Năm 1992, sau khi viết một số truyện ngắn, với sự giúp đỡ “trên cả mức nhiệt tình” của nhà thơ Hoàng Minh Nhân, khi ấy là trưởng ban công tác hội viên của Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng, người đã đỡ đầu khá nhiều tác giả trẻ của tỉnh, tôi tiến hành in tập truyện đầu tay. Bản thảo được anh Nhân tổ chức lấy tên Lai lịch một thành hoàng. Đây là tên truyện ngắn vào chung khảo cuộc thi Truyện ngắn hay 1991 do Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh, tạp chí Văn và tạp chí Kiến thức ngày nay tổ chức. Sau, giải dành cho mảng viết về nông thôn này thuộc về Mỹ nhân làng Trọng Nghĩa của Cao Chiến. Sách do Hội VHNT đứng tên và phải xin giấy phép ở Sở VHTT tỉnh. Sàng qua cửa Hội VHNT, một số truyện ngắn đành gác lại. Qua Sở VHTT thì thêm một số truyện nữa.
Đường sách ở Sài Gòn. (Ảnh minh họa) |
Khổ nhất là Lai lịch một thành hoàng, người ta bảo truyện “tiêu cực, u ám“ quá (?). Tôi đành phải trưng cái chung khảo cuộc thi ấy (dù không vào giải) cho người duyệt. Vẫn không ổn, người ta yêu cầu phải có bản in báo! May mà tạp chí Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh cũng vừa in truyện ấy. Hồi ấy ở tỉnh không thấy phát hành tờ báo này. Vậy là phải nhờ người mua tận TP.Hồ Chí Minh về để làm… bằng chứng. Rồi thêm truyện Huyền thoại người đàn ông Bảy vợ, người ta bảo “khuyến khích” nạn “đa thê”(?), sau truyện ấy gọt lại chỉ còn nhõn cái tên Huyền thoại, rồi truyện Ở ẩn… Sàng tới sàng lui số truyện chỉ còn hơn… một nửa! Lỡ rồi, cũng phải in thôi. Vả lại, bao nhiêu người đã ủng hộ, lẽ nào lại rút thì oải quá. Bìa thì trình bày dựa vào bức tranh Ấn tượng mặt trời mọc của họa sĩ Hoàng Ân, lúc ấy đang nổi như cồn, có tranh triển lãm tận Singapore và được tài trợ cả một phòng vẽ ở Sài Gòn! Sách in ở một nhà in ở gần đường Bạch Đằng (sau khi in cuốn sách của tôi nhà in cũng giải thể luôn!). Trầm trầy trầm trật chạy tiền rồi cũng xong. Sướng nhất là lần đầu nhận sách in của mình. Cảm giác ngồi trên chiếc xích lô chở 1.000 bản sách đầu tay của mình dù chỉ in bằng kỹ thuật in typo thô sơ từ nhà in lên bến xe để chở tiếp về nhà thật khó tả. Sau khi nộp lưu chiểu mấy chục cuốn lại phải chờ thêm 15 ngày mới được phát hành đúng theo quy định!
Hồi ấy, để ra mắt một xuất bản phẩm quả thật vô cùng khó khăn! Không nhớ rồi cuốn sách ấy phát hành ra sao nữa. Chỉ nhớ có một vị mạnh thường quân mua giúp 200 cuốn. Có lẽ những cuốn sách này đi xa nhất thì phải. Có cuốn đi đến tận thư viện nước Úc! Với tập sách này, tôi rút ra được hai kinh nghiệm: Sự giúp đỡ nhiệt tình của nhà thơ Hoàng Minh Nhân và sự “hồn nhiên, vô tư” của chính tác giả!
Sau này, khi NXB Đà Nẵng ra đời, mọi chuyện có vẻ dễ dàng hơn. Tôi in ở đó truyện dài Tý cô nương dành cho tuổi mới lớn, và tập truyện ngắn thứ hai Tìm lại thời gian. Mọi chuyện NXB lo hết, thật trên cả tuyệt vời! Năm 1995, từ trại sáng tác văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội, chúng tôi rủ nhau qua NXB Kim Đồng chơi, không nhớ để làm gì nữa. Lần đó, nhà văn Nguyễn Quỳnh “gạ” tôi viết một cuốn sách cho thiếu nhi miền núi. Ông bảo, nếu được thì tạm ứng nhuận bút.Sợ không hoàn thành như kỳ vọng của ông, tôi đành phải từ chối. Bù lại, tôi gửi bản thảo truyện dài Bức tranh gửi lại cho NXB Kim Đồng. Hồi ấy, do đánh máy bằng máy đánh chữ nên nhiều trang bản thảo mờ quá phải trao đổi qua lại với biên tập viên bằng… thư gửi qua đường bưu điện. Rồi cuốn sách cũng ra đời với 3.000 bản in, tác giả được nhận 20 cuốn sách dành cho tác giả và 11% tiền nhuận bút tính theo giá bìa.
Việc in ấn cũng tiếp tục thuận lợi như vậy với tập Một giấc hồ điệp in từ NXB Hội Nhà văn với sự giúp đỡ của nhà văn Lê Minh Khuê. Các cuốn còn lại thì tự in. Bây giờ, khi đã có Luật xuất bản, việc in ấn có vẻ dễ dàng hơn nhiều. Chỉ cần có bản thảo “ổn” gửi qua NXB. Nhà xuất bản sẽ biên tập, cấp giấy phép. Với giấy phép này tác giả có quyền in ở bất kỳ nhà in nào. Từ đây sẽ có nhiều cách để in sách. Nếu có bản thảo hay hoặc có nội dung “hot” lọt được vào mắt xanh của các Công ty phát hành sách danh tiếng như Phương Nam, Nhã Nam, Thái Hà, … hoặc các nhà xuất bản Trẻ, Văn hóa văn nghệ, Quân đội nhân dân… sách sẽ được bao in và phát hành toàn bộ, tác giả chỉ chờ nhận sách biếu và nhuận bút.
Đối với nhiều tác giả có sách bán chạy nổi tiếng như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư… sách được các NXB hoặc công ty sách mua bản quyền từ trước. Chỉ cần có bản thảo là mọi chuyện coi như xong. Còn lại, với các tác giả mới thì các NXB phải nghiên cứu thị trường, phải cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định chấp nhận bản thảo. Kiểu thứ hai, tác giả liên kết với công ty sách hoặc nhà xuất bản để in ấn và phát hành. Cách nữa, một số người thường làm là tự bỏ tiền ra in và tự phát hành. Cũng có tác phẩm được tác giả mang tặng toàn bộ! Khi văn hóa đọc đang có nguy cơ xuống cấp từng ngày thì việc ra đời một cuốn sách theo kiểu NXB hoặc công ty phát hành sách bao in toàn bộ thường không dễ. Kể cả các tác phẩm hay. Bởi, nhiều khi cuốn sách hay phát hành rất khó khăn, ngược lại, nhiều loại sách thị trường chuộng, điển hình là sách ngôn tình chẳng hạn, thì việc phát hành dễ dàng hơn nhiều!
Nếu bạn đang sở hữu một bản thảo tốt thì còn chần chừ gì nữa, hãy cứ mạnh dạn tìm đến các NXB. (Nếu bạn tự in toàn bộ thì nhớ chuẩn bị một số tiền kha khá).
Nhưng tất cả là chặng đường còn lại sau khi sách ra đời: Sẽ đọng lại được gì trong lòng độc giả. Một câu hỏi không ai dám trả lời.
LÊ TRÂM