Đường xa vạn dặm... - Bài 2: Đàn bà đi biển

LÊ QUÂN – VINH ANH 17/10/2017 12:28

Xóm Câu (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) không chỉ nổi tiếng với nghề câu có lịch sử hàng trăm năm, mà ở đó còn có những người phụ nữ can trường, cả đời bám biển mưu sinh, giữ nghề cha ông.

Tin liên quan

  • Đường xa vạn dặm... - Bài 1: Sau ánh hào quang
Cả cuộc đời, hai người phụ nữ này không bỏ nghề, bỏ biển, dù công việc lắm gian nguy.
Cả cuộc đời, hai người phụ nữ này không bỏ nghề, bỏ biển, dù công việc lắm gian nguy.

“Đàn ông đi biển có đôi/ Đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Câu ca dao ấy chừng như đã vận vào phận đàn bà đi biển. Phải chăng, họ “mồ côi” là bởi chọn con đường khác với cách chọn nghề thông thường của phụ nữ, để rồi suốt cuộc đời chòng chành như con thuyền nhỏ giữa trùng trùng sóng nước…

1. Lần dò mãi, chúng tôi mới tìm được đường đến xóm Câu. Nép mình bên bờ biển, những ngôi nhà ở xóm Câu khá thấp, nằm san sát nhau. Khi chúng tôi hỏi chuyện về những người phụ nữ xóm Câu còn bám biển, một người đàn ông trong xóm dặn dò: “Đúng là ở đây còn mấy người phụ nữ đi biển, nhưng nói chuyện nhớ khéo léo nhé, họ không biết chữ đâu, nói năng đôi lúc cộc lốc”. Nói xong, người này dẫn chúng tôi đi vào trong xóm tìm gặp những người phụ nữ đặc biệt ấy. Đi chừng trăm mét, chúng tôi được chỉ vào 2 ngôi nhà nhỏ, nằm cạnh nhau. Ở đó, phía trước hiên nhà, 2 người phụ nữ dáng gầy gò đang ngồi trò chuyện. Hai người phụ nữ khoảng gần 60 tuổi ấy là bà Trần Thị Thương và Trần Thị Hường. Hỏi tuổi, họ không nhớ rõ, bà Thương bảo sinh năm 1956 còn bà Hường thì không biết, chỉ ước  tầm 60.

Nếu để ý kỹ sẽ thấy đôi bàn tay đầy sẹo vì móc câu của phụ nữ làm nghề bủa câu. Ảnh: V.A
Nếu để ý kỹ sẽ thấy đôi bàn tay đầy sẹo vì móc câu của phụ nữ làm nghề bủa câu. Ảnh: V.A

Theo bà Thương, ở xóm Câu hiện khoảng 30 ghe thuyền hành nghề câu, trong đó số phụ nữ còn bám biển chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết cũng “U50” trở lên. Nghề câu giờ phát triển đa dạng hơn trước nhưng nhiều hộ dân ở đây vẫn duy trì nghề truyền thống, mà theo họ là có lịch sử hàng trăm năm hay còn gọi “bủa câu”; với việc sử dụng hàng ngàn lưỡi câu nhỏ, thả xuống biển để câu các loại cá như: cá đổng, cá căn… Ngư dân ở xóm Câu đều gốc gác từ Hội An. Hàng trăm năm trước, cha ông của họ dong thuyền đi câu rồi trôi dạt đến vùng đất này và sau đó chuyển lên bờ sinh sống. Hiện nay, nghề câu chỉ tồn tại nhiều ở xóm Câu, những nơi khác như Đà Nẵng, Hội An số lượng người theo nghề còn rất ít. “Nghề ni khó và khổ lắm, thu nhập không bao nhiêu nên nhiều người bỏ nghề, đi “bạn” cho những thuyền đánh bắt xa bờ, hoặc chuyển sang đi câu lớn” - bà Thương nói.

Bây giờ, người theo nghề câu truyền thống ngày một ít dần và những phụ nữ còn gắn bó với nghề chẳng còn mấy ai. Cả xóm còn khoảng mươi người, hầu hết họ đi câu cùng với chồng, con; nhiều người khác thì “đi bạn” với anh em, hàng xóm vì chẳng may chồng qua đời, không có con trai... Lênh đênh biển cả với ba mẹ từ ngày lọt lòng, đến nay gần 60 tuổi nhưng bà Trần Thị Hường vẫn chưa thể rời biển. Bà tâm sự: “Tôi theo ba mẹ đi biển từ lúc còn nằm trong nôi. Ba mẹ một chân đưa nôi, một tay thả câu, cứ thế tôi lớn lên trong vị mặn của biển. Đến năm 10 tuổi tôi đã thành thạo các bước thả câu và gắn bó với nghề, với biển cho đến tận bây giờ. Cái nghề đã nuôi sống tôi và gia đình nên cho dù lớn tuổi nhưng nếu còn sức khỏe tôi vẫn tiếp tục bám nghề, bám biển”.

2. Để hiểu rõ hơn về nghề câu, những người phụ nữ xóm Câu chèo ghe dẫn tôi ra thuyền để tận mắt xem họ thực hiện từng công đoạn. Bà Hường lôi trong hầm con thuyền ra một cái rổ bằng nhựa, bên trong đựng đống cước và hàng ngàn lưỡi câu được nẹp sẵn. “Cứ mỗi nẹp có khoảng 180 lưỡi câu, 10 nẹp như vậy thì thả được chiều dài khoảng 7 hải lý, tùy theo thời gian, đi dài ngày thả nhiều nẹp và ngược lại” - bà Hường giải thích. Bà Hường bảo, nghề câu không khó, làm riết rồi quen nhưng ai kiên trì, chịu khó, chịu khổ mới làm được. Nghề này không phân biệt nam nữ, phụ nữ cũng làm như đàn ông, có khi còn hiệu quả hơn vì sự khéo léo và kiên trì của họ. Nói vậy thôi nhưng cũng chỉ những phụ nữ thế hệ như bà Hường mới theo được cái nghề này. “Nghề câu không khó nhưng ai làm không quen thì chịu. Ngoài sức khỏe, chịu được sóng biển, mưa nắng, phải nhanh tay, lẹ mắt; nếu chậm các lưỡi câu, sợi cước quấn vào nhau rối bời. Bởi rứa, bây chừ ít ai theo nghề này lắm, họ đi lưới vây hoặc đi câu, nhưng là câu lớn, khỏe và đỡ cực hơn nhiều” - bà Hương cho biết thêm.

“Nghề truyền thống mấy đời của cha ông, cô có thấy tiếc nếu sau này không còn ai giữ nghề nữa?” - chúng tôi hỏi. Bà Thương nói: “Tiếc thì có đó nhưng cũng chẳng mong giữ nghề. Con cái mình bây chừ cực chẳng đã mới để nó theo nghề này, chỉ mong nó làm được công việc khác bớt cơ cực hơn. Tui có 2 cô con gái, chẳng đứa nào đi biển cả, rứa mà mừng vì đời con mình không phải vất vả như ba mẹ nó”.

Tiếp lời, bà Thương lật đôi bàn tay chai sần, như nói với chính mình: “Người trong nghề mới thấm được cái khổ cực của đàn bà đi biển. Nhìn bàn tay tụi tui là biết nè, chuyện lưỡi câu móc vô thịt, trầy da chảy máu là chuyện thường. Đó là chưa kể, mỗi lần ra biển, ít cũng một ngày, xuất phát từ giữa đêm khuya mãi đến chiều ngày hôm sau mới vô; nhiều thì 4 - 5 ngày, chẳng có thời gian ăn ngủ, phơi nắng, phơi mưa. Xong chuyến câu, tranh thủ vô bờ bán cá, rồi nẹp lại lưỡi câu, ban sợi cước cho thẳng rồi lại ra biển liền. Làm quần quật mà có hôm cũng về tay không nếu chẳng may trúng phải đám cá nóc cắn phá đứt hết cước”. Nghề câu vừa khổ cực, vừa thu nhập không cao nên lớp trẻ chẳng mấy ai theo nghề.

3. Trao đổi với chúng tôi, chị Bùi Thị Cẩm Lai - Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Quang cho biết, vì cuộc sống mưu sinh mà đến nay nhiều hội viên phụ nữ ở xóm Câu vẫn bám biển, bám nghề. Cho dù đi biển cực khổ và nguy hiểm nhưng một khi nghề đã thành nghiệp họ vẫn chấp nhận, đương đầu. Cũng từng có câu chuyện buồn ở xóm Câu mà đến giờ nhiều người chưa quên được. Chuyện đó cách đây khoảng 10 năm khi những người dân xóm Câu ra khơi, không may gặp thời tiết xấu đã khiến một số thuyền câu bị lật, nhiều ngư dân bị tử nạn, trong đó có cả chị em phụ nữ. Hiện nay, việc đánh bắt đã được trang bị những phương tiện thông tin hiện đại hơn nên ngư dân dễ nắm bắt được thời tiết xấu, hoặc kịp thời kêu cứu mỗi khi có sự cố trên biển.

Cuộc sống bám biển khổ cực là vậy nhưng các hội viên phụ nữ ở xóm Câu rất đoàn kết và nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương, trong đó có công tác phụ nữ. Sắp xếp thời gian đi biển, họ đều cố gắng có mặt sinh hoạt với chị em phụ nữ ở địa phương các dịp lễ, hội cũng như hoạt động hướng về phụ nữ... Các chị em ở xóm Câu thường là vận động viên chủ lực, đại diện cho địa phương trong các lễ hội đua thuyền ở huyện, tỉnh.

LÊ QUÂN – VINH ANH

Bài 3: Bóng hồng sau vô lăng

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đường xa vạn dặm... - Bài 2: Đàn bà đi biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO