Đứt

NGUYỄN ĐIỆN NAM 01/04/2018 09:50

Người bình dân không định nghĩa rõ ràng nhưng cái sự đứt - cắt rời, chia lìa được họ diễn đạt cảm thức khá đa dạng. Cắt đứt cái dây lạt thì dễ, mà cắt đứt máu mủ họ hàng lại không được. Nông dân nghèo quen việc trồng trọt, xắt chuối nuôi heo, chuyện đứt tay chảy máu là thường nhưng so sánh “nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột” là nói cái sức chịu đựng khác nhau, xử thế khác nhau rồi. Có sự đứt là nghĩa đen mà điều cần hiểu là nghĩa bóng, tựa chòng chành như nón đứt quai, hay đứt gánh giữa đường...

Giới bác học, cũng nói tới những sự đứt mà phải có kiến thức hàn lâm mới hiểu như “đứt gãy địa chất”, “đứt gãy tâm thức”, “đứt gãy văn hóa”...

Cả bình dân và bác học, cái sự đứt muốn đề cập ở đây là chuyện có thứ đã bị cắt rời đi, chia lìa, gây tâm trạng chông chênh, hẫng hụt.  

Đầu tiên là chuyện làng quê, đồng ruộng, con trâu. Ngàn năm ta sống với làng trong phong cảnh lũy tre, đồng lúa, nương dâu, bến sông, giếng nước, cây đa, sân đình, bỗng một ngày cuộc đô thị hóa dữ dội chia cắt không gian, đứt lìa nhiều thứ. Người ở làng dựng lên hàng rào thép, cách nhau một bức tường vôi lạnh lùng. Người bỏ làng lên phố phiêu dạt mưu sinh, đi đường hưởng khói bụi, về nhà trú ru rú như hộp phấn, hộp diêm. Tuổi thơ ta ngày xưa làm trẻ mục đồng, gắn bó thân thiết với con trâu, đẫm mình trong rơm rạ mùa màng. Bây giờ trẻ đã khác, bị vây trong vô số vật dụng sinh hoạt đời sống và giải trí hiện đại. Mùa ra đồng thấy máy cày, máy bừa, máy gieo hạt, máy gặt đập chạy ầm ào, nào thấy bóng con trâu cần mẫn kéo cày như xưa. Nhà văn Võ Đắc Danh từng làm phim tài liệu “Con trâu” đoạt giải trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XII năm 1999 tổ chức tại Huế, bây giờ ngồi viết hồi ký vẫn còn nhớ nỗi ngậm ngùi: “Trong khi vắt kiệt cảm xúc của mình để kể thay câu chuyện cho đời trâu - một loài vật trung thành, âm thầm, nhẫn nại, chịu đựng đòn roi, đội mưa đội nắng, gánh nặng đôi vai để làm ra hạt lúa cho biết bao thế hệ con người, nay phải chấp nhận chia tay với loài người trên đồng ruộng để dành chỗ cho máy cày tân tiến - tôi nhận ra, đây là một cuộc chia tay âm thầm, vĩnh viễn và cũng sòng phẳng đến nao lòng”. Gần hai mươi năm trôi qua từ ngày ấy, đủ để sự đứt lìa ký ức trẻ chăn trâu ở một lớp người chưa? Không rõ lắm, nhưng chắc nhiều trẻ nhỏ thấy con trâu bây giờ chỉ là động vật để... nuôi thịt mà thôi, đâu còn là hình ảnh đặc trưng gắn với đồng ruộng làng quê  xứ Việt nữa.

Con trâu đã chia tay dĩ vãng âm thầm mà không nói được, nhưng con người thì sao? Có những tầng “văn hóa câm” là những trầm tích qua bao đời cũng phải chịu nín lặng trước cảnh đổi thay, vật đổi sao dời, bãi bể nương dâu. Bao di tích văn hóa lịch sử đã bị đè nghiến sâu dưới nền các khu resort, nhà hàng, dãy phố và còn tiếp tục bị vây bủa vì cơn lốc đô thị hóa.

Đứt gãy, mất mát, chia lìa với hình bóng quá khứ nên có lúc con người bơ vơ không nơi nương tựa. Cái sự đứt do thời, do đời mà xảy đến cũng phải đoạn đành. Nhưng có chuyện “dứt áo ra đi”, quyết tâm cắt đứt, làm “đứt bóng” hẳn bởi con người làm ra nữa. Không ít nơi, người ta đã cố “mua” văn minh mà bán mình cho tiền bạc, mà đập bỏ, cắt chia đất đai và xóa cả di sản tiền nhân để lại. Có thứ “văn hóa câm” là các tài liệu cổ bằng chữ Nôm ghi chép chuyện xưa thì hiếm người đọc được, hiểu được rành rẽ, để cho mối xông mọt gặm...

Nói văn hóa Việt bị đứt gãy tâm thức là ở chỗ ấy, khiến nhiều khi ngơ ngác mà lạc dòng trôi.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đứt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO