Sau 8 năm khởi công xây dựng, hôm qua 29.10, tuyến đường hầm xuyên biển đầu tiên nối liền hai đầu mối giao thông lớn và phát triển nhất nhì của thế giới là châu Âu và châu Á đã được khánh thành tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuyến đường hầm Marmaray có tổng vốn đầu tư 4,1 tỷ USD (trong đó một ngân hàng của Nhật Bản đã chi hơn 1 tỷ USD và trở thành nhà đầu tư chính của dự án). Chiều dài đoạn chạy ngầm là 1,4km (trong tổng chiều dài 13,6km) và nằm sâu 50m dưới đáy biển, cắt ngang qua Bosphorus, eo biển nối liền phần lãnh thổ châu Á với phần lãnh thổ châu Âu của thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Các chuyến tàu điện chạy qua đường hầm với tần suất 2 phút/chuyến vào giờ cao điểm và lưu lượng khách có thể đạt mức tối đa 1,5 triệu người/ngày. Các chuyến tàu điện ngầm đi qua đường hầm này sẽ kết nối với mạng lưới vận tải đang được nâng cấp và mở rộng ở Istanbul - Marmaray bao gồm 2 hệ thống đường hầm chạy song song, cho phép các chuyến tàu qua lại đồng thời theo 2 chiều đối ngược. Những phòng điều hành riêng biệt của tàu đô thị và tàu đường dài được bố trí tại trung tâm điều hành chính tại Maltepe. Một phòng thiết bị trung tâm tại Alkali sẽ giám sát tín hiệu phía châu Âu, ở đây còn có một bàn điều khiển phụ cho phép khu vực này hoạt động độc lập nếu tuyến hầm bị trở ngại. Người ta còn thiết lập một hệ thống cảnh báo động đất nối với Trung tâm Cảnh báo sớm tại Kandili.
Công nhân làm việc trong đường hầm Marmaray. |
Ban đầu, đường hầm sẽ được sử dụng để vận chuyển hành khách và hàng hóa địa phương, trước khi xây dựng một tuyến đường sắt quốc tế nối châu Á với châu Âu. Phát biểu trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ và tham dự lễ khánh thành dự án, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh: “Đường hầm xuyên biển được mở đã biến giấc mơ 150 năm của Istanbul thành hiện thực, được đánh giá như một trung tâm mới của thế giới hiện đại”.
Theo các quan chức nước này, thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ có số dân lên tới 14 triệu người nhưng mới chỉ có 2 cây cầu lớn là Bosphorus và Sultan Ahmet bắc qua eo biển Bosphorus nối liền hai khu vực Á - Âu, thường xuyên gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Vì vậy, việc tuyến đường hầm Marmaray ra đời không những giúp Istanbul giải quyết vấn đề giao thông mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế cân bằng 2 miền của Istanbul. Bởi phần đất Thổ Nhĩ Kỳ thuộc lãnh thổ châu Âu phát triển khá mạnh mẽ trong khi nửa còn lại trên đất châu Á lại chưa phát triển bao nhiêu. Thêm vào đó, Istanbul còn là nơi giao thoa văn hóa đa sắc màu của nền văn minh Đông - Tây.
Trước đó, vào ngày 29.5, Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi công xây dựng chiếc cầu thứ 3 mang tên Yavuz Sultan Selim (tên của một trong những vị vua nổi tiếng nhất đế chế Ottoman) với chi phí 3 tỷ USD nối liền các bờ biển châu Âu và châu Á của nước này. Một khi hoàn thành, nó sẽ là chiếc cầu dài và rộng nhất thế giới với chiều rộng 59m, dài 1.275m, gồm 8 làn đường cao tốc và 2 làn đường sắt. Theo Thủ tướng Tayyip Erdogan, việc xây dựng chiếc cầu Yavuz Sultan Selim là để bắt kịp xu hướng phát triển của đất nước và là cách để góp phần xây dựng một Thổ Nhĩ Kỳ giàu mạnh.
Dự án đường hầm xuyên biển Marmaray bị trì hoãn một thời gian dài do việc phát hiện ra những dấu tích khảo cổ quan trọng. Gần 40 nghìn hiện vật được tìm thấy trong quá trình xây dựng, trong đó có 30 xác tàu thuộc thời đại Byzantine. Một số cổ vật hiện tại đang được trưng bày hoặc vẽ lên tường của các nhà ga tàu điện.
QUỐC HƯNG