"Đường non" trong ca dao xứ Quảng

ANH QUÂN 14/01/2024 08:00

Bước qua tháng Chạp, mùi đường non quyện với các loại bánh mứt dâng ngập tràn không gian. Lại nhớ những câu ca xứ Quảng, để rồi bồi hồi ngẫm nghĩ về chữ nghĩa trong dân gian, từ lời mẹ ru, được gom nhặt lại trong từng trang sách…

Đun nấu đường thô. Ảnh: PHƯỚC HIẾU
Đun nấu đường thô. Ảnh: PHƯỚC HIẾU

Từ trong ca dao

Trong sách “Văn nghệ dân gian Thăng Bình” của UBND huyện Thăng Bình (NXB Đà Nẵng, 2015), khi nói về “đường non”, có hai bản: “Ngồi buồn nhớ cá trích ve/ Nhớ bát nước chè nhớ tảng đường non/ Nhớ hồi cá trích y con/ Thịt heo y khổ, lòng còn ước ao”; và “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều/ Nhớ nồi cơm nguội nhớ siêu nước chè/ Nhớ hồi thượng mã lên xe/ Nhớ bát nước chè nhớ chén đường non/ Nhớ hồi cá nục y con/ Thịt heo cắt khúc lòng còn ước mơ”.

Còn tập 1 “Ca dao, dân ca đất Quảng” trong “Tổng tập văn hóa văn nghệ dân gian” của Hội Văn nghệ dân gian TP.Đà Nẵng (NXB Đà Nẵng, 2006) có dẫn: “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều/ Nhớ nồi cơm nguội nhớ niêu nước chè/ Nhớ hồi thượng mã đề xe/ Nhớ bát nước chè nhớ cục đường non…”.

“Đường non” là gì mà những thành tố đi cùng đa dạng đến vậy; những là “tảng”, “chén” và “cục”...? Không chỉ vậy, còn những dị bản trong dân gian và trong sách báo khác nữa, như “bát”, “tộ”, tương đương với “chén” - là vật dụng để đựng “đường non”.

Trong bài viết “Nhớ chén đường non...” đăng trên báo Quảng Nam số ra ngày 10/5/2015, tác giả Nguyễn Hải Triều cho biết: “Sản phẩm đầu tiên mỗi mùa đường phải kể đến là đường non.

Người thợ nấu đường sau nhiều công đoạn lửa củi, san sớt pha chế trong năm chiếc chảo gang cho đến lúc nước mía nguyên liệu đã trở thành đường đặc quánh, dẻo nhẹo, vàng ươm, gọi là đường non. Để lấy được đường non, phải dùng gàu múc từ chảo gang chắt vào các chén sắp sẵn trên thành lò…”.

Như vậy, “đường non” là nước mía được nấu cô đặc thành đường ở dạng chất lỏng, sánh, dẻo. Vì vậy, trên thực tế, “đường non” thường được đổ vào tô/ bát/ chén. Từ cơ sở đó, có thể nói, thành tố đi với “đường non” trong các câu ca dao trên, chỉ có thể là “tô/ bát/ chén”.

Cần nói thêm, người ta sử dụng đường non bằng cách dùng que bằng tre, vỏ mía… chọc vào tô và cuộn thành từng cục vừa miệng ăn. Liệu rằng, “nhớ cục đường non…” trong tập “Ca dao, dân ca đất Quảng” là hiểu theo ý này? Và, chữ “tảng” dường như không phù hợp với “đường non”, như câu ca dao trong sách “Văn nghệ dân gian Thăng Bình” đã dẫn.

Chỉ dấu hương vị quê nhà

Ở Quảng Nam, người nông dân từ xưa gắn bó với nghề trồng mía, nấu đường, nhất là ở các vùng Thăng Bình, Quế Sơn, Điện Bàn, Đại Lộc... Và dĩ nhiên, nó ăn sâu vào ca dao: “Chợ Bà, chợ Được vùng đông/ Sắn dây lớn củ, tảng đường ngọt thơm” (Văn nghệ dân gian Thăng Bình); “Quế Sơn, Tiên Phước, Chợ Đàn/ Sắn dây lớn củ tảng đường ngọt thanh” (Ca dao, dân ca đất Quảng);

Nông Sơn than đá thiếu chi/ Bảo An đường tốt, Trà My quế nhiều”; “Chầu rày hết mía hạ chòi/ Còn chi lên xuống mà đòi đường non” (Nghề và làng nghề truyền thống đất Quảng, Tổng tập Văn hóa văn nghệ dân gian, NXB Đà Nẵng, 2010)… hay trong những ca khúc đậm chất quê hương “Mía Điện Bàn thơm ngát mùi đường non” (Quảng Nam yêu thương - Phan Huỳnh Điểu)…

Tuy nhiên, một vấn đề cũng cần đặt ra ở đây, là dùng từ “tảng đường” có hợp hay không?

Trong quy trình trồng mía nấu đường, đến công đoạn cuối, là việc rót đường ra những cái chén, sau đó đổ “cơi” lên 2 - 3 lần để chén đường có hình dạng đẹp. Đường khi nguội, tách ra khỏi chén, được gọi là “tán” đường.

“Khi đường trong chén đã khô, thợ phụ cạy ra, dùng rơm khô quấn chung hai chén đường thành một cặp bỏ vào bầu. Đường như vậy gọi là đường tán hay đường bát” (Nghề và làng nghề truyền thống đất Quảng). Hai tán đường úp vào nhau gọi là “cặp”; ba mươi cặp xếp vào một cái rổ, thúng, sọt… thì gọi là “bầu” đường.

Một bầu đường thường kèm theo một tán đường lẻ xem như cách bù đắp cho phần thiếu hụt khi vận chuyển hoặc “lấy may”/“lại phước” theo cách buôn bán của người Quảng.

“Tán”, “cặp”, “bầu” là những đơn vị tính trong mua bán đường của nông dân và lái buôn ngày xưa. Trong các tự điển, từ “tán” không được đề cập theo nghĩa này. Vậy đây là phương ngữ để thể hiện đơn vị tính về đường của Quảng Nam?

Từ đó, có thể suy ra, từ “tảng đường” không phù hợp trong các câu ca dao trên. Trong từ điển chỉ đề cập: “Tảng” (danh từ): “khối chất rắn tương đối lớn” (Từ điển Tiếng Việt, GS. Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng, 2017).

Vì vậy, để các câu ca dao trên đúng với phương ngữ xứ Quảng, không nên ghi/ đọc là “tảng” mà phải là “tán”: “Sắn dây lớn củ, tán đường ngọt thanh”; đặc biệt là không dùng từ “tảng” với “đường non” như câu “nhớ tảng đường non”.

Mùa xuân, trong hương thơm của mía đường xứ Quảng, ngồi ngẫm lại câu ca dao, để thấy thương quê hương mình hơn…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Đường non" trong ca dao xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO