Đường xa cho chuỗi đô thị di sản

HÀ SẤU 13/02/2022 08:25

Hệ thống di tích, di sản trên địa bàn tỉnh có mối tương tác chặt chẽ. Kịch bản về một chuỗi đô thị di sản gắn kết trong tương lai sẽ tạo ra thêm nét chấm phá riêng biệt cho đặc trưng đô thị xứ Quảng.

Quảng Nam có lợi thế lớn để hình thành một chuỗi đô thị di sản với hạt nhân là Hội An. Ảnh: H.S
Quảng Nam có lợi thế lớn để hình thành một chuỗi đô thị di sản với hạt nhân là Hội An. Ảnh: H.S

Dấu xưa và hiện tại

So với bình diện chung, hình thái đô thị của Quảng Nam hình thành từ rất sớm. Tại một hội thảo về bảo tồn đa dạng tài nguyên, phát triển bền vững diễn ra ở Quảng Nam, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, để đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái của xứ Quảng từ núi Chúa trên thượng nguồn qua Cửa Đại tới Cù Lao Chàm với lưu vực Vu Gia - Thu Bồn thì đã đến lúc chính quyền phải quy hoạch thêm đô thị mới mang tính trung gian nhằm giảm thiểu áp lực phát triển cho các đô thị hiện hữu. 

Danh xưng “di sản” là chưa đủ để chào mời thị dân mà cần nhiều hơn những không gian, tiện ích thực chất. Nếu không cẩn trọng, di sản dễ trở thành công cụ phục vụ cho các dự án đầu tư đô thị thiếu bền vững.

Dự thảo quy hoạch xây dựng Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phân vùng Đông có đề cập việc xây dựng khu vực này trở thành trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm di sản quốc tế. Và chỉ Hội An là không đủ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, không gian Hội An hầu như không thể mở rộng được nữa và có thể sẽ tính toán phát triển theo mô hình đô thị nén. Do đó phải tính tới việc hình thành các đô thị vệ tinh mang đậm giá trị di sản như Trà Kiệu - Kiểm Lâm, tây Thăng Bình.

“Đô thị Hội An sẽ có tầm ảnh hưởng, tác động vào phía nam rất lớn trong tương lai. Do đó các khu vực như Duy Xuyên, Thăng Bình... cần nắm cơ hội này để bứt phá” - ông Lê Trí Thanh nói.

Hội An trong tương lai được tỉnh định hướng phát triển đô thị “văn hóa - sinh thái - giao lưu quốc tế”. Quy hoạch tổng thể huyện Duy Xuyên đến năm 2025, tầm nhìn 2035 cũng xác định xây dựng đô thị Kiểm Lâm là đô thị loại V - trung tâm tổng hợp, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phía tây của huyện.

Với vùng tây Thăng Bình, huyện cũng đã tiến hành lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu lưu trú trải nghiệm Đồng Dương (Bình Định Bắc) và đang điều chỉnh để bước đầu tạo sắc thái mới cho khu vực này. Đã có những tín hiệu bước đầu về nhận thức nâng tầm và phục hưng các di sản trong tiến trình đô thị hóa. Nhưng đây vẫn là câu chuyện dài hơi…

Nét chấm phá cho bức tranh đô thị

Hội An là đô thị hiếm hoi trên địa bàn tỉnh có sự gia tăng dân số cơ học tốt nhờ vào lợi thế đặc thù của một di sản “sống”. Thành phố đã và đang thực hiện chủ trương giãn dân khỏi khu vực trung tâm để giảm sức ép lên di sản. Nhưng với các khu vực còn lại, phát triển đô thị là câu chuyện nhọc nhằn bởi yếu tố “tĩnh” của các di sản này.

Với đô thị Kiểm Lâm (Duy Hòa), mục tiêu của Duy Xuyên đến năm 2025 sẽ có khoảng 3 nghìn dân số đô thị và con số này đến năm 2030 đạt khoảng 6 nghìn. Một trợ lực thúc đẩy giao thương, dịch vụ của khu vực là sẽ xây mới siêu thị Kiểm Lâm và trung tâm mua sắm tại Trà Kiệu trong tương lai gần. Còn kế hoạch thúc đẩy đô thị hóa ở vùng tây Thăng Bình vẫn bỏ ngỏ…

Một góc phố cổ Hội An. Ảnh: H.S
Một góc phố cổ Hội An. Ảnh: H.S

Làm sao để kết nối được ba khu vực có sự tương tác chặt chẽ trong lịch sử và phần nào gắn kết về mặt địa lý này trong tiến trình đô thị hóa? Thị dân ở các khu vực di sản cách xa Hội An ở đâu nếu không phải từ chính những người nông dân đã gắn bó lâu đời với di sản.

Thúc đẩy du lịch - dịch vụ chính là con đường bền vững để hình thành lớp thị dân mới trên nền tảng cư dân bản địa. Ở góc độ đô thị nhỏ, các đô thị Trà Kiệu - Kiểm Lâm hoặc vùng phụ cận của Phật viện Đồng Dương có thể tạo ra thêm nét chấm phá riêng biệt bên cạnh các chuỗi đô thị hình thành trên nền hệ thống giao thông liên tỉnh, liên huyện lâu nay.

Thời gian qua, vùng ngoại ô di sản, các dòng sông di sản… trên địa bàn tỉnh đã trở thành “miền đất hứa” để các nhà đầu tư thúc đẩy dự án phát triển đô thị. Nhưng rồi họ vẫn mãi loay hoay trong việc tìm sự hội tụ dân số cơ học. Danh xưng “di sản” là chưa đủ để chào mời thị dân mà cần nhiều hơn những không gian, tiện ích thực chất. Và nếu không cẩn trọng, di sản cũng dễ trở thành công cụ phục vụ cho các dự án đầu tư đô thị thiếu bền vững.

Theo KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội, để tránh nguy cơ mất cân bằng trong quản lý và điều tiết quan hệ kinh tế - xã hội - môi trường ở đô thị di sản thì một trong các yếu tố cần thiết là cân bằng giữa yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái di sản văn hóa, vùng đệm khu dự trữ sinh quyển với nhu cầu san lấp mặt bằng mở rộng đô thị, kinh doanh bất động sản.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đường xa cho chuỗi đô thị di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO