Họ vẫn dịu dàng rất phụ nữ, dù chọn cho mình nghề nhiều vất vả: tài xế taxi. Những bóng hồng cầm vô lăng trên các cung đường đôi lúc tự vực mình đứng lên và nhủ với lòng rằng còn đi được là còn niềm vui…
|
Hai chị em song sinh lái xe cho Taxi Mai Linh. |
Với họ, một khi đã chọn nghề để gắn bó, là phải làm hết mình, dẫu nhiều nhọc nhằn, bất kể sớm khuya. Trong câu chuyện về những người phụ nữ đặc biệt mà chúng tôi đề cập trong loạt bài “Đường xa vạn dặm”, có đôi lúc người viết từng nghẹn lại, “Đó là chuyện cách đây khoảng 10 năm khi những người dân xóm Câu ra khơi, không may gặp thời tiết xấu đã khiến một số thuyền câu bị lật, nhiều ngư dân bị tử nạn, trong đó có cả chị em phụ nữ”... Và với nghề lái xe taxi, hiểm nguy không phải đến từ những cơn bão như “Đàn bà đi biển”, mà đôi lúc trên những cung đường, ngay từ trong xe; mà nếu họ không đủ bản lĩnh, sẽ khó lòng vượt qua.
Nghề chọn người
Những bóng hồng sau vô lăng luôn “sắm” cho mình một gương mặt điềm tĩnh, thậm chí khá lạnh lùng. Nhưng không phải họ muốn gây chú ý vì diện mạo hay nghề nghiệp của mình. Cả nụ cười, âu cũng hiếm, bởi họ phải cố giữ “thần kinh thép”. Họ lặng lẽ làm việc và chừng như cố giữ khoảng cách với những vị khách đang muốn “xê xích” lại gần. Hai chị em song sinh cùng chọn nghề lái xe taxi - Nguyễn Thị Bích Hồng và Nguyễn Thị Bích Đào cùng sinh năm 1976 (phường An Xuân, TP.Tam Kỳ), đang là nhân viên của Taxi Mai Linh Tam Kỳ, đều có chung gương mặt “phẳng lặng” như thế. So với cô em, Hồng có tuổi nghề nhiều hơn khi gần 10 năm gắn bó với chiếc vô lăng. Vốn dĩ là một công nhân may làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, nhưng chỉ gắn bó được 5 năm, chị Hồng trở về quê với hy vọng tìm một công việc khác phù hợp hơn. “Tính mình không quen gò bó, làm công nhân may ít cực nhọc hơn nhưng suốt ngày bị “giam” trong công xưởng cũng buồn lắm” - chị Hồng chia sẻ. Vậy là quyết bứt mình ra khỏi “quỹ đạo” sống bình thường, chị Hồng trở về quê, đi tìm việc mới phù hợp với tính cách vốn ưa xê dịch và mạnh mẽ của mình. “Tôi quyết định xin gia đình đi học lái xe. Vừa để thử sức với nghề mà ba đang làm để nuôi gia đình mình” - Hồng nói.
Chị Thùy Vi, giáo viên nữ dạy lái xe “độc nhất vô nhị” ở Quảng Nam. |
Nghĩ là làm, chị mua hồ sơ đi học lái xe và năm 2007 xin vào chạy xe cho Mai Linh Tam Kỳ. Thời điểm đó, phụ nữ lái xe không phải nhiều như bây giờ. Vì vậy, bản thân chị cũng lo lắng, nhiều lần tự hỏi liệu mình là phụ nữ lái taxi có sao không? Chị tâm sự: “Ban đầu cũng lo lắm. Nhiều đêm, một mình một xe, đậu ở ngã tư ga Tam Kỳ chờ khách, mà phải đóng cửa kín mít, không dám kéo gương xuống. Nhưng riết rồi thành quen. Giờ chẳng sợ gì cả”. Nói là vậy, nhưng nhiều lần cũng phải “toát mồ hôi hột” vì đối mặt với những cảnh oái oăm. “Nghề chạy xe taxi thì sớm hôm gì cũng phải đi, miễn là có khách. Nhiều hồi chở người bị tai nạn, máu me vương đầy xe. Cũng có lúc chở nạn nhân đi cấp cứu mà họ chết trên xe lúc nào không hay, đến bệnh viện mới biết. Rồi có khi giữa đêm trúng mấy ông khách nghiện, ngồi hàng ghế sau vô tư lôi kim tiêm ra chích… Nhiều lắm, trường hợp nào tôi cũng gặp rồi” - chị Hồng nhớ lại.
Kể vậy nhưng hai người phụ nữ này đều chung cảm nhận, đó là nghề mình đã chọn thì phải chấp nhận và đương đầu. Nam giới có thế mạnh của họ nhưng phụ nữ lái xe cũng nhiều thuận lợi như tính cẩn thận, khéo léo khi xử lý tình huống… “Trong nhiều hoàn cảnh, nhất là tình huống gặp khách hàng “trời ơi đất hỡi” thì nếu bình tĩnh, phụ nữ sẽ xử lý khéo léo hơn” - chị Hồng lý giải. Trong lúc nói chuyện với chị Hồng, chúng tôi cầm máy gọi cho chị Nguyễn Thị Bích Đào, thì đầu máy bên kia nói vội: “Em trao đổi với một mình chị Hồng được rồi. Hai chị em chị là một mà. Giờ chị đang chở khách đi núi, chưa thể về được”.
Mê những cung đường
Ông Phạm Việt Cảm - Giám đốc Công ty TNHH MTV Mai Linh Tam Kỳ nói, hiện tại Mai Linh có tất cả 6 lái xe là nữ, người có thâm niên nhiều nhất là gần 10 năm, người ít thì vài năm. “Từ trước đến nay, công ty luôn bình đẳng trong việc tuyển dụng lái xe và không phân biệt nam/nữ, miễn ai đảm bảo điều kiện là được nhận vào làm việc. Với những lái xe là nữ, thế mạnh của họ là lái xe cẩn thận, làm việc tích cực, phục vụ khách ân cần, chu đáo và nhẹ nhàng hơn. Nhiều khách hàng gọi dịch vụ taxi cho cả gia đình thường thích lái xe nữ. Đặc biệt, ghi nhận từ trước đến nay cho thấy, chưa có một trường hợp nữ lái xe nào để xảy ra tai nạn giao thông khi cầm lái, trong khi lái xe nam thì khá nhiều. Ở công ty, phái nữ luôn được quan tâm, đảm bảo điều kiện tốt để làm việc” - ông Cảm nói. |
Phơi nắng cả ngày, da dẻ chẳng thể bảo vệ được như chị em văn phòng, nhưng được làm công việc yêu thích là đã quá đủ với chị Phạm Thùy Vi, giáo viên dạy lái xe tại Trung tâm Đào tạo nghề giao thông vận tải Quảng Nam. Năm nay tròn 30 tuổi, chị Vi được biết đến là giáo viên nữ dạy lái xe “độc nhất vô nhị” ở Quảng Nam, với thâm niên 3 năm trong nghề. Trước đó, chị đã có thời gian gần 7 năm làm lái xe taxi cho Mai Linh Tam Kỳ. Chọn cái nghề gắn bó cuộc đời với chiếc vô lăng là việc mà không mấy người phụ nữ làm. Nhưng với chị Vi, đơn giản đó là sở thích và niềm đam mê xe từ bé. “Tôi thích ô tô từ hồi còn học sinh phổ thông chủ yếu là do xem phim. Lớn lên tôi luôn mơ ước mình được lái xe nên học xong cấp 3 là thuyết phục gia đình xin đi học lái xe” - chị Vi kể.
Năm 2007, khi mới tròn 20 tuổi, chị Vi đã cầm hồ sơ đến Mai Linh Tam Kỳ để xin việc. Lúc đó, chị Vi còn nhớ mãi hình ảnh vị giám đốc công ty này tròn mắt ngạc nhiên trước quyết định “ngược đời” như vậy. Chị Vi kể, năm 20 tuổi khi chở khách, không thể tránh được những lời bông đùa với một nữ tài xế “mắt còn trong vắt”. Trong suốt 5 năm trên những đoạn đường ngắn dài, chị Vy tự tìm cách thích ứng với công việc và bảo vệ mình, như bất cứ người đàn bà nào đang mưu sinh trong đời sống này. Đàng hoàng và tử tế; ăn mặc không bóng loáng, môi má không son phấn, nhưng vẫn cố để giữ mình có một sự nhỏ nhẹ - vốn dĩ là thế mạnh của phái nữ - kể từ trong giọng nói, cách cúi đầu chào khách, trong những lần ngoặt cua “ngọt ngào” ở những đoạn đường khó. Với Thùy Vi, lòng đam mê đã giúp cô vượt qua tất cả khó khăn trong nghề. “Cũng không hiểu vì sao tôi thích nghề lái xe đến vậy. Nhớ hồi mang thai đứa con đầu lòng, mọi người thấy mình bầu bì vất vả nên bảo nghỉ sinh sớm nhưng mình không chịu, tới tận 8 tháng mới nghỉ. Mất gần nửa năm nghỉ sinh, tới khi đi làm lại, cầm vô lăng trong tay mà nước mắt không ngừng rơi vì nhớ việc, nhớ xe” - Phạm Thùy Vi chia sẻ.
Bây giờ cô gái vừa tròn 30 tuổi này đang là nữ giáo viên duy nhất của Trung tâm Đào tạo nghề giao thông vận tải Quảng Nam. Với công việc này, chị có nhiều thời gian chăm sóc gia đình hơn nhưng không ngăn được ước mơ mà chị Vi đang ấp ủ. “Tôi đang thuyết phục ông xã để được đồng ý tiếp tục đi học lên bằng FC (cấp cho người điều khiển các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng C có kéo rơ moóc, ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và hạng FB2 - PV) và học thêm bằng lái tàu thủy. Nếu đủ điều kiện, tôi còn muốn được làm giáo viên chấm thi lái xe. Có ước mơ, tôi nghĩ sẽ làm được nếu thực sự biết cố gắng” - chị Vi chia sẻ.
VINH ANH - LÊ QUÂN
Bài cuối: Mẹ của chúng con