiếp, tôi không khỏi tiếc thương và khâm phục những gương chiến đấu dũng cảm của đồng đội, trong đó có Thiếu úy Đoàn Thăng Long - Đại đội phó Đại đội 9, Tiểu đoàn 6. Anh dẫn đầu đội hình một mũi thọc sâu vào căn cứ địch ở Kờ Răng Leo (6.1), chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hay như Lê Tiến Dũng, Hạ sĩ, Tiểu đội trưởng, Đại đội 9 đã chỉ huy tiểu đội thọc sâu, đánh vào Tức Mía, bị thương nặng ở chân vẫn trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Những gương chiến đấu hy sinh của các anh mãi mãi đi vào truyền thống của dân tộc và ghi dấu tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia thủy chung, son sắt. Các anh đều xứng đáng được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Ngày 8.1.1979, sau 3 ngày hành tiến từ biên giới, chúng tôi đã thực hiện một loạt trận đánh. Tôi tóm lược mấy dòng:
“Ki-ri-vông dập tắt
Qua An Trao quân đi như thác đổ
Quyết chiến Kơ-răng-leo
đột tung Tức Mía
bẻ gãy ngã tư Xúc
Phnôm Pênh thôi thúc
Chúng tôi chọc thủng đường 3, giải phóng thị xã Kampot...”
Về thị xã Kampot đường chim bay cách khoảng 10 - 15km, đường khó, bụng đói, khát nước, đoàn xe vận tải “công ty hợp doanh Đồng Tháp” rất cố gắng nhưng mất gần 10 tiếng đồng hồ mà vẫn chưa đưa được chúng tôi ra đến đường 3. Đến 14 giờ cùng ngày, đành cho bộ đội tạm dừng để lo cơm nước và làm công tác chuẩn bị tổ chức hành quân tiếp theo. Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn họp, tôi không thể phát biểu được vì mất tiếng từ đêm tiến công vào Tức Mía (trực tiếp ngồi xe tăng, trời nắng nóng, thiếu nước, tiếng pháo nổ, tiếng gầm rú của xe tăng và truyền khẩu lệnh cho bộ đội trong suốt ba ngày đêm mất ngủ). Nhìn cử chỉ và ánh mắt của tôi, các anh, nhất là anh Thái, Chính ủy Trung đoàn càng thấu hiểu và cảm thông rằng tôi đã không phụ lòng tập thể và không có gì lay chuyển được ý chí và nhiệt huyết. Chỉ huy trung đoàn tiếp tục giao tôi chỉ huy 1 tiểu đoàn bộ binh và 1 đại đội xe tăng cùng một số phân đội bảo đảm khác thọc sâu vào Kampot.
Nhân dân Campuchia với bộ đội Việt Nam.Ảnh tư liệu |
Ngày 9.1.1979, phải đột phá vào thị xã Kampot. Một chặng đường đầy cam go và quyết liệt, vừa hành tiến vừa trinh sát thăm dò đối phương, gặp địch là đánh mở đường mà tiến. Bản lĩnh chiến trường đã tôi luyện và trải nghiệm qua thời gian trên ghế Học viện Quân sự (1976-1977) càng thôi thúc tôi xáp trận. Tôi chọn thời cơ thích hợp và địa điểm an toàn trên đường hành tiến, hội ý cán bộ và tổ chức đội hình chiến đấu. Tôi ra lệnh toàn bộ hỏa lực súng phòng không 12 ly 7, đại đội liên cối 82 ly đều giá trên các ô tô Zin130, xe tăng thiết giáp xen kẽ đội hình. Khi hành tiến, cứ đại liên quét vào những nơi nghi ngờ để yểm trợ cho đơn vị khác hành tiến. Đúng như dự đoán, quá trình hành tiến phải tạm dừng 5 lần để tổ chức chiến đấu, trong đó có một trọng điểm mà cả cuộc đời tham gia chiến đấu khó thể quên.
Trong chiến công của trung đoàn, ngoài trách nhiệm là một người đi cùng trực tiếp, tôi không khỏi tiếc thương và khâm phục những gương chiến đấu dũng cảm của đồng đội, trong đó có Thiếu úy Đoàn Thăng Long - Đại đội phó Đại đội 9, Tiểu đoàn 6. Anh dẫn đầu đội hình một mũi thọc sâu vào căn cứ địch ở Kờ Răng Leo (6.1), chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hay như Tiểu đội trưởng Lê Tiến Dũng (Đại đội 9) đã chỉ huy tiểu đội thọc sâu, đánh vào Tức Mía, bị thương nặng ở chân vẫn trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Những gương chiến đấu hy sinh của các anh mãi mãi đi vào truyền thống của dân tộc và ghi dấu tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia thủy chung, son sắt. |
Lúc đó khoảng 10 giờ, khi tôi đang chỉ huy trinh sát của trung đoàn vượt qua một chiếc cầu bị sập thì địch nổ súng hai bên, phải dừng. Bất ngờ từ phía sau, một đồng chí cán bộ người to cao, trắng trẻo đến gần vỗ vai tôi: “Nào, đi được chưa anh bạn?”. Tôi ngẩn người và nhận ra đó là đồng chí Nguyễn Hữu An - Tư lệnh Quân đoàn. Tôi vội thưa thì đồng chí ôn tồn bảo: “Không thưa gửi gì cả, Sở Chỉ huy chiến dịch đang ở phía sau các đồng chí, nếu không nhổ sớm mấy thằng áo đen kia (bọn Pôn Pốt) thì tôi cứ đi đấy nhé!”. Rồi ông ra lệnh cho những người đi cùng lui ra để tôi trình bày cách đánh và làm công tác bảo đảm để thủ trưởng đi... Sau khi ông nhất trí với tôi về phương án chiến đấu, tôi ra lệnh cho đại đội trinh sát, 2 xe tăng và 2 thiết giáp hộ tống để xe Tư lệnh chiến dịch vượt qua trọng điểm... Thật hú vía, mãi đến khi về Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng) thủ trưởng An vẫn nhắc về kỷ niệm ấy.
Sở Chỉ huy chiến dịch vượt trọng điểm và chúng tôi bảo đảm cho đến 15 giờ 30 phút bộ phận đi đầu đã chiếm được ngã ba đường vào thị xã Kampot. Đến đây tôi mới hiểu cái thâm độc của bọn phát xít mới Pôn Pốt, Iêng Xa-ri, chúng đã biến nơi đây thành vườn không nhà trống, không chợ búa, lưu thông. Cả thị xã tiêu điều, nhân dân bị lính của Ăng Ka rình rập, thủ tiêu. Trong cương vị chiến sĩ làm nghĩa vụ quốc tế, chúng tôi càng hiểu sâu sắc hơn di huấn của Bác Hồ: “Giúp bạn là giúp mình”. Vì vậy, trong những ngày bộ đội tạm dừng lấy sức, chúng tôi tranh thủ làm công tác dân vận.
----------------
Kỳ cuối: Vui sao nước mắt lại trào
TRẦN MINH HÙNG