Còn hai tuần nữa, nhiều nước châu Á đón tết cổ truyền, những người làm ăn xa quê đang náo nức chuẩn bị hành trình đoàn tụ.
Cuộc hành hương về quê đón tết cổ truyền tại nhiều nơi trong khu vực đang diễn ra hết sức nhộn nhịp. Sau một năm học tập và lao động mưu sinh vất vả, những người con xa quê hương lòng nao nức được trở về quê hương đón tết đoàn viên.
Mặc dù theo quy định chung của Chính phủ Hàn Quốc, các công sở chỉ cho người lao động nghỉ 3 ngày lễ, bắt đầu ngày 29 hoặc 30.12 (âm lịch) năm cũ đến ngày mùng 2 hoặc mùng 3 năm mới nhưng mọi người ai nấy cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội được về quê sum họp gia đình, thăm mộ tổ tiên, họ hàng, bạn bè. Những người làm ăn xa quê, lập nghiệp trên các thành phố có cơ hội được ăn tết với nhiều thời gian nghỉ hơn sẽ ở lại quê nhà lâu hơn khi không khí đón tết ở “xứ sở kim chi” vẫn còn kéo dài đến rằm tháng Giêng tức Tết Nguyên tiêu. Mặc dù việc mua vé tàu xe, máy bay về quê ăn tết không kém phần vất vả nhưng việc xếp hàng rất trật tự, theo thứ tự tại các điểm bán vé giảm đi nhiều áp lực hay mệt mỏi cho những khách hàng chuẩn bị rục rịch về quê.
Nhiều nhà ga ở các thành phố châu Á bắt đầu tấp nập người đi lại. |
Nhiều năm trở lại đây tại Hàn Quốc, những gia đình có con cái làm ăn và lập nghiệp ở thành phố thì nhiều bố mẹ còn khỏe mạnh lại ngược dòng lên thành phố để ăn tết cùng các con. Theo tiếng Hàn, tết cổ truyền được gọi là Seol - đại lễ quan trọng nhất trong năm. Nhiều người cho rằng việc đi lại này giúp các con của mình bớt đi áp lực bởi đường về quê muôn nẻo gian truân.
Những đất nước khác như Triều Tiên, Singapore, Mông Cổ cũng đón tết cổ truyền vào thời điểm giống như tại Việt Nam và Hàn Quốc nhưng không ở đâu, số người đi lại đông như tại Trung Quốc, vốn là quốc gia đông dân nhất hành tinh với gần 1,35 tỷ người. Việc những người thành phố kéo nhau về quê ăn tết hằng năm được xem như cuộc “đại di cư lớn nhất thế giới” với hàng trăm triệu lượt người. Vì thế, để sở hữu chiếc vé tàu xe, kể cả máy bay để về quê ăn tết theo thời gian mong muốn của mình không phải dễ. Vì số người đi lại rất lớn như vậy nên nhiều người buộc phải về quê từ gần tháng trước tết, nếu như công việc và thời gian được gọi là “tạm cho phép”. Tại các nhà ga xe lửa, ô tô hay tại các sân bay, những xách đồ lỉnh kỉnh về quê đan xen những tâm trạng nao nức của hành khách. Tất cả đều mong được bình yên trở về trước giờ phút giao thừa. Cặp vợ chồng anh Li Kangpin trên chuyến tàu trở về vùng quê Sơn Tây từ thủ đô Bắc Kinh nói, mặc dù còn hơn 10 ngày nữa là đến tết nhưng vì số người đi lại quá đông nên gia đình anh phải về quê sớm, và rồi lại lên thành phố sớm.
KIM OANH