Đường về nhà...

TÙNG CHI 10/04/2022 07:20

“Đường về nhà là vào tim ta” (Đi về nhà, Đen Vâu). Không chỉ tìm thấy bình yên khi về nhà, ở nhà, mà cung đường về nhà cũng luôn bình yên với những đứa con đi xa.

Cảnh đẹp trên đường về nhà. Ảnh: T.C
Cảnh đẹp trên đường về nhà. Ảnh: T.C

Nghe đồn xứ Tiên đã đẹp mà cung đường lên đây cũng đẹp không kém, một người bạn nhờ tôi “review” đoạn đường này cho một fanpage về du lịch.

Lời “nhờ vả” ấy khiến tôi sực nhớ, vài lần chở bạn bè từ phương Nam lên làng Lộc Yên, nhưng chưa có dịp túc tắc thưởng ngoạn cái đẹp của cung đường.

Có những đoạn đường uốn cong và dốc lài lài, hai bên đường rợp bóng cây, đi đúng mùa hoa dã quỳ giống như đang dạo ở thành phố sương mù Đà Lạt.

Rồi lại mường tượng đoạn đường về nhà thăm cha thăm mẹ, bình yên đến nao lòng. Đoạn đường từ nhà tôi về quê chưa tới bảy mươi cây số mà tôi chạy xe máy tà tà mấy tiếng đồng hồ mới tới nhà, vì vừa đi vừa “Dừng chân đứng lại trời non nước” (Qua đèo Ngang - Bà Huyện Thanh Quan).

Tôi nhớ những lần chở con cùng đi. Thấy cảnh nào đẹp là tôi tấp xe vô lề, hai mẹ con cùng ngắm cảnh vừa trò chuyện, giống như nghỉ ngơi giữa chặng, rồi đi tiếp.

Có lần ngang qua khu vực Tam Đàn (Phú Ninh) là dừng lại ngó… trâu, tiện thể kể cho con nghe về ngôi làng từng nuôi trâu nhiều nhất ở xứ Quảng và giải thích cho con hiểu, vì sao người xưa nói “con trâu là đầu cơ nghiệp”.

Con tôi sinh ra và lớn lên ở phố nên đồng lúa hai bên đường về quê tuy quen thuộc nhưng lạ lẫm, thành ra luôn khơi gợi hứng thú trong con. Mà dù có quen thuộc, thì đoạn đường mình đi mỗi ngày, cũng vẫn có những điều thú vị.

Từ Tam Kỳ về Đại Lộc quê tôi có thể đi theo hai cung đường, đó là từ ngã ba Nam Phước hoặc đến Vĩnh Điện rẽ lên. Hai cung đường có độ dài tương đương nhau (đi đường Vĩnh Điện xa hơn vài cây số) và dĩ nhiên, mỗi cung đường đều có những điểm vui thích riêng, nhưng tôi thường đi đường Nam Phước (ĐT 610) hơn.

Đây cũng là con đường dẫn đến Khu đền tháp Mỹ Sơn. Đường hẹp, mật độ xe cộ lưu thông khá lớn và ngày càng nhiều. Nhưng bù lại, cảnh vật hai bên đường rất đẹp và có nhiều chỗ để nghỉ ngơi.

Có thể dừng chân nơi kinh đô cũ của vương quốc Lâm Ấp - Trà Kiệu hoặc cũng có thể thăm các di tích quốc gia như lăng mộ bà Đoàn Quý Phi, khu tưởng niệm Vĩnh Trinh.

Vào mùa sen thì rẽ vào Duy Sơn thư giãn trong hương sen tinh khiết buổi sáng ở cánh đồng Trà Lý. Mà không cần vậy, núi Hòn Tàu như sà xuống ven đường đã rất hứng thú rồi…

Mỗi khi ngang đoạn này, gặp đoàn tàu lửa chạy song song với đường bộ, nhà tôi thường dừng lại nghỉ ngơi, ngắm núi, nhìn tàu chạy, rồi mới tiếp tục hành trình. Tới cầu Giao Thủy nối đôi bờ Thu Bồn, nối hai huyện Duy Xuyên - Đại Lộc, chợt nhớ câu thơ “Người ơi Giao Thủy đôi dòng nước/ Gặp gỡ nhau chi để ngại ngùng” là coi như tới nhà rồi, dù phải đi thêm đoạn nữa. Đi trên cung đường bình yên, thì đường về nhà, dù xa, bỗng hóa gần…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đường về nhà...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO