Chưa bao giờ người dân “phố núi” - trung tâm hành chính ở Agrồng (xã A Tiêng, Tây Giang) - nhắc nhiều đến cái tên Tơ Viêng như bây giờ. Đường lớn đã mở, những dự án đầu tư, cải tạo hạ tầng chộn rộn khởi động, gọi lại một giấc mơ mà cư dân đã chờ đợi khá lâu: thị trấn.
>> Như dáng pơmu...
>> An cư vùng đất mới
Thấy được những háo hức trong ánh nhìn của đại biểu lẫn người dân trung tâm hành chính trong một sự kiện tưởng chừng bình thường: khởi công chợ Tây Giang vào ngày 25/7 vừa qua.
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang xúc động kể về câu chuyện hai mươi năm tái lập, Tây Giang vẫn chưa có được chợ huyện, và nhắc nhớ về bao gian khó chật vật của địa phương trong việc định hình một thị trấn cho huyện.
Sẽ dễ hiểu cho những nỗi mong chờ của cán bộ và nhân dân Tây Giang, khi hình hài của một thị trấn đã phần nào được tạc khắc, nhưng cứ phải đợi, vì nhiều lẽ. Suốt chặng đường dài, không có quá nhiều đổi khác trong góc nhìn từ phía làng văn hóa Cơ Tu xuống trung tâm hành chính.
Khiêm tốn về quy mô, số dân và cả những công trình trọng điểm mang tính động lực, cái tên Tơ Viêng vẫn nằm đâu đó trong những cuộc họp về quy hoạch, như một “giấc mơ phố” thật gần mà vẫn còn xa trong tâm tưởng.
Tơ Viêng hoàn toàn có thể là một thị trấn với bản sắc riêng có của vùng cao, nơi có một hàng cây đào tuyệt đẹp, một làng văn hóa Cơ Tu với những mái gươl độc đáo về kiến trúc, điêu khắc lẫn câu chuyện về số phận mà nó mang trên mình, và những chiều sương trắng bảng lảng sà xuống giữa thung lũng.
Thị trấn “xanh”, theo đúng nghĩa, khi chỉ cần ngước lên là đã thấy trập trùng rừng nguyên sinh, mở ra giữa khoảng trời trong xanh với mây, với gió núi. Dễ mến và dễ chịu, ít nhiều để lại ấn tượng cho những người một lần đặt chân đến nơi này để hít hà mùi của đại ngàn ban sơ, với sự trong lành đáng mơ ước của một thị trấn vùng cao.
Trở lực, là sự khiêm tốn về hạ tầng lẫn quy mô dân số, cùng cách trở về địa lý khiến “thị trấn” phần nào chưa tạo được kết nối mạnh mẽ với các trung tâm hành chính của những huyện còn lại, du lịch vẫn ở mức khởi phát, chưa thực sự sôi động.
Tròn 20 năm tái lập, giờ là lúc “giấc mơ” thị trấn được gọi về, không còn trong những chủ trương mang tính định hướng nữa, mà bằng nhiều hành động.
Ông Tăng Ngọc Duẩn - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tây Giang cho hay, huyện đã và đang đầu tư nâng cấp đường giao thông từ trung tâm hành chính đi Đông Giang, tạo điều kiện thông thương, kết nối.
Đối với nhiệm vụ tạo diện mạo của đô thị, hiện nay hai tuyến đường lớn ở khu vực trung tâm hành chính đang được mở rộng, thâm nhập nhựa, đồng thời khởi công chợ Tây Giang và đường vào khu du lịch sinh thái pơ mu để kích cầu thương mại - du lịch.
“Hiện nay xã A Tiêng đã được công nhận đô thị loại 5, mục tiêu đến 2025 nâng lên thị trấn. Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo xã A Tiêng quy hoạch phát triển trung tâm hành chính xã thành một trung tâm hành chính mang quy mô thị trấn, đầy đủ hạ tầng, giao nhiệm vụ các ngành tập trung đầu tư những hạng mục còn thiếu.
Ngoài chợ Tây Giang đã khởi công, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện mở rộng các tuyến đường ở khu vực trung tâm hành chính. Ngoài ra, khu dân cư Achiing sẽ được đầu tư bài bản, mang dấu ấn một làng Cơ Tu kiểu mẫu, điểm nhấn của đô thị và có thể phấn đấu là một khu dân cư kiểu mẫu của đồng bào Cơ Tu ở miền núi” - ông Duẩn thông tin.
Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói, xây dựng thị trấn cũng là nhiệm vụ quan trọng, một quyết tâm được Đảng bộ huyện đặt ra trong bối cảnh hiện tại.
“Chúng tôi sẽ tập trung các nguồn lực, đồng bộ từng giải pháp, gỡ những nút thắt để hiện thực việc nâng tầm A Tiêng thành thị trấn, đánh thức khát vọng Tây Giang, xây dựng một vùng biên vừa giàu bản sắc, vừa có đầy đủ những nền tảng động lực để phát triển xanh, bền vững” - ông Lượm cho hay.
Sẽ có nhiều điều mới mẻ để chờ đợi, trong tương lai gần. Tơ Viêng, một “giấc mơ xanh” đang vẫy gọi giữa sắc thắm đại ngàn...