Cả TP.Hội An và TP.Tam Kỳ đều đã có kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để hướng tới mục tiêu riêng, đồng thời góp phần quan trọng trong tiến trình phát triển du lịch Quảng Nam.
Khẳng định vai trò hạt nhân
Năm 2019, Hội An đón 5,35 triệu lượt khách, chiếm gần 70% tổng lượng khách đến Quảng Nam. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng xu hướng du khách trở lại Hội An trong thời gian tới là tất yếu.
Với kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hội An có nhiều chuyển động mới, nhất là bắt nhịp với du lịch xanh. Khi các tổ hợp, phức hợp lưu trú - vui chơi giải trí - ăn uống có quy mô tầm cỡ ở nam Hội An, Điện Bàn, TP.Đà Nẵng ngày một nhiều, đây vừa là cơ hội để kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại Hội An nhưng cũng kèm theo nguy cơ đây chỉ còn là điểm tham quan nếu không có sự thích ứng phù hợp.
Từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Hội An phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch của miền Trung - Tây Nguyên, đô thị du lịch tiêu biểu có thương hiệu hấp dẫn mang tầm quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, Cù Lao Chàm sẽ trở thành khu du lịch quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, việc phát triển du lịch cơ bản vẫn sẽ dựa trên nền tảng lâu nay nhưng sẽ có sự trau chuốt, làm mới, đi sâu hơn. Trên cơ sở đó sẽ phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa, cả thị trường truyền thống lẫn thị trường mới, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch.
Định hình không gian phát triển du lịch đi liền với các thương hiệu, sản phẩm đặc thù sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ở đề án này. Trong đó, du lịch Khu phố cổ Hội An gắn với thương hiệu di sản văn hóa thế giới.
Du lịch ven biển phục hồi và hướng đến thương hiệu những bãi biển đẹp nhất. Du lịch biển đảo dựa vào thương hiệu khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu du lịch quốc gia. Bên cạnh đó còn có các không gian du lịch sinh thái vùng sông nước, du lịch cộng đồng gắn với làng nghề, làng quê kết hợp nông nghiệp và du lịch gắn với dịch vụ kinh tế đêm.
Hội An cũng bước đầu tiếp cận, phát triển du lịch xanh. Hội An đã được tỉnh chọn là mô hình điểm để phát triển du lịch xanh. Hầu hết trong số 14 đơn vị du lịch vừa cam kết tiên phong theo đuổi du lịch xanh bên lề lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2022 cuối tháng 3 vừa qua cũng đều hoạt động tại Hội An. Đây là cơ sở thuận lợi để Hội An xây dựng, phát triển mô hình du lịch xanh.
Cải thiện sức hút của “điểm lõi” phía nam
Khác với Hội An, Tam Kỳ vẫn đang khá chật vật trong việc định vị thương hiệu du lịch. Dù có bước tăng trưởng khá (lượng khách tăng bình quân hơn 20% qua mỗi năm), nhưng lượng khách đến Tam Kỳ trong năm 2019 mới chỉ đạt khoảng 415 nghìn lượt khách.
Với quyết tâm đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, từ nay đến năm 2025, Tam Kỳ xác định tập trung cho công tác xúc tiến dần hình thành hệ thống dịch vụ du lịch đạt chuẩn qua các dự án: trục đô thị - thương mại dịch vụ - du lịch đường Nguyễn Tất Thành (đường Điện Biên Phủ cũ), tổ hợp khách sạn dịch vụ dọc tuyến ven biển Tỉnh Thủy - Hòa Thượng, tổ hợp dịch vụ du lịch ven sông Trường Giang, khu trung tâm thương mại - dịch vụ du lịch đô thị đồi An Hà, trung tâm thương mại dịch vụ gắn với công viên chuyên đề TP.Tam Kỳ (cánh đồng Nhoong).
Để tạo sự khác biệt, Tam Kỳ từng bước xây dựng sản phẩm du lịch “Không gian rừng đô thị của thành phố cảnh quan châu Á” và hệ thống dịch vụ du lịch trong không gian rừng đô thị.
Theo ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, Tam Kỳ cũng ưu tiên phát triển du lịch xanh, xây dựng dự án tổng thể làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, làng sinh thái Hương Trà, các điểm dừng chân Vườn sinh thái Tam Ngọc, kêu gọi doanh nghiệp cộng đồng tham gia xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa dựa vào cộng đồng, hình thành các tour tuyến liên kết mạng lưới điểm đến du lịch phía nam.
Được biết, các quy hoạch phân khu 9, 10, 12 liên quan đến phát triển du lịch đã được UBND tỉnh và UBND thành phố phê duyệt trong năm 2020. Từ nay đến năm 2030, ngoài việc tập trung nâng cấp, hoàn thiện 4 sản phẩm chính được công nhận “điểm du lịch” gồm: không gian biển Tam Thanh, địa đạo Kỳ Anh - Bãi Sậy Sông Đầm, tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng và tuyến du lịch đường sông Tam Kỳ từ làng sinh thái Hương Trà đến hồ Phú Ninh, Tam Kỳ cũng sẽ chú trọng xây dựng mạng lưới sản phẩm du lịch vệ tinh và hệ thống dịch vụ du lịch đạt chuẩn.