Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam vừa công nhận 725 cây pơmu ở Tây Giang là Cây Di sản Việt Nam. Đó là thành quả từ ngẫu nhiên, đến hành trình không ngừng nghỉ của người Cơ Tu và giới nghiên cứu vốn dành nhiều tâm huyết.
GỌI là ngẫu nhiên, vì việc phát hiện “vương quốc” pơmu khá tình cờ, khi người Cơ Tu bản địa khai mở đường vào năm 2011. Cùng với cây 725 cây pơmu, đợt này Tây Giang còn có 2 cây đa được công nhận Cây Di sản Việt Nam, trở thành địa phương đứng đầu cả nước về số lượng Cây Di sản Việt Nam.
Di sản của đại ngàn
Cánh rừng pơmu nằm giữa 2 xã A Xan và Tr’hy, ngay từ ngày phát hiện, đã được người bản địa xem như di sản của đại ngàn ban tặng. Trong bối cảnh rừng nguyên sinh ngày càng thu hẹp bởi các nguyên nhân, thì việc một cánh rừng với số lượng lớn cây, vừa khiến người dân ở đây vui mừng nhưng cũng lắm lo lắng. Bởi thế, từ ngày phát hiện, gìn giữ, rồi được công nhận Cây Di sản Việt Nam là cả một hành trình lắm gian nan. Rừng nơi đây hơi phức tạp, đường là những lối mòn nhỏ hẹp, cắt ngang những bụi cây, dây leo chằng chịt mà chỉ có người dân bản địa mới biết. Xuất phát từ bản Ganil, xã A Xan, đoàn chúng tôi phải đi bộ hơn 6 tiếng đồng hồ mới tới được “vương quốc” pơmu. “Vương quốc” này mang một vẻ đẹp thiên nhiên bình dị mà không phải nơi đâu cũng có.
TS. Lê Huy Cường khoan xác định tuổi cây pơmu. |
Rừng cây pơmu ở đây cao từ 25 - 30m, có cây cao đến 50m, gốc phải nhiều người ôm mới xuể. Cây có vỏ màu ánh nâu, xám, nứt nẻ. Ở những cây già vỏ dày, những vết nứt theo chiều dọc tỏa ra mùi thơm rất đặc trưng. Loài cây này không chịu bóng râm nên vươn mình lớn mãi. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Tây Giang, khu rừng này có 1.234 cây phân bố trên diện tích 250ha thuộc các tiểu khu 94, 97, 101; trong đó cây to nhất có đường kính lên tới gần 3m. Đây được xem là cánh rừng nguyên sinh cuối cùng có trữ lượng lớn nhất ở Nam Trường Sơn.
Theo tài liệu tham khảo ở Việt Nam, cây pơmu có rất nhiều tên gọi như Đinh Hương, Tô Hợp Hương, Mại Vạc. Pơmu thuộc nhóm A2 quý hiếm, lại mang nhiều đặc tính như đường vân rất đẹp, có mùi thơm, không mối mọt nên là đối tượng săn lùng của lâm tặc. Tại Tây Giang, mỗi mét khối pơmu có giá từ 15 - 20 triệu đồng. Nhưng với người Cơ Tu, pơmu không phải để bán mua, vì lẽ đó mà cánh rừng này vẫn còn xanh ngát đến bây giờ.
Cây pơmu có chu vi hơn 7m. Ảnh: ĐÌNH HIỆP |
Giữ vật thiêng của bản làng
Người Cơ Tu quan niệm, pơmu là vật thiêng của làng, nên họ hết sức giữ gìn. Già làng Pơloong Đưm (thôn Arầng 1, xã A Xan) cho biết: Theo truyền thống của đồng bào nơi đây, những cây to trong rừng là chỗ trú ngụ của thần linh, hoặc là nơi linh hồn người chết trú ẩn. Những cây pơmu to lớn cũng không ngoại lệ. Loại gỗ này chôn dưới đất lâu ngày không bị mục nát, nên người dân chỉ dùng để đóng quan tài. “Trước kia, những cây gỗ này chúng tôi thường lấy để làm quan tài, làm nhà, làm gươl. Nhưng khi nghe Đảng, Nhà nước tuyên truyền từ nhiều năm trước, chúng tôi không chặt phá nữa mà bảo vệ nghiêm ngặt. Bây giờ cây pơmu như vật thiêng của bản làng mình, nên quyết tâm gìn giữ cho con cháu mai sau” - già Đưm nói.
