Đường xa vạn dặm... - Bài 1: Sau ánh hào quang

LÊ QUÂN – VINH ANH 16/10/2017 13:07

Một con đường khá gian nan, ngay cả khi ở trên đỉnh vinh quang. Sau những huy chương, sau những tôn vinh, là rất nhiều nước mắt và gian khổ, khi phụ nữ chọn thể thao làm sự nghiệp.

Huấn luyện viên Đặng Thị Thúy đang dạy tại Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT Quảng Nam. ảnh: Lê Quân
Huấn luyện viên Đặng Thị Thúy đang dạy tại Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT Quảng Nam. ảnh: Lê Quân

Với thể thao xứ Quảng, có những bóng hồng bản lĩnh và kiên định với niềm tin về sự nghiệp như Đặng Thị Thúy, Bùi Thị Nhung, Đỗ Thị Mỹ Thành, Bùi Thị Triều… để tiếp tục truyền cảm hứng niềm tin về những giấc mơ khác biệt. Bây giờ, Đặng Thị Thúy hay Bùi Thị Nhung, Bùi Thị Triều… đã trở thành huấn luyện viên của Trường Năng khiếu nghiệp vụ Thể dục thể thao tỉnh. Dù trực tiếp đứng trên sàn đấu hay đã lùi về phía sau lớp vận động viên trẻ chuyên nghiệp, mỗi câu chuyện của họ đều chung tâm huyết với hành trình phát triển của thể thao đất Quảng.

Tuổi trẻ là sàn đấu

Những ngày của tuổi 15, 16, khi phái nữ xúng xính áo váy, mộng mơ về hoa hồng, thì vận động viên nữ chỉ biết đến sàn tập, sân đấu. Đôi chân đầy vết sẹo của tháng ngày tập luyện căng thẳng. Cả gương mặt cũng như mang cái khí khái tranh đấu của phái mạnh. Đặng Thị Thúy nói, tuổi thiếu nữ của chị bắt đầu hệt như vậy. Sớm bộc lộ tố chất của một vận động viên, đến khi được chọn vào trường năng khiếu ở độ tuổi 15, khăn gói xa nhà cũng từ bữa ấy, đến bây giờ đã bước vào tuổi 42, sắc vóc ít nhiều hao mòn, thì giọt nước mắt của ngày đầu xa nhà ấy vẫn chưa bao giờ thôi nhớ. “Bởi mình nhìn thấy nó từ chính những em nữ đang theo học thể thao chuyên nghiệp ở trường hiện tại. Đó là tuổi trẻ của mình, của Nhung, của Triều… nhưng không hề biết về tuổi trẻ” - huấn luyện viên Đặng Thị Thúy nói. Hẳn vậy, khi mỗi ngày của họ đã trải qua là những giải đấu, là những mục tiêu vàng, bạc trong nước và quốc tế. Là lá cờ vinh quang của Tổ quốc được giương cao, là niềm tự hào của một xứ sở. Hình như đôi vai gầy guộc của họ buộc phải căng rộng ra, để trở nên vững chãi, để phải tự nâng mình đứng lên sau mỗi cuộc thương tổn. “Mỗi ngày gần như chỉ có thời gian đi ngủ là mình không phải gồng lên để tập luyện. Còn hầu như quăng quật trên các sàn tập. Không chỉ có mồ hôi, tuổi trẻ của chúng tôi là máu và nước mắt, là duy nhất quyết tâm phải được huy chương” - huấn luyện viên bộ môn Karatedo Bùi Thị Nhung nói.

Đặng Thị Thúy hay Bùi Thị Nhung và rất nhiều vận động viên nữ của thể thao chuyên nghiệp đều có chung một tuổi trẻ “gian nan” như vậy. Hình ảnh một người nữ dịu dàng, điệu đà trong váy áo thướt tha chừng như không dành cho họ. Chị Thúy lý giải: “Hình như phụ nữ được chia làm hai kiểu: mạnh mẽ, độc lập và mềm mại, dịu dàng. Vì mình vốn dĩ là lớp phụ nữ cứng cỏi nên chọn con đường thể thao là đương nhiên”. Nhưng đã sinh ra là phái yếu, thì không thể tránh được những lần rơi nước mắt hay đau đớn về thân thể cùng lo toan, sự nhạy cảm... Và họ, dù có mạnh mẽ thế nào, thì bao nhiêu lần luyện tập, bao nhiêu lần chấn thương, là từng ấy lần nước mắt rơi xuống, vì đau, vì tủi. “Không chỉ có nước mắt, tuổi trẻ của nữ vận động viên là sự hòa trộn của máu, mồ hôi và nước mắt” - Bùi Thị Nhung nói thêm. Những ngày tháng tập luyện gian khổ, vận động viên nam tập như thế nào thì nữ cũng y như thế, không có giới hạn hay ưu tiên vì họ là vận động viên nữ. Những vết bầm tím chồng lên nhau, những vết thương trong thi đấu, lại khiến họ thấy mình mạnh mẽ hơn. Vì ai cũng xác định, bước vào con đường thể thao, vì đam mê, khi đã chọn là hết mình cống hiến cho sự nghiệp. Dù biết trên con đường này, họ buộc phải đánh đổi, phải hy sinh!

Đã chọn một đường dài

Điều mình trăn trở nhiều nhất chính là cuộc sống của vận động viên chuyên nghiệp khi họ giải nghề, là đầu ra cho các em năng khiếu tập luyện ở trung tâm. Nếu nghỉ thi đấu, gần như lựa chọn của họ là một tờ giấy trắng. Để có một vận động viên tài năng không phải điều dễ dàng. Rất nhiều em đã bỏ cuộc dù có tố chất để tôi luyện thành tài. Nên để các em cống hiến thì phải xác định đầu ra cho các em.
(Huấn luyện viên Đặng Thị Thúy)

Lựa chọn một con đường khác với đa phần phụ nữ thường đi, nghĩa là họ đã chấp nhận những thách thức, gian khổ. Ngay cả khi không còn đứng trên đỉnh vinh quang của nghề, họ vẫn chọn con đường gắn bó với đam mê đã khởi đi từ tuổi trẻ. Sau nhiều năm thi đấu cho đội tuyển Pencak Silat quốc gia, với nhiều huy chương vàng trong các kỳ SEA Games cũng như vô địch giải thi đấu thế giới, Đặng Thị Thúy vẫn chọn trở về Quảng Nam, dù thời điểm chị là một cái “tên vàng” của võ cổ truyền Việt Nam đã có rất nhiều lời mời từ các thành phố lớn. “Mình ra đi từ đâu thì trở về ở đó” - Đặng Thị Thúy nói. Đây cũng là vận động viên nữ đầu tiên vào Quảng Nam sau khi tách tỉnh của 20 năm trước để cùng nhiều người tâm huyết gầy dựng nên một lớp vận động viên chuyên nghiệp sau này. Giã từ sàn đấu khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp vận động viên, Đặng Thị Thúy quyết định đầu tư học tập bài bản tại Trường Đại học Thể dục thể thao TP.Đà Nẵng để trở về làm một huấn luyện viên chuyên nghiệp. Cũng từ tâm huyết với thể thao đỉnh cao, chị đã gặp được người bạn đời của mình, cũng là một vận động viên tài năng của võ thuật Việt Nam. Đặng Thị Thúy và Đặng Văn Chín trở thành cặp đôi “vô địch SEA Games” miệt mài dìu dắt thế hệ vận động viên mới của xứ Quảng.

Bây giờ, Đặng Thị Thúy hay Bùi Thị Nhung… truyền dạy cho đàn em không chỉ bằng tài năng mà cả đam mê và tâm huyết. Họ dành sự tinh tế, từng trải của vận động viên chuyên nghiệp để quan tâm, săn sóc cho những “tuổi trẻ” như mình thuở trước. “Bây giờ nước mắt của chúng tôi rơi cũng xuất phát từ tuổi trẻ, nhưng đó là đón nhận trái ngọt từ lớp đàn em của một người làm vườn sau bao vun vén, tâm huyết hay cả vết thương học trò gặp phải trong lúc luyện tập, thi đấu” - huấn luyện viên Bùi Thị Nhung chia sẻ. Cô trò cùng ôm nhau khóc ngay trên sàn đấu, nửa đêm nghe học trò gặp chuyện không lành, cô lại bươn bả đến chăm như người ruột thịt. Họ nói, đôi khi nỗi lo lắng của mình lại dành cho các em vận động viên nhiều hơn cả gia đình. “Vì với gia đình nếu vắng mình vài hôm cũng lo liệu được, nhưng các em học trò lại như mình hồi trước, khăn gói xa nhà và chỉ có huấn luyện viên gần gũi nhất” - huấn luyện viên Đặng Thị Thúy chia sẻ thêm.

Với những người phụ nữ này, sự giàu nghèo sung túc của đời sống, đã không còn là điều để họ so đo. Bởi gắn bó với thể thao cũng gần như gắn bó với sự khó khăn, với… nghèo! Nỗi lo lắng lớn nhất của họ bây giờ, không phải là cuộc đời riêng của mình mà làm sao để “phụ nữ thể thao” có thể đi đường dài với nghiệp đã chọn, mà không phải băn khoăn về những được - mất, thiệt - hơn vốn dĩ không thể quy đổi rạch ròi.

LÊ QUÂN – VINH ANH

Bài 2: Đàn bà đi biển

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đường xa vạn dặm... - Bài 1: Sau ánh hào quang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO