Đường làng có hoa

BẢO ANH 30/03/2019 05:59

Cùng với “đặc sản” ngõ đá và hàng rào chè tàu, hai ngôi làng cổ Thạnh Bình, Lộc Yên của xã Tiên Cảnh (Tiên Phước) giờ đây còn có thêm một “đặc sản” nữa là hoa dại.

Một trong những con đường hoa ở xóm Nam Giang, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên. Ảnh: B.A
Một trong những con đường hoa ở xóm Nam Giang, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên. Ảnh: B.A

Ban đầu, người ta chỉ trồng hoa dọc con ngõ vào nhà mình. Gần đây, từ sự vận động của chi hội phụ nữ thôn, hoa còn được người dân trồng ở mặt ngoài của hàng rào phía trước nhà. Mùa qua mùa, các loại hoa dại như dâm bụt, mười giờ, dã quỳ, vỏ trấu, tường vy, mẫu đơn... thay nhau khoe sắc. Theo một cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Phước - người từng nhiều lần đưa khách du lịch đến ngoạn cảnh ở hai ngôi làng này, nhờ sự xuất hiện của những lùm hoa dại ấy mà những con đường làng quanh co đã được “cứng hóa” bằng bê tông ở đây trở nên... mềm mại hẳn. Hai ngôi làng cổ Lộc Yên, Thạnh Bình vốn đã hấp dẫn nay càng hấp dẫn, quyến rũ hơn trong mắt du khách phương xa.

Ngoài hai ngôi làng lắm cỏ cây nhiều hoa lá Lộc Yên và Thạnh Bình, nhiều thôn xóm ở các địa phương trong tỉnh cũng đang rộ lên phong trào trồng hoa, cây cảnh để làm đẹp đường làng. Ở thôn Liễu Trì (xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình), vài năm trở lại đây nhiều trục đường tự quản của các chi hội phụ nữ, thanh niên, nông dân, cựu chiến binh... đã trở thành những trục đường hoa. Cá biệt như ở xóm Gò Rùa (cũng thuộc thôn Liễu Trì), một số gia đình còn dành hẳn một khoảnh đất trước ngõ nhà mình để trồng hoa, rồi bày bàn ghế đá dưới bóng mát những loại cây thân gỗ, làm chỗ cho người qua đường ngồi nghỉ... Còn ở thôn Uất Lũy (xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn), nhiều loại hoa dại cũng được trồng rải rác các trục đường lớn nhỏ. Vào dịp tết, các trục đường ở đây đôi chỗ còn có thêm hoa cúc, thược dược, vạn thọ, cẩm chướng... Kiểu “chơi hoa” như thế này cũng xuất hiện ở nhiều thôn xóm khác tại khắp các vùng quê Quảng Nam trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi.

Tuần trước, có việc về xã Duy Thành (Duy Xuyên), người viết bài này cũng không khỏi bất ngờ và thích thú khi phát hiện ra ở đây cũng có nhiều con đường hoa. Hoa được trồng rải rác 2 bên lề trục đường chính chạy ngang qua xã, trên các trục đường nhánh dẫn về các thôn xóm; phổ biến nhất vẫn là hoa mười giờ. Theo thầy giáo Đỗ Hồng Lân - Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Duy Thành, ngoài công sức của người dân ở các khu dân cư, hoa trên các trục đường quê ở Duy Thành khoe sắc quanh năm còn có một phần công chăm sóc của các em học sinh... Đặc biệt, tại xóm Nam Giang - một xóm nhỏ nằm cách khá xa trục đường chính của xã Duy Thành, hoa không chỉ được trồng trên các con đường trong xóm mà còn được trồng trên một số con đường dẫn ra đồng. Và tất cả đều là hoa dã yên thảo Mexico - một loại hoa màu tím, dễ trồng và nở hoa quanh năm... Đây cũng là hình ảnh quen thuộc lâu nay ở thôn Mộc Bài (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn): Dọc theo bờ rào, ven lề đường của trục đường nối từ quốc lộ 1 chạy xuyên qua thôn xuống vùng đông của xã, người ta trồng toàn hoa dã yên thảo Mexico. Bởi vậy có người đã ví von đây là “con đường hoa tím”...

Trong khi đó, vì không có được nhiều bóng râm để trồng hoa, người dân làng Phú Trang (thôn Phú Mỹ, xã Quế Xuân 2, Quế Sơn) chọn cách làm đẹp đường làng của mình bằng loại cây chịu hạn tốt là chuỗi ngọc. Theo ông Lê Phương - Trưởng thôn Phú Mỹ, chuỗi ngọc là loại cây tạo cảnh thuộc họ chè tàu, được trồng đại trà làm hàng rào từ năm ngoái khi chính quyền địa phương phát động xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Đây là loại cây dễ trồng nhưng muốn đẹp thì phải được chăm tỉa thường xuyên. Và điều đáng mừng là, từ khi được trồng đến nay, hộ dân nào ở đây cũng quan tâm chăm sóc nên cây phát triển rất tốt. Ông Lê Phương tiết lộ thêm: “Thôn Phú Mỹ vừa được UBND huyện quyết định khen thưởng về thành tích xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Thành tích này có một phần đóng góp từ phong trào làm hàng rào bằng cây xanh, tạo cảnh quan xanh -  sạch - đẹp nơi đây...”.

BẢO ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đường làng có hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO