Đường xa vạn dặm... - Bài cuối: Mẹ của chúng con

LÊ QUÂN – VINH ANH 19/10/2017 13:47

Mẹ Thành, mẹ Nghệ hay mẹ Ngọc… ở Làng Hòa Bình và Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ bị nhiễm chất độc da cam đều có chung trái tim nhân hậu, để cưu mang, dưỡng dục những phận đời bất hạnh dù không là máu mủ, ruột rà…

Tin liên quan

  • Đường xa vạn dặm… - Bài 3: Bóng hồng sau vô lăng
  • Đường xa vạn dặm... - Bài 2: Đàn bà đi biển
  • Đường xa vạn dặm... - Bài 1: Sau ánh hào quang
Mẹ Võ Thị Nghệ cùng những đứa con ở Làng Hòa Bình.
Mẹ Võ Thị Nghệ cùng những đứa con ở Làng Hòa Bình.

BUỔI chiều ở làng Hòa Bình (xã Tam Đàn, Phú Ninh) - nơi có hơn 100 con người với nhiều hoàn cảnh khác nhau sinh sống. Đó là ngôi làng của những đứa trẻ đặc biệt, khi sớm xa rời vòng tay cha mẹ và cũng chính là nơi nương náu của rất nhiều người khuyết tật xứ Quảng. Không tiếng thở dài, không lời than vãn, những nụ cười của trẻ nít và lời gọi con ấm áp của các mẹ ở làng, xua đi một buổi chiều giữa tiết đông u ám.

Thương qua những tháng ngày

“Chiều rồi. Dậy đi con”, mẹ Võ Thị Nghệ lay nhẹ cô bé Alăng Thị Kim Phí, năm nay chưa tròn 4 tuổi. Cô bé có đôi mắt xoe tròn vòng tay ôm ngang cổ mẹ, líu ríu nấp khi thấy những người khách lạ. Vội rửa mặt và đưa Phí đến sân chơi, không quên mang cho em một hộp sữa, mẹ Nghệ nói, em út nhất trong nhà của mẹ, cũng là đứa bé khó nuôi nhất. “Mới một ngày tuổi, Phí được mang xuống làng, trên người ghẻ lở đầy. Nghe nói cháu bị chôn theo mẹ, các cô y tá cứu được rồi đưa xuống đây” - mẹ Nghệ nói. Từ Đông Giang, quấn trong một tấm khăn lớn của trạm y tế, Alăng Thị Kim Phí - người dân tộc Cơ Tu, được chăm nom theo chế độ của trẻ sơ sinh, vài tháng sau giao về cho “nhà” của mẹ Nghệ. “Nhà” có tất cả 13 “đứa con”, mẹ Nghệ chăm chút cho từng đứa. Hết lớp này tuổi mầm non, thiếu nhi, rồi tuổi mới lớn, mỗi đứa một cách khác nhau trưởng thành. Như mẹ Nghệ, 28 người mẹ trong Làng Hòa Bình thay nhau săn sóc đàn con sớm gặp phải nỗi buồn lớn trong đời. Những đứa trẻ đến với nhau và đến với các mẹ, để cùng dìu dắt đi một con đường tươi sáng hơn.

Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Thành cùng các em sinh hoạt.
Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Thành cùng các em sinh hoạt.

Mẹ Võ Thị Nghệ năm nay đã 53 tuổi, gần 20 năm gắn bó với Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh, cho đến bây giờ đã sáp nhập với Làng Hòa Bình để trở thành một ngôi làng chung của nhiều mảnh đời bất hạnh. Tuổi lớn nhất trong các mẹ ở làng, cũng là một người đặc biệt nhất - khi mẹ Nghệ bỏ qua hạnh phúc riêng tư để dành trọn cuộc đời cho các con. “Mình không có gia đình, nên những đứa trẻ ở đây cũng chính là con của mình. Nhìn tụi nó lớn lên từng ngày từ bàn tay chăm sóc của mình, thấy hạnh phúc lắm” - mẹ Võ Thị Nghệ nói. Những “ngôi nhà” của trẻ mồ côi, chưa bao giờ thiếu sự quan tâm, tình yêu thương của các mẹ. Bốn mươi chín em bé mồ côi sống ở Làng Hòa Bình, như đang ở trong chính gia đình mình, có mẹ săn sóc, có anh chị, có em nhỏ. Tình thương được trải ra và chia sớt cho từng em, để bây giờ, những em lớn, đang theo học phổ thông hay THCS, đều có thể cùng mẹ chăm cho các em nhỏ hơn.

Mẹ Dương Thị Ngọc, nước da trắng, dáng người lanh lẹ, mới chỉ 37 tuổi, đã có thâm niên 17 năm chăm sóc “các con” ở Làng Hòa Bình. Chị nói, nếu kể luôn cả các em đã dời ra sống tại Hội An từ những năm trước, thì chắc số con của chị đã lên đến hơn 30 em. Bây giờ, “nhà” chị có 12 em, ở nhiều độ tuổi khác nhau. “Các con đều rất ngoan. Dù là con trai nhưng biết nghe lời mẹ Ngọc, biết an ủi mẹ, biết giúp mẹ rất nhiều việc để lo cho các em nhỏ hơn” - chị Dương Thị Ngọc nói. Bây giờ “nhà” mẹ Ngọc có 12 con, nhưng có đến 3 dòng máu của người Kinh, Cơ Tu và Xê Đăng. Đã có những đứa con đi học xa nhà, cuối tuần về làng thăm mẹ, thăm em. Những ngôi nhà ở làng, nhà nào cũng có cuốn album ảnh quý giá ghi lại quá trình lớn lên của những đứa con mà các mẹ đã nuôi dưỡng. Niềm vui, niềm tự hào của những người mẹ này, đơn giản chỉ là được con về thăm mua cho trái bắp, cái bánh xèo, hay chỉ cần nhìn chúng bước ra cuộc đời, trưởng thành và tử tế.

Cô giáo đặc biệt

Và cũng với tấm lòng thiện ngay từ khi đặt bước chân vào cuộc đời của nhiều đứa trẻ không may mắn, Nguyễn Thị Xuân Thành - cô giáo trẻ của Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ bị nhiễm chất độc da cam (phường An Phú, TP.Tam Kỳ), để lại dấu ấn sâu đậm với tất cả trẻ em nơi này. Năm mươi chín em bé đều chung một hoàn cảnh: nhận thức không phát triển do bị nhiễm chất độc da cam hoặc gặp cơn đau ngay từ lúc chưa chào đời… Hơn 4 năm là cô giáo tại đây, Xuân Thành nói, nếu phải nghĩ đến ngày từ biệt các em, hẳn sẽ là lúc cô gái trẻ này buồn nhất. Sinh năm 1984, là công dân của TP.Đà Nẵng, Xuân Thành theo chồng về sống tại Tam Kỳ. Và cũng từ đó, cô gái này bắt đầu công việc rất ít người con gái thành thị nào chọn: chăm sóc cho những đứa trẻ kém phát triển. Mỗi ngày trong tuần, như một lịch trình đã sắp sẵn, từ hơn 5 giờ sáng, Thành đã có mặt tại trung tâm, để vừa dọn dẹp, đón trẻ, vừa chuẩn bị thêm dụng cụ học tập cho các em. Buổi chiều, hơn 6 giờ tối cô giáo Xuân Thành mới bước chân ra khỏi trung tâm, bởi phần đông những em theo học tại đây đều là con cái của những gia đình khó khăn, cha mẹ lao động chân tay, đến gần 6 giờ tối mới kết thúc công việc để đón trẻ.

Đã nhiều lần gia đình chồng và cả gia đình mình gây áp lực, để Xuân Thành nghỉ việc nơi này. Nhưng hình như, sự gần gũi và thương yêu của những em bé kém may mắn, đã níu chân cô giáo trở lại. “Mình cũng không hiểu lý do, đã từng viết đơn xin nghỉ, nhưng nhìn các em mừng rỡ mỗi buổi sáng khi gặp mình, lại không cầm được nước mắt” - Xuân Thành nói. Các em đã khiếm khuyết về nhận thức, nên mỗi bài học về chữ cái, thói quen, hình như lặp đi lặp lại mỗi ngày. Nhưng vẫn không hiểu tại sao, Xuân Thành nói, các em lại gần như cùng một sự quan tâm đặc biệt dành cho cô giáo này. “Sáng nào trước khi vào lớp, các em dù lớn hay nhỏ, cũng đều chạy lại ôm cô, rồi nói: con thương cô. Nhiều phụ huynh kể, về nhà lúc nào các em cũng cô Thành, cô Thành” - cô giáo này chia sẻ thêm. Dù em nhỏ nhất trong lớp đã 8 tuổi, bạn lớn nhất có khi hơn 30 tuổi, nhưng tất cả đều như một đứa trẻ. Hơn 4 năm gắn bó nơi này, điều Thành vui nhất, chính là từ lúc ngay cả tên mình các em cũng không biết, việc vệ sinh cá nhân hoàn toàn không thể tự chủ, bây giờ, gần như các em đã có thể nghe theo lời cô giáo. Cũng như niềm vui khi có những bạn từ trung tâm này bước ra, bằng nghề nghiệp được dạy từ đây, đã có thể tự mình nuôi sống bản thân. Và chọn cách chia sẻ với cô giáo Thành về tiền lương mà họ kiếm được hay mua một chiếc xe máy, mở một cửa hàng nho nhỏ, đều tìm đến cô Thành mà khoe.

Xuân Thành, cũng như những người mẹ ở Làng Hòa Bình, khó thể kể hết câu chuyện về họ, khi chọn cách để cuộc đời ghi nhớ bằng tình yêu thương. Họ thuộc tên và nhớ thói quen của từng đứa trẻ, kể cả những cơn đau “đến hẹn lại lên” khi trái gió trở trời. Chị Võ Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Làng trẻ Hòa Bình nói, những ai đến với công việc này, nếu không có lòng nhân từ, tình yêu thương, rất khó ở lại lâu với nơi này.  Nguyễn Thị Xuân Thành cũng vậy, dù cô gái này có bao nhiêu cơ hội để thay đổi công việc của mình, nhưng vẫn chọn cách gắn bó cùng số phận kém may mắn, dạy các em nói một câu cảm ơn tròn vành rõ chữ, biết cách bắt đầu chuyện ăn uống của mình như một đứa trẻ bình thường.

Tất cả họ, hình như, một đóa hoa hồng cho những dịp đặc biệt, đã trở nên xa lạ…

LÊ QUÂN – VINH ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đường xa vạn dặm... - Bài cuối: Mẹ của chúng con
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO