(QNO) - Huỳnh Văn Cường - chàng trai sinh năm 1997, quê làng Phước Yên, thôn Phú Phước, xã Đại An (Đại Lộc) đánh bại đối thủ người Indonesia ở trận chung kết hạng cân 65kg nam, trước khi vượt qua 3 đối thủ khác để giành tấm huy chương vàng (HCV) môn Kun Bokator cho đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 32.
Cường kể, đây là lần đầu tiên anh bước chân ra đấu trường lớn nên rất áp lực, dù để có tên trong danh sách tham dự SEA Games, cá nhân Cường cũng như mọi vận động viên khác đã phải trải qua những đợt sàng lọc, chọn lựa và các thầy trong Ban huấn luyện đội tuyển Kun Bokator Việt Nam không quá đặt nặng thành tích, mà chỉ khuyên học trò cố gắng cống hiến hết mình vì màu cờ sắc áo.
“Lần đầu tiên tham dự SEA Games, mình nghĩ đoạt được huy chương là mừng lắm rồi; nhưng mình rất bất ngờ và thật khó diễn tả được cảm xúc khi đoạt HCV. Thậm chí đến ngày hôm sau, mình không tin là mình đã làm được như vậy. Mình nghĩ là cái duyên với võ thuật, cộng với niềm đam mê, sự may mắn và nguồn động viên của mọi người đã giúp mình có được tấm HCV” - Cường nói.
Trước khi lên đường sang Campuchia (chủ nhà SEA Games 32) thi đấu, được gia đình, thầy cô, người thân, bạn bè động viên - kể cả kỳ vọng và chờ đợi... nên Cường đã rất cố gắng trong thi đấu và khi đoạt được huy chương, Cường muốn báo ngay tin vui đến tất cả mọi người.
Cùng với tập luyện các môn thể thao khác, ở trường Huỳnh Văn Cường tập luyện môn võ cổ truyền Việt Nam. Tới lúc Campuchia đưa môn Kun Bokator - môn võ truyền thống của Campuchia vào nội dung thi đấu, anh và đồng đội mới bước vào luyện tập được khoảng 2 tháng trước khi “đem võ đi đánh xứ người”. Do tập trung luyện tập chỉ trong thời gian ngắn, nên tất cả vận động viên của đội tuyển đều tập luyện tích cực với toàn bộ nỗ lực và cố gắng để không bị chấn thương.
Cường bảo mình đến với thể thao như là cơ duyên. Anh nhớ lại lần tham gia giải điền kinh cấp trường khi học lớp 8 ở Trường THCS Mỹ Hòa (xã Đại An) và đứng vị thứ 3. Đúng lúc đó các thầy ở Trung tâm Huấn luyện TD-TT ở Đà Nẵng về tuyển sinh, Cường được nhà trường giới thiệu với các thầy ở trung tâm.
Lúc đó vóc dáng Cường cũng cao nổi trội hơn các bạn và vài tháng sau Cường được gọi tập trung tập luyện ở Đà Nẵng. Cường chính thức xa gia đình, bạn bè ở làng quê từ đó. Lúc ấy cảm giác nhớ nhà cứ thường trực nhưng rồi Cường lao vào học tập, tập luyện và quen dần với việc xa nhà.
Với Cường và có thể là với mọi người, thời gian đầu tập luyện bao giờ cũng gặp khó khăn, trở ngại. Cơ thể chưa thích nghi với những bài tập, nếu không cố gắng vượt qua sẽ dễ dẫn đến chán nản, nhưng rồi sẽ quen dần với cường độ tập.
Trở về sau giải đấu, Cường đúc kết kinh nghiệm cho chính mình, đồng thời cũng có lời khuyên cho các bạn trẻ hơn muốn theo đuổi đam mê sự nghiệp thể thao: “Mình nghĩ cứ cống hiến hết mình cho đam mê và cố gắng chăm chỉ tập luyện sẽ đạt thành tích tốt nhất”.
Đội tuyển Kun Bokator của Việt Nam đoạt 6 HCV
Báo chí trong nước cho rằng, việc Việt Nam đoạt 6 HCV môn Kun Bokator tại SEA Games 32 là hiện tượng “độc lạ” bởi đây là lần đầu Kun Bokator được đưa vào chương trình thi đấu chính thức ở một kỳ SEA Games.
Ngoài Huỳnh Văn Cường, 5 võ sĩ khác mang HCV về cho Kun Bokator Việt Nam là Phạm Thị Phương hạng cân 45kg nữ; Nguyễn Thị Thanh Tiền hạng cân 50kg nữ; Nguyễn Thị Tuyết Mai hạng cân 55kg nữ; Trần Võ Song Thương hạng cân 60kg nữ và Ngô Đức Mạnh hạng cân 70kg nam.