Đường vào Nam

TƯỜNG THANH QUANG 08/04/2015 08:43

Với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, mà giai đoạn ác liệt nhất là từ năm 1965, miền Bắc quyết tâm thực hiện “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong đó miền Bắc đã đưa hơn 300 nghìn cán bộ, bộ đội vào Nam, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Tại Quảng Nam, từ năm 1965 đã tiếp nhận hàng nghìn thanh niên đất Bắc biên chế đến 80% quân số của các đơn vị bộ đội chủ lực của tỉnh đội.

Cán bộ, chiến sĩ miền Bắc từng công tác chiến đấu ở Quảng Nam trở lại chiến trường xưa Tiên Hà (Tiên Phước).  Ảnh: T.T.Q
Cán bộ, chiến sĩ miền Bắc từng công tác chiến đấu ở Quảng Nam trở lại chiến trường xưa Tiên Hà (Tiên Phước). Ảnh: T.T.Q

Trong cuộc hội ngộ mới đây, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ ở miền Bắc từng công tác chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam đã trở lại chiến trường xưa. Ai cũng đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm, mỗi người một phương trời, nhưng theo tiếng gọi của ký ức một thời oanh liệt, họ đã trở về với đất Quảng để được gặp lại đồng chí đồng đội nơi đã cùng sát cánh thực hiện khát vọng cao đẹp “giải phóng miền Nam”. Chiến tranh đã đi qua, trải 40 năm hòa bình, những chàng trai của hơn nửa thế kỷ trước nay tóc đã bạc, da in hằn nếp thời gian, mà những câu chuyện thì vẫn như mới hôm qua. “Tôi lên đường vào Nam từ năm 1968. Ngày đó, để vào đến chiến trường Quảng Nam phải mất ít nhất 3 tháng vượt đường Trường Sơn. Đầy khó khăn, thiếu thốn. Nhưng thanh niên chúng tôi ngày ấy hăng hái và rất quyết tâm” - ông Nguyễn Ngọc Oánh - quê ở Hà Nội, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Tỉnh đội Quảng Nam chia sẻ.

Cùng với hàng nghìn thanh niên các tỉnh phía Bắc tình nguyện lên đường vào Nam, những ông lão của hôm nay đã từng một thời trai trẻ băng rừng vượt núi đến với chiến trường đất Quảng. Ngày ấy họ được biên chế vào các đơn vị bộ đội của tỉnh đóng quân ở vùng núi tây nam. Nơi nước độc rừng thiêng, thiếu thốn về mọi mặt nhưng với tâm thế “người ra đi đầu không ngoảnh lại” thế hệ thanh niên miền Bắc ngày ấy đã một lòng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Mỗi huân huy chương đỏ thắm đeo trên ngực áo các vị hôm nay, trong ngày trở lại chiến trường xưa, là mỗi chiến công, là mỗi lần đổ máu, là để lại một phần thân thể trên chiến trường để làm nên những chiến thắng lẫy lừng. “Trong một lần đại đội trưởng phân công đi trinh sát để chuẩn bị mặt trận, tôi không may bị trúng mìn, bị thương mất một cánh tay, một đồng đội của tôi hy sinh được chôn cất ở Tam Lộc. Vào năm 2005, tôi trở lại đây và đưa hài cốt đồng đội về quê - nhiệm vụ cuối cùng của người lính” - ông Nguyễn Hữu Huân, quê Ninh Bình, từng công tác tại Tiểu đoàn 74 tỉnh đội Quảng Nam thời chống Mỹ, kể.

Không còn sức trẻ, nhưng những người lính năm xưa vẫn lặn lội từ đất Bắc xa xôi lên đường vào Nam tìm lại ký ức hào hùng. Vùng Sơn - Cẩm - Hà xưa (Tiên Cẩm, Tiên Sơn, Tiên Hà huyện Tiên Phước) vốn là nơi đóng chân của các đơn vị bộ đội tỉnh thời chống Mỹ, cảnh vật đã có nhiều đổi thay, ô tô đã có thể vào đến tận chân núi… Nhiều thứ có thể đổi thay, nhưng những ký ức, kỷ niệm đầy tự hào năm xưa trong các cựu binh vẫn còn như in. Tìm về nơi đơn vị từng đóng quân, ai cũng bồi hồi nhớ lại những câu chuyện nặng lòng với mảnh đất này. “Thanh niên đất Bắc chúng tôi ngày đó ai cũng mong muốn được lên đường vào Nam. Khí thế lắm! Có những thanh niên đang ở giảng đường đại học cũng xếp bút nghiên lên đường cầm súng. Vào đến đây chịu nhiều gian khổ nhưng nhân dân Quảng Nam ngày đó đã nuôi nấng, đùm bọc chúng tôi. Có hạt gạo, củ khoai cũng đều mang cho bộ đội miền Bắc. Chính những tình cảm đó đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Cho đến nay chúng tôi vẫn xem Quảng Nam là quê hương thứ hai của mình” - ông Nguyễn Minh Hùng, quê Hà Tây, nguyên Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn 74, Tỉnh đội Quảng Nam thời chống Mỹ nói.

Chiến thắng nào mà không có hy sinh, trong đoàn quân đi giải phóng miền Nam ngày ấy rất nhiều người mãi mãi không về. Những chàng trai cô gái ngã xuống trên mảnh đất không phải nơi chôn nhau cắt rốn nhưng cũng đã hóa thành quê hương. Với những chiến sĩ đất Bắc nay về thăm chiến trường xưa, họ vốn đã là con một nhà của người xứ Quảng, để trong niềm vui sau nhiều năm giải phóng họ trở về Quảng Nam như về với đất mẹ thương yêu.

TƯỜNG THANH QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đường vào Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO