Đã bước qua đầu tháng 9, giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ thi công các dự án đường nối từ ven biển xã Bình Minh lên gần nút giao cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (Thăng Bình) vẫn ách tắc dai dẳng.
Vướng kéo dài
Hai dự án đường liên hoàn, gồm đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn (đường 129) đến quốc lộ (QL) 1 tại ngã ba Cây Cốc và đường nối từ QL1 tại ngã ba Cây Cốc đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với QL14E có tổng chiều dài 12,13km. “Tổng chiều dài mặt bằng đã bàn giao cho nhà thầu là 11,51km. Ách tắc còn lại dài 0,62km với 0,17km thuộc xã Bình Minh; 0,3km qua xã Bình Đào và 0,15km nằm tại thị trấn Hà Lam (khu vực ngã ba Cây Cốc). Ngoài ra, một số đoạn đã bàn giao mặt bằng cũng chưa hết vướng mắc” - ông Nguyễn Hữu Hòa - Trưởng phòng Quản lý dự án 1, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (đại diện chủ đầu tư) thông tin. Theo đại diện chủ đầu tư, ở xã Bình Minh, phương án bồi thường cho hộ ông Nguyễn Minh Thọ đã phê duyệt, nhưng đến nay gia đình chưa nhận tiền với lý do giá thấp. Hộ này đồng thời yêu cầu bố trí tái định cư (TĐC) dù không đủ điều kiện theo quy định. Gặp khó về quỹ đất ở, Thăng Bình đang tính toán bố trí đất ở cho 4 hộ gồm Nguyễn Quang Minh, Phạm Văn Bảy, Nguyễn Thị Bảy, Lê Thị Hồng (hộ này đã bàn giao mặt bằng) vào khu tiếp giáp khu TĐC phục vụ đường dẫn cầu Cửa Đại.
“Nút thắt” GPMB tại xã Bình Đào, nằm gần đầu tuyến ở vị trí cần phải di dời 16 hộ và 1 nhà thờ. Nhiều hộ đã nhận bồi thường và đất TĐC; 2 trường hợp đã trình phương án bồi thường và chờ thẩm định; 8 hộ được địa phương điều chỉnh thủ tục thu hồi đất. Ngược lại, 2 hộ bà Vui, ông Khanh chưa thống nhất bốc thăm, mà kiến nghị được hỗ trợ phần chênh lệch giữa giá đất bồi thường và giá đất TĐC. Ngay nút giao ngã ba Cây Cốc, nghẽn mặt bằng nằm tại đất hộ bà Nuôi (trái tuyến QL1, Hà Lam). Được biết, ngày 2.8 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa giải quyết khiếu nại của hộ này. Theo kết quả tại bản án, tòa bác yêu cầu khởi kiện của hộ bà Nuôi đối với các quyết định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ cho gia đình do UBND huyện Thăng Bình ban hành; hủy quyết định áp dụng khẩn cấp tạm thời mà tòa ban hành trước đây. Tòa án cũng kiến nghị huyện thu hồi, bồi thường bổ sung diện tích tăng thêm trong vệt GPMB dự án rộng 24,6m2. Bởi trong quá trình thụ lý trước khi xét xử, tòa đã thẩm định tại chỗ hiện trạng sử dụng đất của hộ bà Nuôi. Theo đó, phần diện tích nằm trong vệt là 1.025,6m2, diện tích thu hồi theo phương án duyệt là 1.001m2, như vậy chênh lệch 24,6m2.
Khẩn trương tháo gỡ
Trên tuyến còn có một số đoạn đã thi công xong móng cấp phối đá dăm, thảm bê tông nhựa lớp 1. Tuy nhiên, các hộ dân cản trở không cho thảm bê tông nhựa lớp 2 (thị trấn Hà Lam, xã Bình Quý) vì trong quá trình thi công gây nứt nhà. Mặc dù, đơn vị giám định độc lập của bảo hiểm đã lập phương án khắc phục thiệt hại, song chủ hộ không nhận tiền với lý do giá hỗ trợ thấp. Đại diện chủ đầu tư đã cùng Phòng Kinh tế và hạ tầng Thăng Bình thuê đơn vị kiểm định độc lập lại phương án khắc phục thiệt hại, so sánh với phương án của đơn vị giám định độc lập bên bảo hiểm lập để xem xét và vận động, giải thích cho dân nhận tiền. Hiện nay, chủ đầu tư đang chờ UBND huyện thành lập tổ để tổ chức vận động, giải thích trên thực địa.
Điều đáng nói, ngoài đoạn từ ven biển Bình Minh lên giáp đường 129 dài 1,63km được bổ sung sau này, cả đoạn dài còn lại từ đường 129 lên giáp nút giao cao tốc đã triển khai công tác GPMB cách đây vài năm. Năm 2017, khi kiểm tra tiến độ GPMB dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu cần phải hoàn tất khơi thông công địa, bàn giao cho nhà thầu để trước ngày 30.4.2018 đưa vào sử dụng. Lãnh đạo UBND tỉnh, các ngành chức năng sau đó từng nhiều lần kiểm tra, họp bàn để chỉ đạo trực tiếp hoặc bằng văn bản thúc đẩy tiến độ gỡ điểm “nghẽn”. Nhưng đã đầu tháng 9.2019, ách tắc mặt bằng tồn tại dai dẳng, đặc biệt là tại 2 vị trí xung yếu tại xã Bình Đào và ngã ba Cây Cốc. Bên cạnh hộ bà Nuôi, huyện và thị trấn Hà Lam còn phải giải quyết ách tắc mặt bằng liên quan đến hộ các ông Trương Đi, Trà Hữu Tâm, ông Mua. Cạnh đó, nhiều vị trí thi công làn chuyển tốc tại nút giao Cây Cốc cũng chưa có mặt bằng sạch.
Để thúc đẩy GPMB, đại diện chủ đầu tư kiến nghị Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Thăng Bình tiếp tục quan tâm chỉ đạo các phòng ban, đơn vị và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp để bàn giao công địa sạch cho nhà thầu đang mỏi mòn chờ. Đoạn qua xã Bình Đào, huyện chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc điều chỉnh thu hồi đất (8 trường hợp), trình duyệt phương án bồi thường đối với 10 trường hợp còn lại trước 5.9.2019. Đồng thời, ưu tiên đẩy nhanh thẩm định, phê duyệt phương án để sớm tổ chức chi trả cho các hộ dân trong tháng 9.2019. Qua Hà Lam, các phòng, ban cần sớm hoàn thành thu hồi đất bổ sung phần tăng thêm, tổ chức chi trả, vận động hộ gia đình bà Nuôi bàn giao mặt bằng; tổ chức cưỡng chế nếu hộ gia đình tiếp tục không chấp hành. Trước ngày 15.9, công tác xác định lại nguồn gốc đất, giá đất TĐC, phê duyệt phương án bồi thường, TĐC hộ Trương Đi, hộ Trà Hữu Tâm phải đâu ra đó. Chậm nhất tháng 10 tới, huyện bàn giao toàn bộ mặt bằng tại Hà Lam để nhà thầu thi công dứt điểm công trình trong năm 2019.