Ngay cả trước đây, người dân muốn chặt cây pơmu phải có sự đồng ý của cả làng, rồi phải mời già làng làm lễ cúng xin chặt cây. Bây giờ, cánh rừng pơmu là tài sản quý; không chỉ có giá trị về vật chất, mà còn thấm đượm giá trị tinh thần của người Cơ Tu. Do đó, việc gìn giữ pơmu đối với họ có nhiều ý nghĩa, nên ý thức trách nhiệm khá cao.
Hạt Kiểm lâm huyện Tây Giang cho biết, sau khi phát hiện rừng pơmu, huyện đã nhanh chóng thành lập Tổ quản lý bảo vệ rừng pơmu với 28 thành viên, chủ yếu là thanh niên ở các thôn của xã A Xan. Hằng năm, UBND huyện trích một khoản kinh phí cho người dân và tổ quản lý này. Sau khi đo đếm, xác định trữ lượng, toàn bộ cây pơmu ở đây được gắn chíp định vị và đánh số để dễ quản lý. Hiện nay diện tích rừng này được bảo vệ nghiêm ngặt...
Hành trình thành Cây Di sản
Điều thú vị là bên cạnh 725 cây pơmu, cùng đợt này, Tây Giang còn có 2 cây đa đoàn kết được công nhận, trở thành địa phương đứng đầu cả nước về số lượng Cây Di sản Việt Nam. Hai cây đa này có độ tuổi gần 1.000 năm, được dân làng Arầng 1 gọi là cây đa đoàn kết. Đây là 2 cây đa đã từng được người xã A Xan và Lăng “mượn” để giải hòa với nhau, cùng xóa bỏ hủ tục “săn đầu người” (giặc mùa) tàn khốc. Ngày nay, người dân trong thôn đã xây một bệ thờ dưới hai cây đa này để thờ thần rừng. |
Hành trình trở thành Cây Di sản Việt Nam của pơmu khá gian nan. Bí thư Huyện ủy Tây Giang - Bh’riu Liếc cho biết: “Bản thân tôi nhiều lần kiến nghị bằng văn bản lên tỉnh, trung ương, rồi trực tiếp ra tận Hà Nội làm việc với Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam để giúp hoàn thiện hồ sơ, khoan cây đo độ tuổi để được công nhận cây di sản quốc gia. Năm lần ra Hà Nội, hàng chục lần chỉnh sửa hồ sơ, việc công nhận mới hoàn thành. Rừng pơmu không chỉ của Tây Giang mà của Việt Nam mình”.
Tiến sĩ Lê Huy Cường (Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp), người cùng PGS-TS. Vũ Đình Hèo - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam từng lặn lội lên “vương quốc” pơmu cho biết, đã mất khoảng một tuần để khoan, đo đạc... nhằm đánh giá độ tuổi cây pơmu. “Những cây pơmu ở đây rất đặc trưng, thân to, thẳng, rễ chùm và gỗ rất thơm. Khoảng hơn 700 cây có độ tuổi trên 700 năm. Hiện nay, ở nước ta, những rừng pơmu như thế này rất ít. Đây là tặng vật mà thiên nhiên ban tặng cho Tây Giang, chúng ta cần gìn giữ một cách cẩn thận” - TS.Lê Huy Cường cho hay.
ĐÌNH HIỆP - XUÂN KHÁNH