Bây giờ, mỗi ngày ra phố, chỉ là chuyện di chuyển đơn thuần khi muốn đến nơi cần đến. Ngày xưa, ra phố là cả một giấc mơ.
Đường Nguyễn Du (Tam Kỳ) ngày trước. Ảnh tư liệu |
Tam Kỳ phố
“Mẹ tôi là nông dân/ Còn tôi sinh ra ở nông thôn”. Đề từ mang tên “người dẫn truyện” cho truyện ngắn “Những bài học nông thôn”, Nguyễn Huy Thiệp viết vậy. Tôi cũng… hóng giọng Nguyễn Huy Thiệp một chút. Tôi sinh ra ở nông thôn. Bây giờ thì vẫn ở đó – nông thôn. Nhưng tôi đã từng đến được với thành phố khá sớm. Đó là điều, nói như ngôn ngữ bây giờ, vi diệu! Thật là vi diệu! Đến như thế nào nhỉ? Có hai chuyến đi của tuổi thơ về thành phố. Cuộc đi về Tam Kỳ, hình như bằng xe đò thì phải. Đón xe từ Mộc Bài nhưng đỗ ở bến nào thì chịu, chẳng nhớ nổi. Nhà ông cố trong họ chuyên làm bánh in các loại, hình như là các cơ sở của tiệm bánh Phú Nhuận danh tiếng một thời. Tôi nhớ rằng đó là một căn nhà nhỏ ở khu phố lâu đời của Tam Kỳ. Nghe nói, có mấy người Minh Hương đã tới ở khu vực ấy rất lâu, làm nên khu phố lâu đời nhất của đất Ba Kỳ. Không biết đó là nhà ông cố hay ông thuê. Chỉ nhớ nhà chủ yếu làm bánh. Bây giờ có thể nhận ra đó là đoạn phố cũ chạy trước chợ Tam Kỳ bây giờ, nằm về hướng nam, đã thay đổi nhiều nhưng vẫn còn thấp thoáng bóng dáng của ngày cũ. Nhớ, hồi ấy mang tên gọi Chợ Cũ hay Chợ Chiều, Chợ Mai gì đó. Nhớ có ăn một buổi trưa ở đó trong ngổn ngang lòng dạ và ngợp trước không khí… thành phố. Sau, mới thấy Tam Kỳ nhỏ xíu xiu như bàn tay, đi loanh quanh chút là ra… ruộng hoặc sông liền. Nghe kể, có thời gian từ Sài Gòn về chơi, con gái của ông chủ Chín Nh. đã phải chạy xe vô tận… Quảng Ngãi uống cà phê mỗi sáng kia mà! Nghe thật khó tin khi mà bây giờ đi vài chục mét đã gặp một… quán cà phê rồi.
Mười năm sau chuyến đi đó, tôi lại có một chuyến về Tam Kỳ thăm nhà người bạn ở khu Ngã ba Hen. Bây giờ là đường Trần Quý Cáp. Một Tam - Kỳ - phố không có ngã tư và trường Trung học Trần Cao Vân thì ở ven ngoại thành. Một con đường lộng gió và rợp bóng áo dài trắng mỗi khi tan trường. Những tà áo dài trắng trong chiều muộn cứ như muốn phả hết mọi niềm thao thiết đến kẻ “lữ khách đường xa” là tôi hồi ấy. Cũng tới được tận đầu cầu Tam Kỳ, rồi đi loanh quanh chỗ nhà thờ gần cầu. Lại tiếp tục thả hồn vào những tà áo dài lồng trong tiếng chuông ngày lễ thánh. Để rồi cứ nhớ mãi…
Lãng đãng Hội An
Một chuyến khác, về Hội An. Không nhớ đã đi bằng xe đò hay bằng ghe nữa. Đâu khoảng 1962, 1963 gì đó. Tôi đã cùng mẹ và đứa em gái kế chụp ảnh chung ở một tiệm ảnh phía dưới nhà sách Thống Nhất thì phải. Chẳng hiểu sao lại chụp ảnh ba người bởi ông bà thường răn, chụp như thế là chuyện tối kỵ (?). Hồi ấy, cảnh được dựng sẵn, cũng hoa hòe hoa sói bày trước một cái phông vẽ sẵn phong cảnh. Máy ảnh cổ lỗ sĩ đặt trên cái giá ba chân to bự chụp từng tấm phim một. Nhớ có cái tấm vải màn phủ lên chiếc máy ảnh, sau khi chỉnh sửa cho ba mẹ con đâu vào đấy thì ông thợ chụp gào to: “Cứ ngồi im ngồi im! Cười lên, cười lên! Nào, một hai ba, chụp!” rồi chui vào dưới tấm vải phủ chung với máy ảnh. Tôi và em gái run rẩy như đang đứng trước… máy chém! Không phải sao? “Máy chém” vang lên mấy tiếng rẹt rẹt đầy đe dọa. Anh em bọn tôi rụt cổ, nép sát vào mẹ, người cứ run bắn lên. Ông thợ chụp hình chui ra khỏi tấm màn hét lên “Xong rồi xong rồi! Đẹp lắm, ba mẹ con đẹp lắm!” Rồi ông bảo đi đâu loanh quanh chơi để ông rửa ảnh xong sẽ ghé tiệm lấy ảnh. Nhớ đã được mẹ dẫn đi ăn chi đó, không còn nhớ món, chỉ lưu lại cái cảm giác hồi hộp trông sớm có ảnh để xem mặt mũi nó ra làm sao, có “giúng mình không”? Rồi cũng nhận được ảnh. Trong ảnh, tôi là một thằng bé đen đúa, quần gấp nếp bên cao bên thấp, tay vân vê gấu áo đang thẹn thùng nép vào bên mẹ và ngước cặp mắt ngơ ngác lên, không biết đang nhìn vào đâu, có lẽ là đang ngạc nhiên nhìn chằm chằm vào chiếc “máy chém” kỳ diệu trước mặt! Đứa em gái cũng không khác hơn bao nhiêu, thêm cái bẽn lẽn đáng yêu của một con bé nhà quê, không lẫn với ai được. Thành phố là như thế đấy!
Kỳ lạ là, sau này bao nhiêu lần tôi đến với hai thành phố ấy (riêng với Hội An thì đã cư ngụ tới gần mười năm) vẫn không thấy xuất hiện những cảm xúc như buổi ban đầu. Thì ra đường tới… thành phố cũng lắm “nẻo” cảm xúc, còn tùy lúc, tùy thời!
LÊ TRÂM